Chuỗi ngày đau khổ của người thân hành khách trên chuyến bay MH370

Đã 3 năm kể từ ngày chiếc máy bay mang số hiệu MH370 của hãng hàng không Malaysia Airlines mất tích nhưng đến nay vẫn chưa xác định được số phận của chiếc máy bay này.
Chuỗi ngày đau khổ của người thân hành khách trên chuyến bay MH370 ảnh 1Người phụ nữ xem lại bức ảnh gia đình người em gái, họ vẫn chưa trở về cùng máy bay MH370. (Nguồn: QQ)

Đã 3 năm kể từ ngày chiếc máy bay mang số hiệu MH370 của hãng hàng không Malaysia Airlines mất tích, nhưng đến nay vẫn chưa xác định được số phận của chiếc máy bay này, cho dù một số mảnh vỡ máy bay đã được tìm thấy.

Thân nhân của những hành khách trên chuyến bay đó đã trải qua chuỗi ngày đau khổ như thế nào khi người thân của mình vẫn chưa trở về?

Một bài viết mới đây trên trang Chinadaily đã giúp chúng ta giải đáp thắc mắc đó.

Mất cả cuộc đời để... chờ đợi

Cũng giống như tiếng gầm rú của máy bay khi bay xuyên qua những đám mây, ngày 16/2, tại một cuộc gặp với hãng hàng không Malaysia Airlines, Khương Huy, thân nhân của một hành khách trên chuyến bay MH370, nghe như tiếng gió rít bên tai.

Anh ta ngơ ngác nhìn xung quanh trong một cuộc gặp mặt mỗi tháng một lần với sự xuất hiện của khoảng 30-40 người.

Bắt đầu từ khách sạn Lido đến một địa điểm bên ngoài vành đai 6 của Bắc Kinh, nhưng vẫn giống như 3 năm trước đây, mọi thứ đều không thay đổi, tất cả vẫn chưa có câu trả lời.

Trong căn phòng kín bưng như một chiếc lồng đó, có người đang rơi những giọt nước mắt trong một góc nào đó, có người đang tự nắm chặt bàn tay của mình, có người thì bất chợt đứng lên hét to: "Chúng tôi cần họ quay trở về."

Ngày 8/3/2014, chiếc máy bay mang số hiệu MH370 của hãng hàng không Malaysia Airlines đã mất tích mang theo 239 hành khách, trong đó có 154 người Trung Quốc.

Ba năm sau, vẫn chẳng có ai biết rằng MH370 đã đi đâu. Nó trở thành một trong những vụ mất tích bí ẩn nhất trong lịch sử hàng không.

Hai năm sau ngày MH370 mất tích, Thủ tướng Malaysia Najib bin Abdul Razak từng ra thông báo nói rằng: "Chúng tôi vẫn cam kết sẽ làm sáng tỏ những bí ẩn." Trong khi đó, đối với những người thân đang chờ đợi, họ có thể phải mất cả cuộc đời.

Thất vọng nối tiếp thất vọng

Phóng viên đã hẹn gặp người đàn ông 64 tuổi Văn Vạn Thành tại nhà ga Tế Nam, Sơn Đông. Ngày hôm đó là ngày 17/1, ông đang vội quay trở về Bắc Kinh.

Chuỗi ngày đau khổ của người thân hành khách trên chuyến bay MH370 ảnh 2Thân nhân của hành khách trên chiếc máy bay mất tích MH370 khóc thương người thân tại lễ kỷ niệm hai năm vụ mất tích của máy bay này ở Kuala Lumpur, Malaysia ngày 6/3/2016. (Nguồn: EPA/TTXVN)

Ông được miêu tả với đặc điểm nổi bật là những chỏm tóc bạc trên đầu. Ông tìm một nơi nhiều ánh sáng và khéo léo lấy ra một chiếc máy ảnh, đặt hướng thẳng vào phóng viên. Sau đó, ông mở một chiếc máy tính cũ. Những gì phóng viên nói với ông đều hiện lên màn hình.

Ông nói rằng ông vẫn còn giữ mấy video âm thanh, ông đã thu âm mọi cuộc nói chuyện với Malaysia Airlines và các bên liên quan.

Câu cửa miệng của ông là: "Tôi có bằng chứng."

Nói chuyện một lúc thì điện thoại của ông đổ chuông. Điện thoại của phóng viên cũng nhảy lên dòng tin tức: "Chính phủ Malaysia và các nước khác đã tạm thời dừng việc tìm kiếm dưới nước máy bay MH370."

Phóng viên bàng hoàng nhìn ông nhưng sắc mặt ông không đổi, ông nói: "Không sao cả, máy bay vốn không ở dưới biển, người vẫn còn sống."

Người con trai duy nhất của ông Văn là Văn Vĩnh Thắng, 36 tuổi, trợ lý tổng giám đốc cho một công ty lớn ở Sơn Đông, là mất tích trong chuyến công tác đến Malaysia.

Ông nói: "Thất vọng nối tiếp thất vọng. Gia đình tôi đã đoán trước được việc họ sẽ kết thúc công việc tìm kiếm."

Vài phút sau, khi chuyến tàu nhanh sắp vào bến, trong sự ồn ào của dòng người, ông đột ngột cúi xuống bật khóc.

Từ Kinh Hồng, 46 tuổi, có người mẹ trên chuyến bay MH370.

Từ Kinh Hồng từng có quãng thời gian du học Nhật Bản. Năm 2008, trở về nước với hy vọng có thể ở bên cha mẹ nhiều hơn, cô lấy chồng ở Thiên Tân, miền Bắc Trung Quốc và sinh hai người con.

Trước khi lên máy bay, người mẹ đã nhắn tin cho Từ: "Đồ điện trong nhà con mua đi, mẹ tin tưởng ở con," còn hỏi "có cần mẹ gửi tiền không?" Khi đó, Từ đang bận rộn chuẩn bị cho cha mẹ một căn hộ ở gần nơi cô sống.

Ngày 8/3 cũng là ngày cưới của Từ. Từ năm 2014, cô nói với chồng rằng: "Chúng ta sẽ chẳng bao giờ có ngày kỷ niệm nữa."

Còn trong câu chuyện của người phụ nữ 61 tuổi Đới Thục Cầm là những trải nhiệm đau thương. Bà nói với rằng khi nghe thấy thông tin gia đình 5 người của em gái có mặt trên máy bay mất tích MH370, dường như mái tóc của mình bạc dần đi trong gương.

Cuộc sống khó khăn

"Tính đến thời điểm hiện tại, đây là vụ máy bay mất tích với số người đông nhất, thời gian tìm kiếm lâu nhất, manh mối ít nhất, quốc tịch hành khách phức tạp nhất, chi phí tìm kiếm cao nhất," luật sư Trương Khởi Hoài, luật sư đại diện cho Văn Vạn Thành và gần 30 hộ gia đình có người thân mất tích trên chuyến bay MH370, cho biết.

Chuỗi ngày đau khổ của người thân hành khách trên chuyến bay MH370 ảnh 3Một phụ nữ cầm những quả bóng mang thông điệp tưởng nhớ các nạn nhân MH370 tại lễ kỷ niệm ở Kuala Lumpur ngày 4/3. (Nguồn: EPA/TTXVN)

Cũng giống như việc tìm kiếm ở độ sâu 120.000km2 ở vùng biển Nam Ấn Độ Dương, cuộc sống gia đình hành khách MH370 cũng như đang rơi vào một xoáy nước khổng lồ.

Có những gia đình vốn có con cái làm việc ở nước ngoài nhưng sau khi máy bay mất tích, cả gia đình gặp khó khăn, họ rơi vào cảnh kiệt quệ.

Bà Đới Thục Cầm không có một đêm ngon giấc kể từ ngày đó. Bà đã sút 20kg trong vòng nửa năm.

Bà nói: "Tôi nghĩ rằng mình đang bị ảo giác, người ta nói rằng máy bay đâm vào hòn đảo nhỏ. Tôi chưa từng nhìn thấy hòn đảo nhưng nghĩ rằng trên đảo chắc chắn có đá, em mình có khi đang ngủ trên đá. Cứ nghĩ như vậy tôi cảm thấy không thể chịu đựng nổi, không thể ngủ nổi."

Đôi khi, Khương Huy còn đón tiếp những người từ nơi khác đến Bắc Kinh. Những người già khệ nệ những túi trái cây lớn. Họ nói với Khương Huy rằng: "Con tôi sẽ quay lại vào cuối tuần, tôi phải đi đón."

Anh đã từng mở tủ lạnh của một gia đình và kinh ngạc khi phát hiện tủ lạnh đầy ắp thức ăn không còn một kẽ hở: "Họ nói rằng nếu đợi con về mới mua sẽ không kịp."

Nhiều người, đã được chẩn đoán mắc chứng rối loạn lo âu, rối loạn lưỡng cực, trầm cảm hay hoang tưởng.

Lưu Kim Bằng, chuyên gia tâm lý, được Malaysia Airlines thuê từ ngày 30/1/2015 đến 8/3/2016 để cung cấp các dịch vụ tâm lý cho các gia đình hành khách MH370.

Cô rất khó để quên đi những "nỗi đau, sự giận dữ, buồn bã và bối rối," của những gia đình có người thân trên chuyến bay đó.

Những lời nói dối vây quanh

Điều khiến Lưu Kim Bằng ấn tượng nhất là rất nhiều người vẫn giữ niềm tin kiên định rằng người thân của họ sẽ quay về bình an.

Văn Vạn Thành làm admin một nhóm liên lạc giữa các gia đình. Ông từng làm đoàn trưởng dẫn gần 20 người đến Malaysia.

Trong nhóm này, ông Văn thường hay chia sẻ những đường link không rõ xuất xứ hoặc những văn bản do ông tự tìm kiếm.

Có bài viết nói rằng MH370 chưa bay được xa, có bài viết thì ám chỉ rằng trước khi bay người và máy bay đã không ở cùng nhau.

Những thông tin như vậy vẫn chiếm được lòng tin của họ. "Chúng tôi không thể không tin bởi thực tế gặp quá nhiều những câu trả lời không rõ ràng," một người nói.

Có người vẫn tin rằng người thân của mình đang sống ở hoang đảo; có người thì nghĩ rằng người thân đang bị bắt làm con tin ở một đất nước xa xôi nào đó.

Chuỗi ngày đau khổ của người thân hành khách trên chuyến bay MH370 ảnh 4Thông điệp tưởng nhớ các nạn nhân MH370, nhân tưởng niệm một năm vụ mất tích máy bay này ở Kuala Lumpur, Malaysia ngày 6/3/2015. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Quả đúng là "khi sự thật vẫn còn đang đi giày thì những lời đồn thổi đã chạy đi khắp thế giới."

Bà Đới Thục Cầm im lặng một lúc và nói: "Nếu vào tháng Năm có người bói rằng tháng Bảy máy bay sẽ trở về; đến tháng Bảy lại có người bói rằng tháng Chín người thân của chúng tôi sẽ về, chúng tôi sẽ dựa vào những tin tức đó mà sống trong hai tháng"./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục