Chứng nhận tiêm vaccine của lao động Campuchia về nước gây nghi ngờ

Hầu như lao động Campuchia về nước đều có giấy chứng nhận đã tiêm phòng COVID-19, nhưng chỉ 20% số giấy này có lưu dữ liệu trên cổng thông tin tiêm phòng.
Chứng nhận tiêm vaccine của lao động Campuchia về nước gây nghi ngờ ảnh 1Một điểm tiêm vaccine phòng COVID-19 tại Phnom Penh, Campuchia. (Ảnh: THX/TTXVN)

Phóng viên TTXVN tại Phnom Penh dẫn kết quả điều tra do phóng viên báo Khmer Times thực hiện tại các cửa khẩu thuộc tỉnh Banteay Meanchey và Oddar Menchey của Campuchia giáp biên giới với Thái Lan, cho biết việc lao động Campuchia ồ ạt từ Thái Lan trở về nước mỗi ngày qua cửa khẩu đường bộ đã làm phát sinh vấn đề hàng trăm người được phép nhập cảnh không phải cách ly dù giấy chứng nhận tiêm phòng của họ có điểm nghi vấn.

Cụ thể, ông Long Khun, người đứng đầu bộ phận y tế tại Cửa khẩu quốc tế O’Smach (tỉnh Oddar Meanchey) cho hay trong ngày 19/4 có 600 lao động di cư Campuchia về nước qua cửa khẩu này và giấy chứng nhận tiêm phòng COVID-19 của phần lớn không kiểm chứng được do không có dữ liệu trên cổng thông tin tiêm phòng.

[Chứng nhận tiêm vaccine của lao động Campuchia về nước gây nghi ngờ]

Trong khi đó tại Cửa khẩu O’Beichoan ở tỉnh Banteay Menchey, việc có tới 500 lao động di cư về nước mỗi ngày đã khiến các nhân viên y tế tại đây không có thời gian truy cập vào cơ sở dữ liệu tiêm phòng để kiểm chứng thông tin và việc có nhiều loại giấy chứng nhận tiêm chủng đã gây rất nhiều khó khăn trong việc phát hiện những lao động có hành vi gian lận về loại giấy tờ này.

Chứng nhận tiêm vaccine của lao động Campuchia về nước gây nghi ngờ ảnh 2Kiểm tra thân nhiệt phòng lây nhiễm COVID-19 tại sân bay quốc tế Phnom Penh, Campuchia. (Ảnh minh họa: THX/TTXVN)

Phát hiện trên diễn ra trong bối cảnh Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen thông báo chính phủ nước này cần 10 ngày để đánh giá diễn biến dịch COVID-19 trong nước trước khi cân nhắc dỡ bỏ quy định đeo khẩu trang bắt buộc trên phạm vi cả nước.

Tuần trước, ngay trước kỳ nghỉ Tết Năm Mới Khmer, Thủ tướng Hun Sen đã quyết định hủy bỏ quy định bắt buộc đeo khẩu trang tại 4 tỉnh là Ratanakkiri, Mondulkiri, Stung Treng và Preah Vihear nhằm đưa cuộc sống trở lại trạng thái bình thường hậu COVID-19./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục