Theo trang mạng aspistrategist.org.au, nhiều người trong cộng đồng chiến lược Australia đã tỏ ra hài lòng khi chứng kiến những cam kết trong bản cập nhật chiến lược quốc phòng của chính phủ nhằm cải thiện các năng lực công nghiệp quốc phòng và tăng cường kho dự trữ vũ khí chiến lược của đất nước.
Kế hoạch cơ cấu lực lượng bổ sung này của chính phủ cam kết dành tới 1,1 tỷ USD để tăng cường năng lực sản xuất vũ khí tự chủ, và dành từ 20,3-30,4 tỷ USD tăng cường đảm bảo cho các kho vũ khí trong giai đoạn 2025-2040.
Những khoản đầu tư này được dự tính để cải thiện năng lực sẵn sàng chiến đấu và tính linh hoạt của Lực lượng Quốc phòng Australia (ADF) trong trường hợp xảy ra xung đột khu vực thông qua việc cung cấp năng lực cho ADF duy trì hoạt động ngay cả khi chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn.
Hiện có nhiều lời kêu gọi chính phủ nghiên cứu các lựa chọn phục vụ sản xuất trang bị vũ khí hiện đại ở trong nước.
Tuy nhiên, Australia không thể đủ điều kiện tiếp cận các năng lực sản xuất vũ khí tự chủ nếu chỉ tập trung vào tính sẵn sàng chiến đấu và quân nhu phục vụ chiến tranh nóng.
Australia nên tăng cường năng lực sản xuất vũ khí tự chủ cho các hạng mục vũ khí phi sát thương và thiết yếu như phao âm-thiết bị phát hiện tàu ngầm, có vai trò quan trọng các chiến dịch (răn đe) thời bình cũng như tác chiến (thời chiến).
[Chuyên gia: Cái giá phải trả của nền quốc phòng Australia]
Phao âm cũng là một ví dụ điển hình đối với chuỗi cung ứng quốc phòng hiện nay đang quá tải. Các báo cáo năm ngoái cho thấy việc đáp ứng nhu cầu phao âm trong dài hạn của nhà cung ứng duy nhất ERAPSCO là không rất bấp bênh.
Cùng lúc đó, tuần suất hoạt động dày đặc trong các chiến dịch quân sự của Mỹ đã làm cạn kiệt kho vũ khí của Hải quân nước này với một tốc độ nhanh hơn nhiều so với trước đây.
Ngay cả khi có nhiều yêu sách đòi mua thêm phao âm, thì sự phân bổ ngân sách đột biến của Quốc hội (chi tiêu gấp đôi trong giai đoạn 2017-2020) là nhằm lấp đầy kho vũ khí đang cạn kiệt thay vì để lường trước nhu cầu trong tương lai.
Cuộc tìm kiếm nhà cung ứng thay thế vẫn chưa đem lại kết quả, điều đó có nghĩa là Hải quân Mỹ tiếp tục phải phụ thuộc vào ERAPSCO ít nhất cho tới năm 2024.
Tạm gác vấn đề về tốc độ chi tiêu quốc phòng và chính sách dự trữ quốc phòng của Lầu Năm góc sang một bên, hiện vẫn còn những câu hỏi về khả năng đáp ứng của chuỗi cung ứng trong trường hợp nhu cầu tăng đột biến do xảy ra xung đột.
Trong tình trạng hiện nay, chuỗi cung ứng phao âm là một trong các chuỗi cung ứng đang phải oằn mình vì nhu cầu quá nhiều.
Đây không chỉ là mối quan ngại đối với riêng Mỹ, mà còn với các đối tác như Australia, vốn đang sử dụng máy bay săn tàu ngầm P-8A Poseidon.
Trên thực tế, một sự sụt giảm nhỏ trong việc sản xuất phao âm độc quyền tại Mỹ cũng có thể gây ra hậu quả tiêu cực đối với hệ thống khách hàng sử dụng hệ thống săn tàu ngầm (ASW) của Mỹ.
Điều này là đặc biệt đúng tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, nơi mà các đối tác khu vực quan trọng mới chỉ sử dụng vừa đủ các máy bay ASW, đồng thời cũng là nơi mà quy mô, chất lượng và hoạt động của hạm đội tàu ngầm tấn công Trung Quốc liên tục được tăng cường.
Khoảng cách giữa nhà cung cấp và khách hàng có thể bị đẩy xa hơn nữa trong trường hợp xảy ra xung đột. Bởi vậy, Mỹ có thể sẽ phải đặt nhu cầu dự trữ quốc phòng cao hơn nhu cầu của đồng minh khi tình hình trở nên cấp bách.
Ngay cả khi không có xảy ra xung đột, việc không dự trữ quốc phòng đủ mức trong ngắn hạn và không tìm kiếm được những nguồn cung tin cậy trong dài hạn có thể làm suy yếu năng lực quốc gia trong việc thực hiện các hoạt động ngăn chặn và tuần tra trong thời bình.
Ví dụ, việc thiếu hụt phao âm đã ảnh hưởng tới khả năng sẵn sàng chiến đấu và năng lực của phi hành đoàn ASW của NATO, và không chỉ trong các kịch bản huấn luyện.
Đối với Australia, một chuỗi cung ứng phao âm yếu kém có thể làm giảm khả năng của ADF trong thực hiện các chiến dịch ASW độc lập và làm giảm khả năng đóng góp vào nỗ lực quốc phòng chung.
Tuy vậy, Australia vẫn có nhiều lợi thế để giải quyết rủi ro này, và bản cập nhật chiến lược quốc phòng kịp thời đã giúp họ làm được điều đó.
Việc nâng cao năng lực sản xuất phao âm của Australia là tương đồng với kế hoạch nâng cao năng lực công nghiệp tự chủ năm 2018 và kế hoạch nâng cấp chiến lược để giảm thiểu rủi ro thiếu hụt nguồn cung đối với các trang thiết bị thiết yếu.
Việc đầu tư vào quá trình sản xuất phao âm cũng là một động thái hỗ trợ định hướng tiến tới ASW của Hải quân Hoàng gia Australia, đồng thời cũng là một sự mở rộng các hoạt động nâng cấp cơ sở hạ tầng liên quan (chẳng hạn trên Đảo Cocos và tại căn cứ không quân RAAF Darwin).
Australia cũng nên phối hợp cùng các quốc gia khác để cải thiện tính linh hoạt của năng lực ASW trong khu vực. Chẳng hạn, Australia và Mỹ có thể cùng nhau giải quyết vấn đề phao âm thông qua một thỏa thuận hợp lý dựa trên khuôn khổ của Nguyên tắc Công nghiệp Quốc phòng Quốc gia (NTIB) của Mỹ.
Điều này giúp tăng cường sự tham gia của Australia trong chuỗi cung ứng của Mỹ thông qua việc cho phép Australia tự sản suất một số trang thiết bị trong nước.
Australia cũng có thể tận dụng sự hợp tác giữa các thành viên của nhóm Five Eyes trong lĩnh vực quốc phòng và chuỗi cung ứng: 4 trong số các thành viên của nhóm đã tham gia NTIB.
Một lựa chọn khác đó là Australia có thể phát triển những mẫu phao âm mới với các đối tác như Hàn Quốc, quốc gia có chung mục tiêu cộng tác trong lĩnh vực ASW, cơ sở công nghiệp, chuỗi cung ứng, nghiên cứu và phát triển.
Dù giải pháp cuối cùng là gì, Australia vẫn luôn có đủ tài chính và động lực để giải quyết vấn đề cung ứng này. Việc xây dựng một dây chuyền sản xuất phao âm hiện đại trong khu vực sẽ giúp Australia và các đối tác chuẩn bị tốt hơn cho những chiến dịch quân sự tần suất dày đặc trong những năm sắp tới./.