Chung tay chấm dứt nạn buôn bán, làm diệt chủng động vật hoang dã

Trong hai ngày 17 và 18/11, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sẽ tổ chức Hội nghị Quốc tế lần thứ ba về chống buôn bán trái phép động vật hoang dã, diễn ra tại thành phố Hà Nội.
Tê tê chết đang được bảo quản đông lạnh ở Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

Theo đánh giá của các chuyên gia bảo tồn, những năm gần đây, “cuộc chiến” chống buôn bán động, thực vật hoang dã đã và đang là một trong những vấn đề ưu tiên hàng đầu tại các diễn đàn bảo tồn quốc tế, với nguồn lực tài chính đầu tư lên tới hàng triệu USD.

Tuy nhiên, cho đến nay, tình trạng buôn bán bất hợp pháp vẫn đang ngày càng gia tăng. Bên cạnh những nỗ lực về mặt pháp lý, vai trò của người dân bản địa và cộng đồng địa phương trong quản lý tài nguyên thiên nhiên cũng được xem là yếu tố quan trọng để ngăn chặn nạn “hủy diệt” động vật hoang dã quý hiếm.

Nhận thức được ý nghĩa quan trọng của việc bảo vệ động vật hoang dã khỏi nạn săn bắn-buôn bán trái phép, trong hai ngày 17 và 18/11, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sẽ chủ trì tổ chức Hội nghị Quốc tế lần thứ ba về chống buôn bán trái phép động vật hoang dã tại Hà Nội.

Thông điệp chính của Hội nghị Quốc tế lần thứ ba về chống buôn bán trái phép động vật hoang dã lần thứ 3 là chung tay chấm dứt tội ác làm diệt chủng động vật hoang dã và chung tay bảo vệ ​loại động vật này.

Để hưởng ứng sự kiện trên, một hội thảo cấp khu vực về “Huy động sự tham gia của người dân bản địa và cộng đồng địa phương vào phòng chống buôn bán động, thực vật hoang dã: Không chỉ dừng ở thực thi pháp luật” cũng sẽ được tổ chức vào ngày 15 và 16/11, tại Khách sạn Hilton Hanoi Opera, số 1 Lê Thánh Tông, Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Hội thảo này do Liên minh bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) khu vực Indo-Burma phối hợp với nhóm Chuyên gia về sử dụng tài nguyên và sinh kế bền vững của IUCN, Viện nghiên cứu quốc tế về môi trường và phát triển, tổ chức TRAFFIC đồng tổ chức, nhằm chia sẻ kinh nghiệm thực tế, bài học thành công và thất bại từ các nước trong khu vực Đông Nam Á, đặc biệt là các nước thuộc hạ lưu sông Mekong.

Thông qua hội thảo, các đơn vị tổ chức cũng mong muốn sẽ nâng cao nhận thức và tìm hiểu cách thức huy động sự tham gia của người dân bản địa và cộng đồng địa phương trong phòng chống buôn bán động thực vật hoang dã./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục