Chứng khoán Việt Nam: Chỉ số VN-Index 'lình xình' chưa thể vượt đỉnh

Việc chỉ số VN-Index có bước tăng trưởng dài trong thời gian vừa qua và đang tiến về mốc 1.200 điểm - mốc đỉnh lịch sử - khiến tâm lý các nhà đầu tư trở nên thận trọng.
Chứng khoán Việt Nam: Chỉ số VN-Index 'lình xình' chưa thể vượt đỉnh ảnh 1Ảnh minh họa.

Chỉ số VN-Index đang giao dịch rất gần mốc đỉnh lịch sử. Đây được đánh giá là mốc nhạy cảm quyết định xu hướng của thị trường trong thời gian tới.

Việc chỉ số này có bước tăng trưởng dài trong thời gian vừa qua và đang tiến về mốc 1.200 điểm - mốc đỉnh lịch sử - khiến tâm lý nhà đầu tư trở nên thận trọng.

Chỉ số VN-Index diễn biến "lình xình" suốt phiên sáng 18/1. Cuối phiên giao dịch sáng, VN-Index giảm nhẹ 0,44 điểm xuống 1.193,76 điểm. Toàn sàn có 239 mã tăng, trong khi có 212 mã giảm và 45 mã đứng ở mức giá tham chiếu.

Chỉ số UPCoM cũng giảm nhẹ 0,13 điểm xuống 78,51 điểm. Toàn sàn có 147 mã tăng, trong khi có 89 mã giảm và 54 mã đứng giá.

Chỉ số HNX-Index tăng mạnh tới 6,88 điểm lên 232,35 điểm. Toàn sàn có 98 mã tăng giá, 94 mã giảm giá và 47 mã đứng giá.

[Những góc nhìn khác biệt về diễn biến thị trường chứng khoán sắp tới]

Thanh khoản thị trường duy trì mức cao với giá trị giao dịch 3 sàn đạt gần 12.000 tỷ đồng. Điểm tiêu cực là khối ngoại phiên sáng nay bán ròng trên cả 3 sàn với tổng giá trị gần 190 tỷ đồng.

Về diễn biến tại các nhóm cổ phiếu, trong rổ cổ phiếu VN30 có tới 17 mã giảm giá, trong khi chỉ có 10 mã tăng giá và 3 mã đứng ở mốc tham chiếu.

Các mã giảm mạnh như EIB giảm 2,7%, HDB giảm 1,8%. Ba mã cổ phiếu là TCH, SAB, GAS đều giảm 1,5%, trong khi SSI cũng giảm 1,2%...

Nhóm cổ phiếu ngân hàng sau thời gian đầu phiên sáng diễn biến tích cực đã đảo chiều giảm giá ở cuối phiên giao dịch. Hàng loạt mã chìm trong sắc đỏ như: CTG, SHB, EIB, BAB, TCB, NAB, HDB, VIB, MBB, VPB, MSB, LPB.

Ở chiều tăng giá chỉ có NVB là có mức tăng mạnh. Cụ thể, cổ phiếu này tăng tới 9,8% lên mức giá trần. Tiếp đến ABB tăng 3,6%, BVB tăng 2%, TPB tăng 1,4%. Các mã còn lại có mức tăng nhẹ đều dưới 1%.

Nhóm cổ phiếu chứng khoán chìm trong sắc đỏ với BVS, BSI, HCM, SHS, SSI, VND… đều ở chiều giảm giá. Nhóm cổ phiếu dầu khí cũng không khá hơn. Cụ thể, GAS giảm 1,5%, BSR giảm 2,4%, PVB giảm 2,3%, PVC giảm 2,1%, PVS giảm 1,9%. Đáng chú ý PCG còn giảm 8,8% xuống mức giá sàn.

Nhóm cổ phiếu bất động sản xây dựng diễn biến khá tích cực với sự tăng giá của DXG, DIG, DXG, CEO, CTD, FCN, IJC…

Nhóm cổ phiếu họ Viettel tăng trưởng khá tích cực với VGI tăng 6,6%, CTR tăng tới 6,5%, VTK tăng nhẹ 0,9%.

Trên thị trường thế giới, phiên giao dịch sáng 18/1, thị trường chứng khoán châu Á đi xuống, sau đà giảm của chứng khoán Phố Wall cuối tuần trước.

Tại Nhật Bản, mở đầu phiên giao dịch, chỉ số Nikkei 225 giảm 1,06% (302,08 điểm) xuống 28.217,10 điểm. Mizuho Securities nhận định các nhà đầu tư đang tỏ ra thất vọng do đà giảm của chứng khoán Mỹ.

Bên cạnh đó, các nhà đầu tư cũng thúc đẩy hoạt động bán ra chốt lời, sau đà tăng gần đây của giá cổ phiếu. Từ đầu tháng 1/2021 đến nay, chỉ số Nikkei 225 đã tăng khoảng 3%.

Chuyên gia Takeo Kamai, tại CLSA, nhận định đà tăng quá nhanh của thị trường chứng khoán trong tháng trước đã khiến cho một số nhà đầu tư cảm thấy thị trường đã trở nên quá nóng.

Cùng đà giảm, tại Trung Quốc, chỉ số Shanghai Composite của thị trường Thượng Hải giảm 11,58 điểm (0,32%) xuống 3.554,80 điểm. Tại Hong Kong, chỉ số Hang Seng giảm 119,27 điểm (0,42%) xuống 28.454,59 điểm.

Hiện các nhà đầu tư đang hướng sự chú ý vào số liệu về tốc độ tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục