Vì một xã hội an toàn, tăng khả năng chống chịu trước thiên tai (Bài cuối)

Chung sức hỗ trợ Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu

Dự án GCF hoàn thành với kết quả ngoài mong đợi với gần 5.000 ngôi nhà an toàn được xây dựng, 4.260ha rừng ngập mặn được tái sinh và hơn 62.000 người được tiếp cận thông tin cảnh báo rủi ro.

Trong những ngôi nhà phòng chống thiên tai, người dân Thừa Thiên-Huế có thể vững tâm hơn để đối mặt với bão lụt, bảo vệ tài sản của gia đình. (Ảnh: Mai Trang/TTXVN)
Trong những ngôi nhà phòng chống thiên tai, người dân Thừa Thiên-Huế có thể vững tâm hơn để đối mặt với bão lụt, bảo vệ tài sản của gia đình. (Ảnh: Mai Trang/TTXVN)

Từ năm 2017 đến tháng 7/2024, Dự án “Tăng cường khả năng chống chịu với những tác động của biến đổi khí hậu cho các cộng đồng dễ bị tổn thương ven biển Việt Nam” (gọi tắt là dự án GCF) do Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) phối hợp với Chính phủ Việt Nam triển khai tại 7 tỉnh: Nam Định, Thanh Hóa, Quảng Bình, Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Cà Mau.

Dự án đã hoàn thành với kết quả vượt xa mục tiêu ban đầu. Đó là gần 5.000 ngôi nhà an toàn thích ứng với biến đổi khí hậu được xây dựng, 4.260ha rừng ngập mặn được tái sinh và hơn 62.000 người được tiếp cận thông tin cảnh báo rủi ro thiên tai.

Bà Ramla Khalidi, Trưởng Đại diện Thường trú UNDP tại Việt Nam đã chia sẻ với báo chí về dự án ý nghĩa này.

- Xin bà cho biết lý do UNDP và các đối tác lựa chọn Việt Nam để triển khai dự án GCF?

Bà Ramla Khalidi: Với 28 tỉnh, thành phố ven biển, đặc biệt là dải đất miền Trung có địa hình hẹp, các con sông ngắn và dốc, đường bờ biển dài, Việt Nam là quốc gia thường xuyên chịu tác động của nhiều loại hình thiên tai gồm bão, siêu bão và lụt. Hàng năm, thiên tai gây nhiều thiệt hại về người và tài sản, riêng thiệt hại về kinh tế chiếm khoảng 15% GDP.

Việt Nam cũng là quốc gia chịu nhiều tác động của hạn hán, xâm nhập mặn, các hình thái thời tiết cực đoan ngày càng tăng do biến đổi khí hậu.

Vì vậy, dự án GCF được xây dựng với mục tiêu chính tăng cường khả năng chống chịu của các cộng đồng dễ bị tổn thương vùng ven biển trước các tác động liên quan đến biến đổi khí hậu ở Việt Nam.

Ba hợp phần của dự án tạo ra hệ sinh thái tích hợp chặt chẽ. Theo đó, nhà an toàn là nơi trú ẩn, bảo vệ người dân trước thiên tai và là yếu tố cốt lõi để xây dựng khả năng chống chịu, thích ứng với biến đổi khí hậu.

ttxvn_2208_rung ngap man.jpg
Khu rừng ngập mặn trồng cây bần chua xanh tốt trên phá Tam Giang-Cầu Hai ở xã Phú Diên, huyện Phú Vang, Thừa Thiên-Huế. (Ảnh: Đỗ Trưởng/TTXVN)

Rừng ngập mặn đóng vai trò như một hàng rào bảo vệ vững chắc, ngăn chặn sóng, gió và triều cường xâm lấn.

Rừng ngập mặn còn là hệ sinh thái đa dạng, tạo sinh kế cho người dân, giúp cho sự tái sinh tự nhiên, có khả năng hấp thụ lượng lớn carbon, hỗ trợ tích cực trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.

Hệ thống cảnh báo sớm giúp người dân chủ động trước những tình huống thiên tai.

Ba hợp phần của dự án đều rất quan trọng theo cách riêng và có sự hỗ trợ, bổ sung cho nhau, tạo nên “công cụ” hiệu quả hỗ trợ người dân chống chịu với những tác động của biến đổi khí hậu.

- Mục tiêu của dự án là xây dựng 4.000 ngôi nhà an toàn, tái sinh 4.000ha rừng ngập mặn và 20.000 người được tiếp cận thông tin cảnh báo rủi ro thiên tai. Tuy nhiên kết quả đạt được đã vượt xa, bà có thể chia sẻ rõ hơn về những thành tựu của dự án?

Bà Ramla Khalidi: Chúng tôi rất tự hào về kết quả của dự án với 4.966 ngôi nhà an toàn đã được xây dựng, 4.260ha rừng ngập mặn được tái sinh và hơn 62.000 người có cơ hội tiếp cận thông tin cảnh báo rủi ro thiên tai.

Thực hiện hợp phần xây dựng nhà an toàn, tại mỗi địa phương chúng tôi điều chỉnh mô hình nhà phù hợp với điều kiện khí hậu, tập quán sinh hoạt của người dân.

Ví dụ như, tại Thanh Hóa - nơi thường xuyên với chống chọi với bão, nhà được thiết kế một gác lửng cao hơn mực nước tối đa được ghi nhận; trên đó có cửa sổ lớn sử dụng như lối thoát khi cần di tản trong lũ lụt.

Cà Mau lại chịu nhiều ảnh hưởng của gió, mưa, triều cường nên nhà an toàn được thiết kế với 2 mẫu: Nhà trên nền đất, cao độ nền hoàn thiện là 0,3m so với mặt đất; nhà cao cẳng có cao độ hoàn thiện tối đa là 1,5m so với mặt đất.

Những ngôi nhà đầu tiên chúng tôi xây dựng đã trải qua nhiều cơn bão nhưng vẫn vững chắc, đảm bảo an toàn cho người dân.

ttxvn_2208_nha an toan (2).jpg
Bên trong một ngôi nhà chống bão, lụt. (Ảnh: Mai Trang/TTXVN)

Với diện tích rừng ngập mặn được phục hồi, đây chính là các thành lũy chống lại những cơn bão và lũ lụt sắp tới, là trung tâm đa dạng sinh học quan trọng, tạo ra hệ sinh thái phong phú, từ đó hỗ trợ sinh kế cho cộng đồng địa phương.

Việc tận dụng các hệ sinh thái mà rừng ngập mặn tạo ra mang lại nhiều lợi ích kinh tế lâu dài cho các cộng đồng sống dựa vào nó như phát triển du lịch sinh thái, bảo tồn thiên nhiên và cơ hội thu nhập từ giao dịch tín chỉ carbon.

Điển hình là 83ha rừng dừa nước ở xã Cẩm Thanh được phục hồi đã trở thành điểm nhấn du lịch sinh thái quan trọng của thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam.

Dưới tán dừa nước, mô hình sinh kế “Hỗ trợ nghề lưới rê, góp phần bảo vệ nguồn lợi thủy sản, tài nguyên thiên nhiên khu vực rừng dừa nước xã Cẩm Thanh” góp phần cải thiện thu nhập, bảo đảm đời sống người dân; đồng thời giảm khai thác mang tính hủy diệt, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, giá trị đa dạng sinh học của rừng dừa.

Dự án cũng hỗ trợ cộng đồng cư dân của 28 tỉnh, thành phố ven biển tiếp cận với thông tin về khí hậu, tiếp nhận cảnh báo rủi ro thiên tai thông qua 24 Trạm cảnh báo rủi ro thiên tai sớm được lắp đặt.

Qua đó, xây dựng năng lực ứng phó với thiên tai cho cá nhân, cộng đồng và tổ chức để chuẩn bị tốt hơn, có thông tin đầy đủ lập kế hoạch ứng phó thiên tai.

- Vậy, theo bà những yếu tố nào làm nên thành công của dự án này?

Bà Ramla Khalidi: Kết quả của dự án là minh chứng cho nỗ lực của các bên tham gia, sự hợp tác của chính quyền địa phương và đặc biệt là quyết tâm của chính người dân - những người được hưởng lợi trực tiếp.

Người dân đóng vai trò tiên phong và cũng là chủ thể chính trong quá trình chống chọi với biến đổi khí hậu.

Điển hình như việc xây dựng nhà an toàn, người dân đưa ra ý tưởng về những gì họ muốn, góp sức lao động và cung cấp nguồn lực để hỗ trợ xây dựng nhà.

Điều đó đảm bảo rằng gia đình được hưởng lợi sẽ chăm sóc tốt ngôi nhà trong tương lai. Tôi nghĩ đó là bản chất của quyền sở hữu và sự hợp tác trong quá trình phát triển.

Chúng ta cần lắng nghe ý kiến của người dân, hiểu rõ họ cần gì và những điều họ cho là quan trọng nhất.

UNDP đánh giá rất cao việc chính phủ Việt Nam linh hoạt nguồn vốn từ nhiều chương trình để hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở.

Việt Nam còn rất nhiều hộ nghèo, hộ cận nghèo không có điều kiện xây nhà, thiếu sinh kế bền vững và rất dễ tổn thương trước thiên tai.

Với vai trò, sứ mệnh và nguồn lực của mình, UNDP cam kết sẽ tiếp tục đồng hành cùng Chính phủ và người dân Việt Nam trước những tác động của biến đổi khí hậu, đặc biệt là các cộng đồng dễ bị tổn thương.

- Trân trọng cảm ơn bà./.

Bài 1: “Phao cứu sinh” của người dân ven biển

Bài 2: Bình yên dưới tán rừng ngập mặn

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục