Chương trình do thám của Mỹ ảnh hưởng tới hoạt động báo chí

Theo một báo cáo chung của Tổ chức Giám sát nhân quyền và Liên đoàn Tự do dân sự Mỹ, các chương trình do thám của Mỹ đang đe dọa tự do báo chí.

Các chương trình do thám của Chính phủ Mỹ đang đe dọa tự do báo chí và quyền được tư vấn pháp luật. Đây là khẳng định được đưa ra trong một báo cáo chung do Tổ chức Giám sát nhân quyền và Liên đoàn Tự do dân sự Mỹ thực hiện và công bố ngày 28/7.

Hai tổ chức trên đã phỏng vấn 90 nhà báo, luật sư và các viên chức đang làm việc hoặc nghỉ hưu của Chính phủ Mỹ. Báo cáo nhận định so với cách đây vài năm, giới chức nước này đã trở nên thận trọng và dè dặt hơn khi tiếp xúc với giới truyền thông do lo ngại nằm trong "mục tiêu" của chương trình do thám diện rộng của Nhà Trắng.

Các quan chức này cho rằng bất cứ sự tiếp xúc nào với báo giới, đặc biệt thông qua thư điện tử hay điện thoại, cũng đều có nguy cơ trở thành bằng chứng chống lại họ liên quan đến hành vi tiết lộ thông tin.

Theo báo cáo trên, chương trình do thám khổng lồ của Nhà Trắng đã "đi quá xa" so với mục tiêu bảo vệ an ninh quốc gia, đe dọa những giá trị cốt lõi của nước Mỹ.

Báo cáo đồng thời kêu gọi Tổng thống Barack Obama và Quốc hội cần cải tổ các chính sách do thám nhằm đảm bảo sự minh bạch cũng như tăng cường bảo vệ quyền lợi cho người tố giác.

Báo cáo trên được công bố trong bối cảnh Chính quyền Tổng thống Obama đang siết chặt kiểm soát thông tin sau vụ bê bối do thám Edward Snowden bùng nổ hồi tháng Sáu năm ngoái.

Chương trình do thám của Mỹ ảnh hưởng tới hoạt động báo chí ảnh 1Người biểu tình với các biểu ngữ phản đối chương trình do thám bí mật của NSA tại Washington ngày 26/10/2013. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Trong đánh giá Nhà Trắng, giờ đây các nhân viên chính phủ có thể trở thành những "nguồn tin nội bộ" cần phải lưu tâm. Tính đến nay, Chính phủ Mỹ đã truy tố 8 đối tượng bị cáo buộc tiết lộ thông tin.

Trong một diễn biến liên quan, cùng ngày, giới chức Thượng viện Mỹ đã đề xuất một dự luật nhằm hạn chế chương trình do thám diện rộng của Nhà Trắng cũng như tăng cường tính minh bạch của chương trình này.

Trao đổi với báo giới, người phát ngôn Hội đồng An ninh quốc gia Ned Price cho biết Nhà Trắng đã hợp tác chặt chẽ với các nhà lập pháp, các chuyên gia và các công ty công nghệ nhằm đảm bảo dự luật mới của Thượng viện tiếp tục duy trì tính chuyên nghiệp trong hoạt động tình báo, song vẫn bảo đảm tôn trọng quyền riêng tư của người dân.

Mặc dù thông tin chi tiết về dự luật chưa được tiết lộ, nhưng nhiều chuyên gia nhận định bản dự thảo mới này tập trung vào các điều khoản hạn chế việc thu thập thông tin tình báo nhằm vào người dân Mỹ.

Trước đó, hồi tháng Năm vừa qua, Hạ viện Mỹ cũng đã thông qua dự luật "Tự do nước Mỹ" nhằm cải cách hoạt động do thám của Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA).

Theo văn kiện này, các công ty điện thoại có quyền nắm giữ những dữ liệu mang tính riêng tư này và NSA chỉ được phép yêu cầu các công ty này cung cấp dữ liệu khi có giấy phép của tòa.

Tuy nhiên, dự luật hiện vẫn đang "treo" ở Thượng viện. Trong khi đó, nhiều ý kiến cũng cho rằng dự luật còn nhiều kẽ hở và các điều khoản đã được giảm nhẹ để tạo điều kiện cho các cơ quan tình báo an ninh Mỹ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục