Trao đổi với báo chí sáng 12/4 tại Hà Nội, ông Nguyễn Ngọc Bảo - Phó Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, Ngày Sách Việt Nam lần thứ sáu (2019) sẽ được tổ chức trên phạm vi toàn quốc, gắn với các hoạt động tổng kết 5 năm thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Ngày sách Việt Nam (21/4).
Hội sách kéo dài 5 ngày
Hội sách chào mừng Ngày sách Việt Nam lần thứ sáu sẽ diễn ra trong thời gian từ ngày 18-22/4 tại công viên Thống Nhất (phường Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội).
Chương trình có sự tham gia của 84 nhà xuất bản, đơn vị phát hành sách với quy mô khoảng 100 gian hàng, giới thiệu tới bạn đọc những tựa sách thuộc nhiều thể loại khác nhau: sách văn học, sách lịch sử, sách khoa học, sách kỹ năng sống, sách nuôi dạy trẻ, sách kinh doanh…
Đại diện ban tổ chức cho hay, các đơn vị tham gia hội sách sẽ thực hiện nhiều chương trình giảm giá với các loại xuất bản phẩm. Nhiều hoạt động giao lưu tác giả-độc giả, tọa đàm giới thiệu tác phẩm… sẽ được tổ chức trong khuôn khổ hội sách.
Cũng trong khoảng thời gian trên, nhiều hội sách chào mừng Ngày Sách Việt Nam 2019 cũng được tổ chức tại nhiều địa phương trong cả nước: triển lãm sách, ảnh “Non sông thống nhất” tại Cần Thơ, ngày hội “Sách - Người bạn, người thầy” tại Thư viện Hà Nội, hội sách Hải Châu (Đà Nẵng)…
[Nỗ lực đưa sách Việt ra thị trường thế giới: Đường vẫn còn xa]
Ngoài ra, Ngày Sách Việt Nam 2019 cũng được tổ chức tại Thư viện Quốc gia Việt Nam và hệ thống thư viện công cộng trong toàn quốc với nhiều hoạt động: trưng bày sách, giới thiệu những tựa sách mới, thi vẽ tranh, kể chuyện theo sách…
Ông Nguyễn Ngọc Bảo cho biết, hệ thống thư viện các địa phương đã phối hợp với ngành công an tổ chức đưa sách đến các trại giam, trung tâm điều trị cai nghiện (Thư viện tỉnh Sơn La, Thư viện tỉnh Hà Nam...), phối hợp với ban chỉ huy quân sự tổ chức Ngày Sách Việt Nam ở các đồn biên phòng, hải đảo (Thư viên tỉnh Điện Biên, Thư viện tỉnh Kon Tum…).
Ấn tượng sau 5 năm tổ chức
Theo Quyết định số 284/QĐ-TTg (ngày 24/2/2014) của Thủ tướng Chính phủ, ngày 21/4 hàng năm được chọn là Ngày Sách Việt Nam. Ngày 21/4/1927 là ngày ra mắt cuốn sách “Đường Kách mệnh” của Chủ tịch Hồ Chí Minh - tác phẩm đầu tiên bằng tiếng Việt được in bởi những người thợ in Việt Nam.
Ngày Sách được tổ chức nhằm khuyến khích, phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, nâng cao nhận thức của nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc đọc sách với việc nâng cao kiến thức, kỹ năng, phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người.
Theo ông Nguyễn Ngọc Bảo, sau 5 năm triển khai, Ngày Sách đã nhận được sự quan tâm của các cấp, ngành, địa phương và đông đảo nhân dân cả nước.
Qua 5 năm triển khai quyết định của Thủ tướng về Ngày Sách Việt Nam, toàn ngành xuất bản đã xuất bản gần 160.000 xuất bản phẩm (với gần 1,9 tỷ bản in) thuộc nhiều thể loại khác nhau. Mô hình đường sách, phố sách được triển khai hiệu quả: đường sách Nguyễn Văn Bình (Thành phố Hồ Chí Minh), phố sách Hà Nội, đường sách Vũng Tàu… Điển hình, từ khi thành lập (2015) đến nay, có hơn 430 cuộc tọa đàm, giới thiệu sách, giao lưu tác giả-tác phẩm đã được tại đường sách Nguyễn Văn Bình.
Sau 5 năm, các cơ sở giáo dục trong cả nước đã quyên góp được hơn 11 triệu bản sách các loại cho thư viện các trường, học sinh nghèo. Ngoài ra, các cấp bộ đoàn trên cả nước đã xây dựng được hơn 36.000 tủ sách thuộc các chủ đề khác nhau (tử sách Bác Hồ, tủ sách măng non, tủ sách biển đảo…) với gần 4 triệu cuốn sách.
Lãnh đạo Cục Xuất bản, In và Phát hành cho biết, thời gian qua, hoạt động xã hội hóa xây dựng mô hình thư viện tư nhân, tủ sách gia đình, tủ sách dòng họ phát triển mạnh mẽ. Tiêu biểu như, huyện Quỳnh Phụ (Thái Bình) xây dựng được hai thư viện, 50 tủ sách nhà văn hóa thôn, 250 tủ sách gia đình… Năm thư viện tư nhân đã đi vào hoạt động phục vụ cộng đồng tại huyện Quảng Điền (Thừa Thiên Huế)…
Bên cạnh đó, nhiều địa phương đã xây dựng đuọc chương trình hội sách, triển lãm sách theo chủ đề cụ thể, gắn với đặc điểm tình hình, văn hóa, lịch sử của địa phương nhằm thu hút sự quan tâm của độc giả, nâng cao văn hóa đọc. Một số chương trình tiêu biểu có thể kể đến như lễ khai bút Xuân tại đền thờ Chu Văn An và lễ hội truyền thống tại di tích Văn Miếu Mao Điền (Hải Dương), hội sách Đất Tổ gắn với lễ hội Đền Hùng (Phú Thọ)…
“Năm nay, công tác tổ chức Ngày Sách Việt Nam được chú trọng cả về bề rộng lẫn chiều sâu để nâng cao hiệu quả các hoạt động,” lãnh đạo Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành khẳng định./.