Chương trình giáo dục mới: Sẽ không triển khai thống nhất?

Bộ Giáo dục và Đào tạo dự kiến việc áp dụng chương trình giáo dục mới sẽ được thực hiện trước ở những trường có đủ điều kiện..

“Việc áp dụng chương trình, sách giáo khoa mới chỉ được thực hiện ở những trường đã có đủ điều kiện về giáo viên, cán bộ quản lý, cơ sở vật chất và trang thiết bị giáo dục. Những trường chưa đủ điều kiện phải nhanh chóng bổ sung để có đủ điều kiện áp dụng chương trình mới.”

Đó là một trong những nội dung dự thảo về lộ trình đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông sau năm 2015 do Bộ Giáo dục và Đào tạo soạn thảo. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc đổi mới giáo dục cục bộ như trên sẽ khó được chấp nhận.

Chưa có tiền lệ

Theo Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội, đây là lần đầu tiên trong lịch sử giáo dục nước ta có một cuộc đổi mới giáo dục được tuyên bố rõ là chỉ áp dụng cho những nơi đã có đủ điều kiện.

“Định hướng như vậy thì không biết có bao nhiêu địa phương, bao nhiêu cơ sở sẽ nằm ngoài công cuộc đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục theo yêu cầu của Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8? Định hướng này cũng mâu thuẫn với quan điểm 'quản lý việc xây dựng và thực hiện chương trình dảm bảo tính khả thi, linh hoạt, phù hợp với địa phương và đối tượng học sinh' mà chính Bộ đã nêu,” ông Thuyết nói.

Về vấn đề này, Giáo sư Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội cũng khẳng định: “Không thể đặt vấn đề nơi nào có điều kiện thì thực hiện, nơi nào không có điều kiện thì giữ nguyên như cũ. Nếu nơi học chương trình mới, nơi học chương trình cũ thì còn gì là thống nhất nữa?”

Phó giáo sư, Tiến sỹ Trần Thị Tâm Đan, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội cũng cho rằng đây là cách làm rất thiếu thuyết phục.

Những trường khu vực miền núi rất khó để đảm bảo cơ sở vật chất cho đổi mới giáo dục. (Ảnh: TTXVN)

Cần làm rõ về kinh phí

Trước những ý kiến phản đối, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Vinh Hiển thẳng thắn nói: “Về cơ sở vật chất, trong ý tưởng của chúng tôi là không làm được nhiều vì không có tiền. Vì thế phải tận dụng điều kiện hiện nay để tính toán lại cho hiệu quả hơn, cân chỉnh lại cho sát thực tế hơn, nếu nói về nâng cấp là rất khó.”

Cũng theo ông Hiển, Bộ sẽ ban hành các tiêu chí các mẫu về bàn ghế, danh mục thiết bị tối thiểu, tận dụng công nghệ thông tin… để các địa phương có thể trên cơ sở đó chăm lo cho cơ sở vật chất trường lớp của mình.

“Đề án có nói về việc nơi nào đủ thì triển khai, nơi chưa đủ thì phải tích cực bổ sung, đây là ý rất mới. Không biết là khi nào tất cả các trường đủ đảm bảo được cơ sở vật chất đồng đều, dù ở mức tối thiểu. Nếu chờ các trường bằng nhau mới tiến hành đổi mới đồng thời thì không biết đến năm nào. Chúng tôi cũng mạnh dạn đề xuất xem Quốc hội có đồng ý không. Nếu không đồng ý thì thôi nhưng nếu không đủ điều kiện tối thiểu thì triển khai chương trình mới chắc chắn không khả thi, không thành công,” ông Hiển phân trần.

Đưa dẫn chứng cụ thể, ông Hiển cho biết hiện ngành giáo dục quy định bậc tiểu học học 2 buổi/ngày, nhưng thực tế chỉ khoảng 50% trường tiểu học đáp ứng được yêu cầu này. Học 2 buổi/ngày ở bậc trung học cơ sở còn ít hơn, chỉ thực hiện được ở 5 -7%.

Thừa nhận thực trạng cơ sở vật chất của các trường hiện nay đa số không đủ đáp ứng yêu cầu giáo dục toàn diện, nhưng theo Phó giáo sư, Tiến sỹ Trần Thị Tâm Đan, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội, Bộ vẫn cần nói rõ vấn đề này trong Đề án.

“Đề án chỉ tập trung vào việc xây dựng chương trình, sách giáo khoa nhưng không nói rõ vấn đề tài chính, vấn đề cơ sở vật chất tương ứng. Hơn nữa việc xây dựng cơ sở vật chất chủ  yếu do ủy ban nhân dân cấp tỉnh chịu trách nhiêm tổ chức thực hiện, kinh phí lớn, cần có sự cân đối của ngân sách Trung ương kết hợp với nguồn ngân sách địa phương nên cần phải nêu được kinh phí dự trù để Quốc hội cân nhắc,” bà Đan kiến nghị.

Cũng tìm một hướng đi cho vấn đề này, ông Thi cho rằng Bộ Giáo dục và Đào tạo nên có lộ trình linh hoạt hơn. “Trong đề án đổi mới phải chia ra phần cứng và phần mềm, có phần phải thực hiện ngay, có phần có thể từ từ, đồng thời phải đưa vấn đề tài chính vào Dự thảo Nghị quyết để nhận được sự ủng hộ của Quốc hội,” ông Thi nói./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục