Chung tay đẩy lùi ô nhiễm trắng, bảo vệ bờ biển Nam Trung Bộ

Nam Trung Bộ trở thành “bể hứng” rác thải từ nhiều nguồn, gây ô nhiễm môi trường, hệ sinh thái, ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của người dân ven biển.
Chung tay đẩy lùi ô nhiễm trắng, bảo vệ bờ biển Nam Trung Bộ ảnh 1Những hoạt động cụ thể, thiết thực của người trẻ trong việc chung tay bảo vệ môi trường sống xanh-sạch-đẹp. (Ảnh: TTXVN phát)

Phát huy lợi thế về biển, các tỉnh Nam Trung Bộ đã “bứt phá” vươn lên trở thành khu vực phát triển năng động về hạ tầng, nhất là hạ tầng về kinh tế, dịch vụ, du lịch ven biển.

Nơi đây còn là “vựa” nuôi trồng, chế biến thủy, hải sản lớn của cả nước.

Cùng với phát triển, vùng biển và ven biển Nam Trung Bộ đang "hứng" lượng rác thải nhựa rất lớn từ sinh hoạt, sản xuất, đánh bắt, nuôi trồng thủy hải sản.

Ô nhiễm rác thải nhựa vùng biển ở một số địa phương Nam Trung Bộ đã gây tác động xấu đến hệ sinh thái, phát triển kinh tế xã hội, cần có những giải pháp đồng bộ giảm thiểu, đẩy lùi vấn nạn "ô nhiễm trắng."

Nhức nhối rác thải nhựa

Các tỉnh Nam Trung Bộ (Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa) có đường bờ biển dài 837km với đội tàu gần 17.000 chiếc.

Hàng chục cửa biển, đầm, vịnh dọc bờ biển đã tạo một hệ sinh thái ven bờ phong phú đa dạng là điều kiện thuận lợi để các địa phương phát triển kinh tế-xã hội.

[Chống ô nhiễm nhựa: Không hành động, tới 2050 nhựa sẽ nhiều hơn cá]

Nhưng khu vực này cũng là hạ nguồn của các dòng sông và trở thành “bể hứng” rác thải từ nhiều nguồn, gây ô nhiễm môi trường, hệ sinh thái, ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của người dân ven biển.

Quảng Ngãi có 6 cửa biển, mỗi nơi đều mang một vẻ đẹp riêng. Tuy nhiên, các cửa biển Sa Cần, Sa Kỳ, Sa Huỳnh trở thành điểm "nóng" bởi rác thải nhựa.

Bãi trước bờ biển thôn An Vĩnh, xã Tịnh Kỳ, thành phố Quảng Ngãi bị bủa vây bởi hàng tấn rác thải đủ loại như túi nylon, xốp, vải vụn, xác chết động vật... kéo dài đến 500m. Nước biển khu vực ven bờ bốc mùi khó chịu.

Chung tay đẩy lùi ô nhiễm trắng, bảo vệ bờ biển Nam Trung Bộ ảnh 2Rác thải nhựa trôi dạt vào bờ vịnh Xuân Đài thuộc phường Xuân Thành, thị xã Sông Cầu (Phú Yên) gây ô nhiễm môi trường. (Ảnh: Tường Quân/TTXVN)

Rác thải sinh hoạt của người dân theo các dòng sông đổ về cửa biển Sa Kỳ, một phần bị cuốn ra biển, phần còn lại chìm xuống nước, hoặc bị thủy triều kéo dạt vào bờ biển thôn An Vĩnh.

Vào ban đêm, nhiều hộ dân lén lút đổ rác ra biển. Hàng ngàn túi nylon từ các tàu cá ở Cảng cá Sa Kỳ không được thu gom mỗi ngày vẫn bị thải trực tiếp xuống biển.

Rác thải nhựa đang là vấn đề nhức nhối tại xã Nhơn Lý, thành phố Quy Nhơn (Bình Định).

Vốn là làng chài cổ có vẻ đẹp bình dị, nhiều điểm du lịch nổi tiếng như Kỳ Co, Eo Gió. Nơi đây thu hút ngày càng đông du khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan, lưu trú, trải nghiệm.

Các hoạt động dịch vụ du lịch nở rộ. Tuy nhiên, việc xả rác thải sinh hoạt bừa bãi của người dân địa phương đã vô hình làm ô nhiễm bãi biển trong xanh ở đây, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng sống, sinh kế của người dân. Nhất là mùa gió bão, thủy triều lên, rác thải trôi dạt vào phủ kín bờ biển...

Môi trường ven biển nhiều nơi ở Nam Trung Bộ đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi rác thải nhựa. Những hệ lụy từ "ô nhiễm trắng" đang tác động trực tiếp đến môi trường hệ sinh thái và chính đời sống sinh hoạt của cộng đồng dân cư ven biển.

Tại Khánh Hòa, hầu hết các cảng cá như Vĩnh Lương, Vĩnh Trường (thành phố Nha Trang), đảo Bình Ba (xã Cam Bình, thành phố Cam Ranh) và một số vùng nuôi trồng thủy sản trên biển ở huyện Vạn Ninh đều có dấu hiệu ô nhiễm môi trường nước.

Ô nhiễm rác thải nhựa khiến việc nuôi tôm hùm, cá biển và các loại thủy sản khác ngày càng khó khăn.

Chung tay đẩy lùi ô nhiễm trắng, bảo vệ bờ biển Nam Trung Bộ ảnh 3Người dân thành phố Nha Trang ra quân thu dọn rác thải nhựa công viên biển. (Ảnh: Đặng Tuấn/TTXVN)

Chỉ tính riêng xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh với 821 hộ, khoảng 27.254 lồng nuôi thủy sản cùng hơn 2.000 lao động, lượng rác thải nhựa xả ra hàng ngày rất lớn.

Mỗi đợt cao điểm có thể gom được khoảng 1 tấn rác thải nhựa trên biển.

Lượng rác thải nhựa lớn, song công tác thu gom hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu thực tế. Năm 2018, vùng nuôi tôm hùm, cá bớp tại huyện Vạn Ninh xảy ra nhiều đợt tôm, cá chết liên tục.

Nguyên nhân được cơ quan chức năng xác định là do môi trường nuôi ngày càng ô nhiễm, mật độ nuôi dày đã khiến các loại bệnh lây lan.

Đặc biệt, gần đây, môi trường vịnh Nha Trang nói chung, rạn san hô tại khu vực biển Hòn Mun nói riêng đang có biểu hiện của suy thoái, do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có rác thải nhựa.

Theo khảo sát của các cơ quan chức năng tỉnh Khánh Hòa, hàng trăm m2 rạn san hô biển Hòn Mun chết, phủ trắng một vùng. Độ phủ san hô vào 7 năm trước đạt hơn 50 %, đến năm 2021 chỉ còn dưới 10%.

Hiện nay, theo khảo sát của các cơ quan chức năng, trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, thành phố Nha Trang, vẫn còn tình trạng rác thải phát sinh từ đất liền, khu vực đảo và các lồng bè nuôi thủy sản chưa được thu gom, xử lý triệt để gây ảnh hưởng xấu đến môi trường vịnh Nha Trang.

Hệ thống thu gom rác thải trong thành phố chưa hoàn chỉnh nên vẫn còn sự cố nước thải, rác thải chảy ra vịnh, ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước và làm ô nhiễm môi trường.

Tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt tại các đô thị trung bình đạt 75-80%. Việc thu gom, xử lý rác thải được giải quyết chủ yếu ở khu vực các đô thị và trung tâm các xã.

Đối với vùng sâu, vùng xa, ven biển, việc xử lý còn hạn chế vì lượng rác thu gom còn ít.

Kiểm soát môi trường, phát triển bền vững kinh tế biển

Theo thống kê từ Bộ Tài nguyên và Môi trường, mỗi năm, tại Việt Nam, khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa thải ra môi trường; 0,28-0,73 triệu tấn trong số đó bị thải ra biển (chiếm gần 6% tổng lượng rác thải nhựa xả ra biển của thế giới) nhưng chỉ 27% trong số đó được tái chế, tận dụng.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ngãi Trần Phước Hiền, để góp phần đưa Việt Nam trở thành quốc gia tiên phong trong khu vực về giảm thiểu rác thải nhựa đại dương, tỉnh đang có nhiều giải pháp chiến lược giảm thiểu, đẩy lùi rác thải nhựa.

Chung tay đẩy lùi ô nhiễm trắng, bảo vệ bờ biển Nam Trung Bộ ảnh 4Thu gom rác thải nhựa dưới biển xã đảo Nhơn Hải, thành phố Quy Nhơn, Bình Định. (Ảnh: TTXVN phát)

Trước mắt, Quảng Ngãi tập trung chỉ đạo, thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp theo Đề án thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 đã được phê duyệt.

Tỉnh đặc biệt tập trung vào các giải pháp phát triển nguồn nhân lực, tài chính, công nghệ, đẩy mạnh xã hội hóa, thực hiện đồng bộ việc kết hợp các công cụ kinh tế một cách hiệu quả dựa.

Việc này thực hiện trên nguyên tắc: Người gây ô nhiễm phải trả tiền và người được hưởng lợi phải trả tiền, người xả thải càng nhiều chất thải càng phải trả nhiều phí.

Đồng thời, tỉnh xây dựng, nhân rộng mô hình quản lý rác thải dựa vào cộng đồng tại tất cả khu dân cư ven biển của tỉnh và huyện đảo Lý Sơn, góp phần nâng cao công tác quản lý rác thải nhựa đại dương.

Trong khi đó, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Phú Yên đã tham mưu Ủy ban Nhân dân tỉnh kêu gọi nguồn lực hỗ trợ từ Tổ chức quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF-Việt Nam), Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Xanh (Greenhub) triển khai nhiều hoạt động nhằm giảm thải nhựa phát sinh vào môi trường.

Dự án “Quản lý rác thải nhựa ở Việt Nam” tại Phú Yên thực hiện từ năm 2022-2025 do WWF-Việt Nam tài trợ. Tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, hình thành mô hình trường học không rác nhựa, mô hình phân loại rác chợ và khu dân cư.

Greenhub hỗ trợ cung cấp các kiến thức về rác thải nhựa; hình thành mô hình “Chung tay bảo vệ Khu dân cư ven biển Xanh - Sạch - Đẹp” tại huyện Tuy An và thị xã Sông Cầu; mô hình “Trạm làm đầy nước tẩy rửa sinh học - Giảm rác thải khu dân cư” tại huyện Phú Hòa.

Tỉnh Phú Yên cũng đã tích cực phối hợp với các tổ chức quốc tế thực hiện nhiều dự án về bảo vệ môi trường như: Tăng cường năng lực cộng đồng bảo tồn rạn san hô Hòn Yến; thu gom rác thải nhựa ngoài biển với sự đồng thuận của cộng đồng ngư dân.

Tỉnh phối hợp với Trung tâm Nhiệt đới Việt-Nga hợp tác nghiên cứu bảo tồn đa dạng sinh học và bảo vệ các hệ sinh thái... Tất cả đều hướng đến mục tiêu phát triển kinh tế xanh và bền vững, gắn liền với việc bảo vệ môi trường.

Tỉnh Bình Định và Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam đã ký kết Bản ghi nhớ hợp tác trong nhiều lĩnh vực.

Đáng chú ý là nội dung kinh tế tuần hoàn và quản lý chất thải; kinh tế biển xanh, bao gồm quy hoạch không gian biển và quản lý tổng hợp đới bờ; thích ứng biến đổi khí hậu và đa dạng sinh học... Đây là những lĩnh vực có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển bền vững của tỉnh.

Trong chuyến thăm làm việc tại Bình Định năm 2022, Trưởng đại diện UNDP tại Việt Nam Caitlin Wiesen cho biết giải quyết vấn đề chất thải nhựa đại dương là vấn đề quan trọng đối với "sức khỏe" của đại dương, con người và hành tinh.

UNDP kỳ vọng cơ sở thu hồi vật liệu (MRF) sẽ có thể xử lý 2-4 tấn nhựa mỗi ngày để tái sử dụng; giúp thành phố Quy Nhơn ngăn chặn việc phải chôn lấp rác thải nhựa hoặc rò rỉ ra biển.

Bà Wiesen hy vọng dự án đang triển khai và dự án mới về quản lý rác thải nhựa đại dương cùng Sở Tài nguyên và Môi trường Bình Định và các cơ quan liên quan có thể tạo thành hành động tập thể nhằm cải thiện quản lý chất thải và rác thải nhựa, làm giảm ô nhiễm nhựa ở Bình Định, sẽ là mô hình điểm để nhân rộng ra các tỉnh thành khác tại Việt Nam và khu vực ASEAN.

Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Khánh Hòa Nguyễn Thị Lan cho rằng để giải quyết vấn nạn rác thải nhựa trên biển, ý thức của người dân phải được đặt lên hàng đầu. Do đó, việc tuyên truyền, giáo dục, vận động người dân thay đổi hành vi, thói quen sử dụng túi nilon, rác thải nhựa trên biển cần được thực hiện thường xuyên.

Mặt khác, để bảo vệ môi trường trên biển cần có một chế tài đủ mạnh để người dân tuân thủ và thực hiện đúng theo các quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 cũng như cơ chế, chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường nói chung.

Việc bảo vệ môi trường phải được phân cấp đến các địa phương. Do đó, vai trò của các đơn vị, địa phương trong việc vận động, thu gom cần được làm thường xuyên, xuyên suốt.

Việc đầu tư hạ tầng với công nghệ tiên tiến xử lý rác thải sinh hoạt nói chung, rác thải nhựa nói riêng để bảo vệ môi trường cũng cần được quan tâm, chú trọng; nuôi trồng thủy sản nên theo hướng công nghệ cao, thân thiện môi trường theo định hướng của kinh tế biển xanh nhằm thực hiện hiệu quả Nghị quyết 36-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Ô nhiễm rác thải nhựa vùng biển không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng môi trường, hệ sinh thái mà còn tác động đến phát triển kinh tế, cộng đồng dân cư ven biển, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, an ninh lương thực.

Với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp xử lý vấn đề rác thải nhựa, cùng sự chung tay hành động của người dân, doanh nghiệp, trong hạn chế rác thải nhựa, những nỗ lực trên đang góp phần để môi trường vùng biển Nam Trung bộ thật sự xanh, sạch, đẹp./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục