Hưởng ứng Tuần lễ Biển và Hải đảo đồng thời để góp sức cùng nhân dân cả nước ủng hộ ngư dân bám biển trước diễn biến phức tạp của việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 trái phép trên trên vùng biển Việt Nam, ngày 5/6, tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức lễ phát động ủng hộ ngư dân bám biển, bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương.
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Mạnh Hiển cho biết, theo Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 và Luật Biển Việt Nam, vùng biển Việt Nam bao gồm nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa thuộc chủ quyền quốc gia của Việt Nam.
Vùng biển Việt Nam có đường bờ viển dài trên 3.260 km, vùng đặc quyền kinh tế rộng trên 1 triệu km2 cùng với hơn 3000 hòn đảo lớn nhỏ gần bờ hai quần đảo nằm án ngữ ngoài khơi là Hoàng Sa và Trường Sa. Đây là những điều kiện khẳng định Việt Nam chúng ta là một quốc gia biển.
Hơn nữa, vùng biển nước ta được biết đến như một khu vực giàu tài nguyên thiên nhiên, có vị trí địa chính trị và địa kinh tế đặc biệt quan trọng trong khu vực và thế giới. Trong những năm qua, nhiều chủ trương chính sách quan trọng của Đảng và Nhà nước về biển đảo được triển khai và thu được kết quả quan trọng, góp phần tích cực vào sự phát triển bền vững vùng biển và hải đảo Tổ quốc.
Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, biển Đông đang trở thành “điểm nóng” về tranh chấp, tiềm ẩn những nguy cơ xung đột, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chủ quyền, an ninh và lợi ích quốc gia Việt Nam cũng như an toàn hàng hải, an ninh khu vực và quốc tế.
Đặc biệt, từ đầu tháng 5/2014, khi Trung Quốc đã ngang nhiên đưa giàn khoan Hải Dương-981 đặt tại vị trí nằm sâu trong thềm lục địa và cùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, đe dọa trực tiếp đến hòa bình, ổn định, an toàn hàng hải ở Biển Đông và bị dư luận thế giới lên án gay gắt.
Trước mối quan ngại nêu trên, Thứ trưởng Nguyễn Mạnh Hiển cho rằng, việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 trái phép trong vùng biển của nước ta thực sự là vấn đề rất đáng lo ngại. Hơn nữa, với các phương tiện hiện nay, ngư dân của chúng ta đang phải đối mặt với nhiều khó khăn nguy hiểm.
Thực tế cũng cho thấy ngư dân đang rất cần sự hỗ trợ về phương tiện và trang thiết bị để vươn khơi, bám biển. Bên cạnh việc hỗ trợ của Nhà nước rất cần sự chung tay của toàn xã hội, mỗi tổ chức, mỗi cá nhân bằng các đóng góp thiết thực sẽ tạo thành sức mạnh lớn về vật chất và tinh thần.
Vì vậy, để góp sức cùng với nhân dân cả nước ủng hộ ngư dân, Bộ Tài nguyên và Môi trường phát động phong trào quyên góp ủng hộ tới tất cả cán bộ, công chức, viên chức và người lao động đang làm việc tại các đơn vị thuộc Bộ, mỗi người ủng hộ tối thiểu một ngày lương để hỗ trợ ngư dân.
"Cùng với đó, Bộ cũng kêu gọi các tổ chức, cộng đồng doanh nghiệp và từng người dân bằng các hành động thiết thực chung tay hỗ trợ cho ngư dân bám biển,” Thứ trưởng Nguyễn Mạnh Hiển nhấn mạnh.
Được biết, ngay trong buổi lễ phát động, các đơn vị, cá nhân thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đóng góp được hơn 1,4 tỷ đồng, ủng hộ cho ngư dân bám biển, bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương./.
Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam năm 2014 được tổ chức theo quy mô cấp quốc gia với chủ đề "Chung tay bảo vệ đại dương xanh,” nhằm kêu gọi sự chung sức, đồng lòng bảo vệ đại dương và cũng là bảo vệ nguồn tài nguyên quý giá cuối cùng của Tổ quốc.
Tuần lễ này được tổ chức đồng loạt trên cả nước, đặc biệt tại 28 tỉnh ven biển. Các sự kiện và hoạt động chính hưởng ứng Tuần lễ được tổ chức trong hai ngày 6 và 7/6, tại Bến Nghiêng, Khu du lịch Đồ Sơn, thành phố Hải Phòng như: Lễ mít tinh kỷ niệm ngày Đại dương thế giới và Tuần lễ Biển và Hải đảo với chủ đề “Chung tay bảo vệ Đại dương xanh”; Lễ ra quân lực lượng thanh niên tình nguyện làm sạch môi trường bãi biển và diễu hành xe đạp; Chương trình có diễn đàn “Thương hiệu Biển Việt Nam.”