"Chứng mất trí nhớ gia tăng nhanh trên thế giới"

Theo WHO, chứng mất trí nhớ đang ảnh hưởng đến mọi quốc gia, toàn cầu phải chi 604 tỷ USD/năm để điều trị, chăm sóc người mắc bệnh này.
Ngày 11/4, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết hiện thế giới có khoảng 35,6 triệu người mắc chứng mất trí nhớ.

Con số này dự kiến sẽ tăng gấp đôi lên 65,7 triệu người vào năm 2030 và tăng hơn gấp 3 lần lên 115,4 triệu người vào năm 2050.

Phóng viên TTXVN tại Liên hợp quốc dẫn báo cáo "Chứng mất trí nhớ: Một ưu tiên sức khỏe cộng đồng" của WHO, cho biết chứng mất trí nhớ ảnh hưởng đến người dân ở tất cả mọi quốc gia, trong đó 58% số dân sống ở các nước có thu nhập thấp và trung bình và dự kiến con số này sẽ tăng lên mức trên 70% vào năm 2050.

Chi phí điều trị và chăm sóc người mắc chứng mất trí nhớ trên toàn cầu là trên 604 tỷ USD một năm. Chi phí này bao gồm công tác chăm sóc về y tế và xã hội, cũng như những thiệt hại về thu nhập của người mắc chứng mất trí nhớ và những người chăm sóc họ.

Mặc dù chứng mất trí nhớ đang diễn biến xấu đi, vấn đề này nhìn chung vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Cho đến nay mới chỉ có 1/8 số nước trên thế giới có chương trình quốc gia nhằm giải quyết căn bệnh này. Việc thiếu chẩn đoán cũng là một trong những vấn đề lớn khi ngay ở các nước có thu nhập cao cũng chỉ có từ 20-50% số trường hợp mất trí nhớ được phát hiện. Khi được phát hiện, bệnh cũng thường đang phát triển ở giai đoạn cuối.

Tiến sỹ Oleg Chestnov, trợ lý Tổng Giám đốc WHO phụ trách các căn bệnh không truyền nhiễm và sức khoẻ tinh thần, nhận định các nhân viên y tế thường không được đào tạo đầy đủ để nhận biết chứng mất trí nhớ. Ông Chestnov kêu gọi các nước trên thế giới cần nâng cao khả năng phát hiện sớm chứng mất trí nhớ và cung cấp những chăm sóc y tế và xã hội cần thiết, từ đó có thể giảm gánh nặng của căn bệnh này mang lại cho xã hội./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục