Chung tay nỗ lực hành động để bảo vệ nguồn tài nguyên nước

Công tác lập quy hoạch tài nguyên nước còn chậm bởi đây là một công việc mới, phức tạp, liên quan đến nhiều ngành và nguồn kinh phí bố trí cho công tác này còn chưa đáp ứng được nhu cầu.
Chung tay nỗ lực hành động để bảo vệ nguồn tài nguyên nước ảnh 1Sông Đồng Nai đoạn chảy qua địa bàn thành phố Biên Hòa bị ô nhiễm nặng bởi nước thải công nghiệp và nước thải sinh hoạt xả thẳng ra sông. (Ảnh: Sỹ Tuyên/TTXVN)

Trong những năm gần đây, có thể khẳng định hệ thống pháp luật về tài nguyên nước đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng khá toàn diện, đáp ứng yêu cầu quản lý tài nguyên nước.

Tuy vậy, vẫn còn nhiều thách thức trong triển khai thực tế để đưa các chính sách, biện pháp quản lý đó vào cuộc sống, bảo đảm quản lý nguồn tài nguyên nước có hiệu quả và phát triển bền vững.

Phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với ông Hoàng Văn Bẩy, Cục trưởng Cục Quản lý Tài nguyên nước (Bộ Tài nguyên và Môi trường), nhằm hiểu rõ hơn vấn đề này.

- Ông có thể cho biết những kết quả cụ thể mà Cục đã đạt được trong công tác quản lý tài nguyên nước?

Cục trưởng Cục Quản lý Tài nguyên nước Hoàng Văn Bẩy: Trong năm 2017, tập thể Lãnh đạo và cán bộ Cục đã phấn đấu hoàn thành tốt các nhiệm vụ của Chính phủ và lãnh đạo Bộ giao, nổi bật là: Ban hành 2 Nghị định: Nghị định số 33/2017/NĐ-CP ngày 3/4/2017 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản ngày 3/4/2017 và Nghị định 82/2017/NĐ-CP ngày 17/7/2017 của Chính phủ quy định mức thu, phương pháp tính, phương thức thu, chế độ quản lý, sử dụng tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước.

Đồng thời, Cục đã xây dựng và trình Bộ Tài nguyên và Môi trường để ban hành 10 Thông tư quy định về định mức kinh tế-kỹ thuật trong lĩnh vực tài nguyên nước; quy định về giám sát khai thác, sử dụng tài nguyên nước; quy định về xác định dòng chảy tối thiểu trên sông, suối và hạ lưu các hồ chứa đập dâng; quy định trám lấp giếng khoan không sử dụng và quy định về bảo vệ nước dưới đất trong các hoạt động khoan, đào, thăm dò, khai thác nước dưới đất.

[Bộ Tài nguyên chỉ ra 6 thách thức liên quan đến đất đai, môi trường]

Về cấp quyền khai thác sử dụng nước, Cục phê duyệt và ban hành nhiều quyết định, nộp ngân sách nhà nước trong ba tháng cuối năm 2017 gần 100 tỷ đồng. Đối với các nhiệm vụ đột xuất, Cục Quản lý Tài nguyên nước đã chủ động, tích cực thực hiện vai trò làm đầu mối, phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan liên quan tổ chức xử lý minh bạch, với sự tham gia của các nhà quản lý và các nhà khoa học đầu ngành của các lĩnh vực liên quan, cụ thể: Trong việc đánh giá lại Dự án cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị ven sông Đồng Nai theo chỉ đạo của Chính phủ.

Cục Quản lý tài nguyên nước được Bộ Tài nguyên và Môi trường giao là đơn vị chủ trì tổ chức thẩm định lại Báo cáo đánh giá tác động môi trường và thẩm định báo cáo đánh giá bổ sung, định lượng các tác động của Dự án đến biến hình lòng sông, thoát lũ, lưu thông dòng chảy, xói lở lòng, bờ bãi sông. Việc thẩm định đã hoàn tất và Cục Quản lý tài nguyên nước đã trình Bộ báo cáo Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng.

- Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý về tài nguyên nước vẫn còn có khó khăn, tồn tại nào, thưa ông?

Cục trưởng Hoàng Văn Bẩy: Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác lập quy hoạch tài nguyên nước còn chậm bởi đây là một công việc mới, phức tạp, liên quan đến nhiều ngành và nguồn kinh phí bố trí cho công tác này còn chưa đáp ứng được nhu cầu.

Việc điều hòa, phân bổ nguồn nước giữa các ngành, địa phương đòi hỏi phải có sự tính toán cụ thể và sự đồng thuận cao, trong khi đó chưa thành lập được tổ chức lưu vực sông; các công trình khai thác, sử dụng nước lớn cho các mục đích khác nhau hầu hết đã được xây dựng hoặc đã được phê duyệt quy hoạch, đang triển khai. Do vậy, việc điều chỉnh mục tiêu nhiệm vụ, phân bổ, điều tiết lại khai thác sử dụng nước của các công trình này là hết sức khó khăn và phức tạp.

Công tác điều tra cơ bản, kiểm kê, đánh giá tài nguyên nước cũng là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong công tác quản lý tài nguyên nước. Tuy nhiên, đến nay, hệ thống mạng quan trắc tài nguyên nước phục vụ công tác dự báo, cảnh báo tài nguyên nước, thiếu nước, ô nhiễm, cạn kiệt nguồn nước còn hạn chế, việc kiểm soát nguồn nước ở nhiều khu vực còn chưa chủ động; số lượng trạm quan trắc phục vụ vận hành liên hồ chứa còn thiếu.

Chế độ báo cáo, cung cấp dữ liệu, thông tin về tài nguyên nước, về khai khác, sử dụng nước của các ngành, địa phương và các tổ chức, cá nhân vẫn chưa được coi trọng. Công tác thống kê, kiểm kê khai thác sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước chưa được thực hiện. Hệ thống dữ liệu tài nguyên nước hiện có chưa đầy đủ, thiếu đồng bộ, dẫn đến công tác dự báo sớm tình hình hạn hán, thiếu nước, ô nhiễm, cạn kiệt nguồn nước thực tế còn hết sức khó khăn.

Chung tay nỗ lực hành động để bảo vệ nguồn tài nguyên nước ảnh 2Cơ quan chức năng bắt giữ các phương tiện khai thác cát sông trái phép. (Ảnh: Trần Thị Thu Hiền/TTXVN)

Hiện tại, vẫn chưa kiểm soát được các nguồn gây ô nhiễm nguồn nước trên các lưu vực sông quan trọng, các khu vực đô thị, vùng phát triển kinh tế trọng điểm. Các hoạt động quản lý, kiểm soát ô nhiễm nguồn nước mới chỉ tập trung chủ yếu ở khu vực đô thị và các đoạn sông xung quanh thành phố và khu công nghiệp, việc kiểm soát chất lượng nước và ô nhiễm nước ở các vùng nông thôn cũng chưa được quan tâm thoả đáng.

Các vấn đề mang tính liên ngành, như quy hoạch, phát triển, khôi phục rừng đầu nguồn, bảo vệ nguồn sinh thủy; bảo vệ nguồn nước trong quá trình thực hiện các dự án thủy điện, thủy lợi, nuôi trồng thủy sản... chưa có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa cơ quan quản lý tài nguyên nước với các cơ quan, bộ, ngành liên quan và ủy ban nhân dân các tỉnh.

Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về tài nguyên nước chưa được phổ biến sâu rộng tới người dân và doanh nghiệp do thiếu cán bộ kinh nghiệm và nguồn kinh phí hạn hẹp ở cả cấp trung ương và địa phương.

Công tác kiểm tra việc thi hành pháp luật về tài nguyên nước chưa được thường xuyên. Mặc dù, trong thời gian gần đây công tác thanh tra, kiểm tra đã được tăng cường so với trước đây nhưng do chưa có tổ chức thanh tra chuyên ngành về tài nguyên nước, lực lượng cán bộ đáp ứng yêu cầu nghiệp vụ, chuyên môn còn hạn chế nên công tác thanh tra, kiểm tra và hoạt động thanh tra, kiểm tra chưa sâu sát và chưa đáp ứng yêu cầu thực tế.

Hơn nữa, bộ máy quản lý nhà nước về tài nguyên nước ở địa phương còn nhiều bất cập, cho đến nay hầu hết tổ chức bộ máy quản lý tài nguyên nước ở cấp sở cũng như cấp huyện chưa đáp ứng yêu cầu để thực hiện các nhiệm vụ quản lý tài nguyên nước theo quy định của Luật Tài nguyên nước năm 2012 và hệ thống các văn bản hướng dẫn thi hành Luật. Thiếu cán bộ và cán bộ có chuyên môn về tài nguyên nước là tình trạng phổ biến, đặc biệt là ở cấp phòng tài nguyên và môi trường các quận, huyện, thị xã, thành phố.

Nhận thức về sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả của các cấp, các ngành và tổ chức, cộng đồng vẫn rất hạn chế dẫn tới việc khai thác, sử dụng tài nguyên nước ở nước ta còn lãng phí và chưa đạt hiệu quả cả về mặt kinh tế lẫn bảo vệ tài nguyên.

- Năm 2018, để đảm bảo công tác quản lý tài nguyên nước có hiệu quả, Cục sẽ tiếp tục định hướng và phát triển như thế nào nhằm đưa các chính sách, biện pháp cụ thể vào cuộc sống?

Cục trưởng Hoàng Văn Bẩy: Nhằm tiếp tục tăng cường công tác quản lý tài nguyên nước có hiệu quả cao, trong thời gian tới, Cục Quản lý tài nguyên nước sẽ tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ như: Xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật, trọng tâm là rà soát, điều chỉnh, bổ sung các quy định về cấp phép khai thác, sử dụng nước, xả nước thải vào nguồn nước; rà soát, tổng kết, đánh giá tình hình vận hành các hồ chứa, trên cơ sở đó điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện các quy trình vận hành liên hồ chứa nhằm nâng cao hiệu quả phối hợp vận hành điều tiết nước đáp ứng yêu cầu về phòng, chống, giảm lũ, cấp nước mùa cạn và phát điện của các hồ chứa.

[Thúc đẩy hợp tác khai thác bền vững nguồn nước sông Mekong]

Một mặt, chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra việc triển khai các quy định của pháp luật về tài nguyên nước, trọng tâm là các quy định mới như: Ưu đãi đối với việc sử dụng nước tiết kiệm hiệu quả, lập và quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước; triển khai thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước; giám sát các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước trên cơ sở áp dụng hệ thống thông tin, công nghệ tự động trực tuyến; giám sát việc vận hành của các hồ chứa theo quy trình liên hồ và việc xả dòng chảy tối thiểu.

Mặt khác, tập trung xây dựng quy hoạch tài nguyên nước; xây dựng quy hoạch tổng thể điều tra cơ bản tài nguyên nước; đẩy mạnh công tác điều tra tìm kiếm nguồn nước dưới đất ở vùng khan hiếm nước, thiếu nước, hải đảo; nghiên cứu xây dựng để sớm đưa vào hệ thống giám sát các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước, giám sát việc vận hành của hệ thống liên hồ chứa, vận hành duy trì dòng chảy tối thiểu của các hồ chứa thủy điện...bằng công nghệ tự động, trực tuyến.

Đồng thời, tập trung kiểm tra, thanh tra và kiên quyết xử lý vi phạm đối với việc vận hành giảm lũ cho hạ du, điều tiết nước trong mùa cạn, bảo đảm duy trì dòng chảy tối thiểu của các hồ theo quy trình liên hồ chứa; bảo đảm khai thác sử dụng công bằng hợp lý nguồn nước chung của sáu quốc gia trên lưu vực sông Mekong và bảo đảm sử dụng nước ở bất kỳ một quốc gia nào cũng không được gây hại đáng kể cho các quốc gia khác theo Công ước về Luật sử dụng các nguồn nước liên quốc gia cho mục đích phi giao thông thủy và thông lệ quốc tế.

Ngoài ra, tăng cường nguồn lực cho công tác quản lý tài nguyên nước để đáp ứng yêu cầu quản lý trong tình hình mới bao gồm cả kinh phí, tổ chức bộ máy và năng lực thực thi. Thành lập và sớm đưa vào hoạt động năm Ủy ban lưu vực sông để tăng cường cơ chế điều phối, giám sát, phối hợp thực hiện, giải quyết các vấn đề liên vùng, liên ngành, liên địa phương trong khuôn khổ lưu vực sông, bảo đảm tính thống nhất trong quản lý, khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước trên lưu vực sông. Tuyên truyền phổ biến rộng rãi, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả nhất và thực hiện chính sách thu tiền khai thác nước ngầm để tưới cây theo quy định của Luật để chống lãng phí nguồn nước.

- Trân trọng cảm ơn ông./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục