Từ 2022, chương trình Toán THPT sẽ giảm lắt léo, đánh đố học trò

Chương trình bậc THPT sẽ giảm độ khó từ năm học 2022-2023

Theo các nhà biên soạn Chương trình giáo dục phổ thông mới, ở bậc trung học, môn Toán sẽ giảm bớt các nội dung khó, hàn lâm trong khi môn Ngữ văn sẽ thay đổi về cách tiếp cận.
Những cuốn sách giáo khoa mới theo chương trình mới sẽ được đưa vào dạy ở bậc trung học phổ thông bắt đầu từ năm học 2022-2023. (Ảnh: Phạm Mai/Vietnam+)
Những cuốn sách giáo khoa mới theo chương trình mới sẽ được đưa vào dạy ở bậc trung học phổ thông bắt đầu từ năm học 2022-2023. (Ảnh: Phạm Mai/Vietnam+)

Năm học 2022-2023 là năm đầu tiên Chương trình giáo dục phổ thông mới (2018) sẽ được triển khai ở bậc trung học phổ thông, bắt đầu từ lớp 10. Theo các nhà biên soạn Chương trình, môn Toán sẽ giảm bớt các nội dung khó, hàn lâm trong khi môn Ngữ văn sẽ thay đổi về cách tiếp cận.

Bỏ nội dung khó, giữ phần cốt lõi

“Trên tổng thể, Chương trình trung học phổ thông mới môn Toán đã giảm tải rất nhiều những chỗ lắt léo, những chỗ lâu nay thách đố học trò, gây ra luyện thi.” Đây là khẳng định của giáo sư Đỗ Đức Thái, chủ biên môn Toán Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Cũng theo giáo sư Đỗ Đức Thái, tuy giảm tải nhưng nội dung chương trình sẽ vẫn đảm bảo những yêu cầu học vấn cốt lõi. “Giảm tải không có nghĩa là bỏ hết vì nếu không học, học sinh sẽ không thể đảm bảo kiến thức cơ bản, sẽ thiệt thòi so với quốc tế và không thể du học,” giáo sư Đỗ Đức Thái chia sẻ.

Lấy ví dụ cụ thể về phần tích phân của chương trình môn Toán lớp 12, ông Thái cho rằng đây là “một mảng rất kinh hoàng” và “chúng ta dạy học sinh những kỹ thuật tính tích phân mà sinh viên đại học cũng chỉ học đến thế, không nhiều hơn. Quá trình ra đề thi và luyện thi lại xuất hiện những tích phân mà tôi nói thật tôi cũng tính không được, nhất là lại trong phòng thi có 90 phút với 50 câu hỏi.”

Vị chủ biên môn Toán chương trình giáo dục phổ thông mới khẳng định Chương trình 2018 môn Toán lớp 12 đã bỏ hết những phần kỹ thuật tính toán khó vì tích phân khi ứng dụng trong cuộc sống là những tích phân tính toán đơn giản. Chương trình chỉ dạy những điểm cốt lõi như tích phân là gì? Tích phân dùng để làm gì?

Chương trình bậc THPT sẽ giảm độ khó từ năm học 2022-2023 ảnh 1Giáo sư Đỗ Đức Thái chia sẻ về sách giáo khoa và chương trình mới. (Ảnh: CTV)

Giáo sư Đỗ Đức Thái nhấn mạnh giảm tải phải được hiểu là bỏ những kiến thức hàn lâm, giữ lại những phần cần thiết cho học sinh trong cuộc sống, nền tảng cơ bản cho bậc học cao hơn chứ không phải giảm tải là cắt bỏ hết vì như vậy là giảm tải một cách cơ học, không đúng về mặt sư phạm.

Giáo sư Đỗ Đức Thái cũng cho hay một trong những khó khăn rất căn bản khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới ở bậc trung học là học sinh đã có 9 năm học theo chương trình hiện hành trong khi về nguyên tắc, chương trình lớp 10 là sự tiếp nối của các bậc học trước. Theo ông Thái, ban soạn thảo chương trình đã biết rõ điều này và chỉ ra các giải pháp. Tuy nhiên, điều này đè nặng lên tài năng sư phạm của người viết sách giáo khoa và giáo viên khi cần đưa ra phương thức truyền đạt, chuyển tải nội dung kiến thức đến học trò một cách phù hợp với khả năng tiếp nhận của các em để tránh gây áp lực và quả tải.

Thay đổi cách tiếp cận

Chia sẻ về môn Ngữ văn, phó giáo sư Đỗ Ngọc Thống, chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông mới môn Ngữ văn cho hay, điểm mới nhất là thay đổi cách tiếp cận. Trước đây sách giáo khoa chạy theo nội dung, dạy rất nhiều văn bản, thể loại khác nhau nhưng lại xếp theo lịch sử văn học: hết dân gian, đến trung đại đến hiện đại. Tuy nhiên, sách mới tổ chức theo trục kỹ năng, giúp giáo viên và học sinh hình dung được các kỹ năng cần đạt được.

Chương trình bậc THPT sẽ giảm độ khó từ năm học 2022-2023 ảnh 2Phó giáo sư Đỗ Ngọc Thống. (Ảnh: CTV)

Mục tiêu giáo dục phổ thông không phải đào tạo ra các nhà phê bình văn học hay nhà văn nên yêu cầu đặt ra là giáo viên phải trang bị cho các em văn hóa phổ thông. Ở môn Ngữ văn, trước hết học sinh đọc văn bản phải hiểu, viết được đoạn văn rõ ràng sáng sủa, diễn đạt trung thành ý nghĩ mình, diễn đạt từ đúng đến hay và nói lưu loát, tự tin.

[Dạy lớp 6 theo chương trình mới: Lúng túng với môn tích hợp]

“Đổi mới phải gắn với tính thiết thực đó, chính là phải bám sát cuộc sống. Đặc biệt quan trọng là thay đổi cách đánh giá thi cử, lúc thi phải có văn bản, ngữ liệu mới. Như vậy mới mới đo được suy nghĩ của các em,” giáo sư Đỗ Ngọc Thống nói.

Theo lộ trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo, bậc trung học phổ thông là bậc học cuối cùng triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới, bắt đầu với lớp 10, từ năm học 2022-2023 tới. Trước đó, Chương trình mới đã được triển khai đại trà trên cả nước bắt đầu từ năm học 2021-2022 với khối lớp 1 của bậc tiểu học, từ năm học 2021-2022 với khối lớp 6 của bậc trung học cơ sở./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục