Chung tâm, chung trí, chung sức bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam

Công tác trẻ em không phải là trách nhiệm của một đơn vị, cơ quan riêng lẻ nào và cũng không một đơn vị nào có thể thực hiện được một mình, rất cần sự vào cuộc, chung tay của toàn hệ thống chính trị.
Các tổ chức đoàn thể của phường Đông Hải, thành phố Phan Rang-Tháp Chàm, vận động học sinh có hoàn cảnh khó khăn đến trường lớp học. (Ảnh: Công Thử/TTXVN)

Ngày 8/4/2008 theo Quyết định số 464/QĐ-BNV của Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam chính thức được thành lập để đảm nhận sứ mệnh “Phát triển Hội thành một tổ chức xã hội chuyên nghiệp về bảo vệ quyền trẻ em, hoạt động có hiệu quả trên phạm vi toàn quốc; góp phần thúc đẩy việc thực hiện quyền trẻ em, tạo điều kiện cho trẻ em Việt Nam được sống trong môi trường an toàn, lành mạnh, phát triển hài hòa và tham gia bảo vệ, chống lại các vi phạm quyền trẻ em.”

Nhân dịp kỷ niệm 15 năm ngày thành lập Hội (8/4/2008-8/4/2023), Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam Nguyễn Thị Thanh Hòa đã trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN về công tác bảo vệ trẻ em thời gian qua và giai đoạn tới.

- Bà có thể chia sẻ một số kết quả nổi bật Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam đạt được thời gian qua?

Bà Nguyễn Thị Thanh Hòa: Thời gian 15 năm hoạt động đối với một tổ chức, cơ quan có thể chưa phải là dài nhưng với một tổ chức xã hội hoạt động trên phương diện tự quản, tự chủ như Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam là cả chặng đường dài không hề dễ dàng.

Bằng sự nỗ lực, chung sức, chung lòng, quyết tâm, đoàn kết của các cán bộ, hội viên, Hội đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, làm nên những dấu ấn nổi bật.

[LHQ đánh giá cao thành tựu của Việt Nam trong việc bảo vệ quyền trẻ em]

Trong 15 năm qua, Hội đã tham gia góp ý 18 văn bản, dự thảo Luật, chính sách, chương trình, Đề án quốc gia liên quan tới trẻ em.

Nhiều góp ý của Hội đã được xem xét, tiếp thu như: Bộ Luật Lao động; Bộ Luật dân sự; Luật Hôn nhân và Gia đình (sửa đổi); Luật Trẻ em; Luật Khám bệnh, chữa bệnh; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; Nghị quyết 06/2019/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về Hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ Luật hình sự...

Đây là một dấu ấn đặc biệt nổi bật, bởi những góp ý của Hội được tiếp thu, đưa vào trong Luật sẽ là cách thực hiện xã hội hóa công tác trẻ em, vận động người dân thực hiện công tác bảo vệ trẻ em tốt nhất. Bởi, mọi người dân, tổ chức, cơ quan đều phải thực hiện theo quy định của pháp luật.

Với vai trò tham gia giám sát việc thực hiện quyền trẻ em được pháp luật quy định, lãnh đạo Hội được mời tham gia nhiều đoàn giám sát, đặc biệt là đoàn giám sát của Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em” tại 12/17 tỉnh, thành phố.

Kiểm tra thân nhiệt cho bệnh nhi tại khu cách ly dịch COVID-19. (Ảnh: TTXVN phát)

Đoàn giám sát của Quốc hội đã giao Hội chủ trì, phối hợp tiến hành khảo sát xã hội học về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em” trên 8.000 người lớn và trẻ em tại 63 tỉnh/thành.

Báo cáo kết quả khảo sát đã được gửi tới Đoàn giám sát của Quốc hội và cũng được sử dụng làm tài liệu tham khảo, một số thông tin được đưa vào báo cáo của Đoàn giám sát.

Kể từ khi thành lập, Hội cũng đã trở thành địa chỉ tin cậy của nhiều công dân. Năm năm qua (2018-2023), Hội đã tiếp nhận khoảng 500 thông tin phản ánh của công dân gửi đến thông qua đơn thư, cuộc gọi trực tiếp..., liên quan đến vi phạm quyền trẻ em.

Hội đều có các văn bản gửi đến các cơ quan có thẩm quyền đề nghị giải quyết hoặc thông qua các phương tiện thông tin đại chúng để nói rõ quan điểm của Hội về các vụ việc.

Đặc biệt, thông qua từng vụ việc cụ thể, Hội đều có những khuyến cáo tới mỗi gia đình và toàn xã hội để tránh những vụ việc tương tự xảy ra.

Với những vụ việc vi phạm quyền trẻ em nghiêm trọng, Hội đã cử luật sư tư vấn, hỗ trợ trực tiếp cho trẻ em và gia đình để đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của trẻ em.

Song hành với công tác tư vấn, hỗ trợ trẻ em, hoạt động truyền thông cũng được Hội triển khai tích cực thông qua các sự kiện, tọa đàm, trong đó điểm nhấn là công tác truyền thông pháp luật cho học sinh thông qua mô hình “Phiên tòa giả định,” mô hình có thể nói đã trở thành thương hiệu của Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam.

Đặc biệt, chương trình “Kỷ luật tích cực trong thực hành làm cha mẹ hàng ngày” đã, đang được Hội triển khai ở nhiều địa phương.

Chương trình đã tuyên truyền, hướng dẫn cho trên 900 bậc cha mẹ cách dạy con không dùng bạo lực trên cơ sở tôn trọng quyền trẻ em và hiểu biết về sự phát triển của trẻ; đồng thời đào tạo được 118 hướng dẫn viên đào tạo trực tiếp cho cha mẹ.

Theo tôi đây là một chương trình rất tốt trong việc phòng ngừa bạo lực gia đình đối với trẻ em, xây dựng được mối quan hệ gần gũi, thấu hiểu giữa cha mẹ, con cái.

Công tác vận động nguồn lực để hỗ trợ trực tiếp cho nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; góp phần đảm bảo an sinh xã hội cũng là một dấu ấn đáng ghi nhận.

Với khoảng 475 tỷ đồng được huy động đã giúp cho hàng triệu trẻ em được hưởng quyền, tiếp nhận học bổng và những món quà hiện vật có giá trị, thiết thực với cuộc sống của các em.

Để làm được những việc trên, các cán bộ, hội viên đã không ngừng nỗ lực, cố gắng, xây dựng, phát triển tổ chức Hội lớn mạnh.

Dạy nghề cho trẻ em. (Ảnh: Thế Duyệt/TTXVN)

Hiện nay, Hội đã phát triển được 26 Hội cấp tỉnh, 24 chi hội, 5 trung tâm, đơn vị trực thuộc với hàng chục nghìn hội viên và thành viên mạng lưới cơ sở tại 41 tỉnh/thành phố.

Con số không quá lớn nhưng khá ấn tượng đối với một tổ chức xã hội như Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam.

- Bên cạnh những kết quả đạt được, Hội còn những tồn tại và khó khăn, thách thức như thế nào, thưa bà?

Bà Nguyễn Thị Thanh Hòa: Về tồn tại tôi thấy còn một số vấn đề: Chất lượng tham gia đóng góp ý kiến vào các văn bản quy phạm, pháp luật còn ở mức độ vừa phải.

Việc theo dõi giải quyết các vụ việc vi phạm quyền trẻ em chưa được sát sao; tuy đã có một số mô hình tốt nhưng điều kiện mở rộng không có.

Nguyên nhân của những tồn tại trên một phần là do những khó khăn, thách thức hiện có như nguồn nhân lực mỏng, thay đổi liên tục; thiếu kinh phí hỗ trợ; nhận thức của nhiều người về quyền trẻ em và vai trò, tiếng nói của các tổ chức xã hội còn hạn chế.

Hội mong muốn Đảng, Nhà nước tiếp tục tạo điều kiện để Hội tiếp tục thực hiện công tác chăm lo, bảo vệ trẻ em - nguồn nhân lực tương lai của đất nước tốt hơn.

- Theo bà, việc chăm sóc, bảo vệ trẻ em hiện nay đang gặp những thách thức như thế nào?

Bà Nguyễn Thị Thanh Hòa: Như tôi đã nhắc ở trên, nhận thức chung của toàn xã hội về công tác bảo vệ trẻ em hiện nay vẫn còn hạn chế.

Trong nhiều năm qua, vấn đề chăm sóc và giáo dục trẻ em luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm.

Ngân sách đầu tư cho giáo dục và chăm sóc sức khỏe cho trẻ em luôn được ưu tiên hàng đầu.

Nhiều chính sách, chủ trương rất tốt về mặt chăm sóc được ban hành, thực hiện nhưng việc bảo vệ trẻ em thì vẫn còn hạn chế.

Theo một khảo sát do Hội tiến hành thực hiện trên 3.000 người lớn cho thấy có 28,6% người được hỏi đồng tình với quan điểm “yêu cho roi cho vọt;” chỉ có 4,7% có hiểu biết về quyền trẻ em được bảo vệ không bị bạo lực; 3,9% biết đến quyền được bảo vệ để không bị xâm hại tình dục của trẻ.

Những con số này cho thấy hiểu biết, kiến thức, kỹ năng của nhiều người về vấn đề bảo vệ trẻ em còn rất thấp, chưa đầy đủ.

Một thách thức khác hiện nay là tình trạng trẻ em bị xâm hại trên môi trường mạng; những vấn đề mới phát triển như gia tăng tình trạng trẻ em béo phì; vẫn còn những vụ bạo hành trẻ em, kể cả trong các cơ sở giáo dục; vấn đề xâm hại trẻ em đặc biệt là xâm hại tình dục vẫn diễn ra, đặc biệt tỷ lệ trẻ bị xâm hại bởi các thành viên trong gia đình chiếm đến 1/5 số vụ việc xảy ra.

Điều đáng quan tâm nữa là công tác truyền thông vẫn còn nhiều bất cập như chưa rộng khắp, hạn chế về chiều sâu, chưa phù hợp với từng đối tượng cụ thể...

- Với vai trò là tổ chức bảo vệ quyền trẻ em, Hội có những giải pháp, đề xuất cụ thể nào để giải quyết vấn đề trên, thưa bà?

Bà Nguyễn Thị Thanh Hòa: Theo tôi, cần tăng cường, đổi mới công tác truyền thông, đặc biệt cần áp dụng các công nghệ thông tin để tăng tính hấp dẫn.

Với vấn đề có sự tế nhị như xâm hại tình dục trẻ em, cần có cách tiếp cận phù hợp.

Hiện nay ở nước ta, những quy định pháp luật, chủ trương, chính sách về chăm sóc, bảo vệ trẻ em cũng tương đối đầy đủ nhưng vấn đề cần đặt ra là làm sao để việc tổ chức thực hiện những quy định, chính sách này đạt hiệu quả.

Để phòng ngừa bạo lực đối với trẻ mầm non cần chú ý tới công tác tuyển dụng; đưa thêm vào quy định về tình yêu thương trẻ.

Tôi cũng có nghiên cứu một số văn bản về tiêu chuẩn tuyển dụng, đầu tư một cơ sở mầm non thấy cơ bản nhấn mạnh rất nhiều về năng lực, trình độ nhưng lại ít nói đến tình yêu thương với trẻ trong khi làm công tác trẻ em điều đòi hỏi đầu tiên là cần phải có tình yêu thương; có hiểu biết về giai đoạn phát triển của trẻ.

Chúng ta đã có phong trào toàn dân tham gia bảo vệ trẻ em. Điều cần làm hiện nay là phải thúc đẩy được phong trào này lên; huy động, kêu gọi mỗi người phát huy thế mạnh cá nhân cùng tham gia; tăng cường hơn nữa các chương trình hướng dẫn trẻ em tương tác, sử dụng mạng an toàn và lành mạnh.

Hiện nay tại nhiều địa phương công tác trẻ em thường được lồng ghép chung vào một số tổ chức hội, do đó, Hội đề xuất Chính phủ và các địa phương tiếp tục quan tâm để có được tổ chức làm nhiệm vụ về bảo vệ quyền trẻ em; lồng ghép các mục tiêu, chỉ tiêu về trẻ em trong các kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của quốc gia và địa phương.

- Bà có thể chia sẻ về một số nhiệm vụ ưu tiên của Hội trong thời gian tới?

Bà Nguyễn Thị Thanh Hòa: Ngay từ những ngày đầu thành lập, Hội đã đặt ra mục tiêu phấn đấu trở thành một tổ chức xã hội chuyên nghiệp về bảo vệ quyền trẻ em. Đây là đích đến mà Hội sẽ tiếp tục cố gắng, phấn đấu để đạt được.

Thời gian tới, Hội cũng đề ra một số nhiệm vụ: Nâng cao chất lượng công tác góp ý xây dựng chính sách để đem lại lợi ích nhiều hơn cho trẻ em; nâng cao năng lực của tổ chức, đội ngũ cán bộ để thực hiện được các nhiệm vụ; phát triển mạnh hơn tổ chức Hội; vận động, kết nối được nhiều cơ quan, tổ chức cùng tham gia với Hội trong công tác bảo vệ trẻ em.

Hội cũng sẽ tập trung nhiều vào công tác truyền thông để nâng cao hiểu biết của người dân về quyền trẻ em; tiếp tục hỗ trợ tư vấn cho trẻ em, nhất là trẻ em bị xâm hại; lên tiếng một cách mạnh mẽ trong nhiều trường hợp để bảo vệ quyền trẻ em.

- Thông điệp quan trọng nhất hiện nay Hội muốn gửi tới những cá nhân, tổ chức, đơn vị, cơ quan đang làm công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em là gì, thưa bà?

Bà Nguyễn Thị Thanh Hòa: Tôi muốn nhấn mạnh rằng, việc chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em không chỉ cần có kiến thức, kỹ năng mà rất cần có trái tim ấm áp với tình yêu thương. Một khi đã yêu thương, chúng ta luôn sẵn sàng bao dung, tha thứ, hỗ trợ, giúp đỡ trẻ.

Tình yêu thương chính là động lưc thôi thúc chúng ta hành động. Dù ở bất cứ giai tầng nào, nếu có tình yêu thương trẻ thì đều có thể đóng góp vào công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em.

Đồng thời, công tác trẻ em không phải là trách nhiệm của một đơn vị, cơ quan riêng lẻ nào và cũng không một đơn vị nào có thể thực hiện được một mình, rất cần sự vào cuộc, chung tay của toàn hệ thống chính trị và toàn xã hội.

Khi nhiều người cùng làm về trẻ em, mỗi một gia đình làm tốt công tác bảo vệ trẻ em, trẻ em sẽ được bảo vệ, thực hiện quyền của mình tốt nhất.

- Trân trọng cảm ơn bà./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục