Chiều 29/6, làm việc tại tỉnh Bắc Ninh về các giải pháp phát triển ngành chăn nuôi trên địa bàn, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng để phát triển ngành chăn nuôi, phải hình thành được chuỗi giá trị khép kín từ khâu chế biến thức ăn, chăn nuôi, giết mổ, chế biến và tiêu thụ sản phẩm.
Theo báo cáo của Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Ninh, thời gian qua, ngành chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đã có bước phát triển khá cả về năng suất, chất lượng sản phẩm; nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật mới đã được áp dụng vào sản xuất; phương thức chăn nuôi đã có sự chuyển dịch tích cực từ chăn nuôi nhỏ lẻ trong nông hộ sang chăn nuôi gia trại và trang trại tập trung công nghiệp, sản xuất theo hướng hàng hóa.
Về quy mô sản xuất, đến nay trên địa bàn tỉnh có khoảng 300 trang trại và 13 doanh nghiệp chăn nuôi. Tỷ trọng giá trị do chăn nuôi trang trại sản xuất chiếm 38,8% tổng giá trị sản xuất chăn nuôi toàn tỉnh, tăng 14% so với giai đoạn 2006 - 2010.
Hiện trên địa bàn tỉnh có 42 trang trại chăn nuôi tập trung ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất; trong đó có 6 doanh nghiệp đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Để phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững, Bắc Ninh có chủ trương xây dựng nhà máy giết mổ lợn quy mô lớn, với công nghệ hiện đại, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu trên địa bàn tỉnh.
[Cục Chăn nuôi: Còn tồn đọng hơn 1,5 triệu con lợn cần "giải cứu"]
Tại cuộc làm việc, Tập đoàn DABACO Việt Nam, một doanh nghiệp của Bắc Ninh đã giới thiệu ý tưởng xây dựng Nhà máy giết mổ lợn quy mô công nghiệp. Nhà máy có mức vốn đầu tư khoảng 700 tỷ đồng; trong đó vốn doanh nghiệp chiếm 80%, còn lại là vốn tín dụng. Sau khi hoàn thành, nhà máy có công suất giết mổ 250 con/giờ; sản lượng 2.000 con/ngày; hệ thống làm lạnh công suất 2.200 con, có thể mở rộng lên 3.000 con; hệ thống trữ thịt đông lạnh đạt 5.000 tấn.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường đánh giá cao những giải pháp của tỉnh Bắc Ninh nhằm thúc đẩy phát triển ngành chăn nuôi trên địa bàn. Theo Bộ trưởng, Bắc Ninh có những lợi thế lớn về nguồn nguyên liệu, trình độ chăn nuôi và đặc biệt là thị trường tiêu thụ.
Để phát huy những lợi thế này, theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, tỉnh cần tính toán để đầu tư đồng bộ các nhà máy, dây chuyền giết mổ gắn liền với chế biến, từ đó đa dạng hóa sản phẩm từ chăn nuôi. Quan trọng hơn, Bắc Ninh cần tính toán các giải pháp điều chỉnh sản xuất để có vùng nguyên liệu ổn định cho các nhà máy giết mổ quy mô công nghiệp. Bộ trưởng Cường cũng khẳng định, Bộ sẽ vào cuộc quyết liệt cùng với địa phương về khoa học - công nghệ, hỗ trợ xúc tiến thị trường.
Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực của lãnh đạo, sự vào cuộc của người dân tỉnh Bắc Ninh trong phát triển kinh tế-xã hội nói chung, sản xuất nông nghiệp nói riêng, trong đó có việc đề ra các giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho người chăn nuôi.
Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, những khó khăn của ngành chăn nuôi thời gian vừa qua có nguyên nhân chính là do nguồn cung vượt cầu, nhưng cụ thể hơn là do chất lượng sản phẩm còn thấp, chưa tiếp cận được với các thị trường khó tính. Cùng với đó, chi phí cho chăn nuôi còn rất cao, đặc biệt là chi phí cho thức ăn. Việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm còn hạn chế trong công tác bảo quản, chế biến… cũng ảnh hưởng lớn đến ngành chăn nuôi.
"Trước những hạn chế này, không còn cách nào khác là phải giảm chi phí, tăng giá trị sản phẩm chăn nuôi. Phải rà soát lại các quy hoạch liên quan đến chăn nuôi; trong đó bao gồm mạng lưới các cơ sở chế biến thức ăn, cơ sở chăn nuôi, giết mổ, chế biến sâu sản phẩm; gắn quy hoạch với nhu cầu của thị trường, với năng lực sản xuất và khả năng cạnh tranh của sản phẩm. Chấm dứt tình trạng đầu tư sản xuất tự phát, theo phong trào," Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Theo Phó Thủ tướng, muốn phát triển ngành chăn nuôi theo quy mô hàng hóa, doanh nghiệp, hợp tác xã phải đóng vai trò quan trọng trong tổ chức sản xuất, chăn nuôi, chế biến. Người nông dân sẽ tham gia góp vốn, công sức và hưởng lợi ích từ phần đóng góp của mình. Ngoài ra, phải nhanh chóng đầu tư các cơ sở giết mổ, chế biến tập trung, hiện đại; mở rộng thị trường, tìm đầu ra cho sản phẩm chăn nuôi Việt Nam; tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp lý để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào ngành chăn nuôi, đặc biệt là công đoạn giết mổ, chế biến sâu sản phẩm.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sớm rà soát để hoàn thiện quy hoạch các cơ sở giết mổ, chế biến gia súc tập trung với quy mô công nghiệp; phối hợp với Bộ Công Thương quản lý tốt vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm trong chăn nuôi, chế biến, xuất khẩu.
Về mô hình nhà máy giết mổ gia súc của DABACO, Phó Thủ tướng ghi nhận và khuyến khích doanh nghiệp tiếp tục nghiên cứu kỹ thị trường để tạo ra sự đa dạng sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh. Doanh nghiệp cũng cần nghiên cứu mở rộng đầu tư để tạo ra chuỗi giá trị khép kín từ thức ăn, chăn nuôi, giết mổ đến chế biến, bảo quản./.