Chứng khoán Việt Nam bị ảnh hưởng khá tiêu cực sau kỳ nghỉ lễ

Kết thúc tuần giao dịch từ 4-5/5, chỉ số VN-Index giảm 0,84% so với tuần trước; trong khi chỉ số HNX-Index tăng nhẹ 0,16% lên mức 207,8 điểm còn chỉ số UPCOM-Index giảm 0,27%.
Chứng khoán Việt Nam bị ảnh hưởng khá tiêu cực sau kỳ nghỉ lễ ảnh 1Bảng chỉ số chứng khoán ngày 5/5. (Nguồn: Vietnam+)

Chứng khoán Việt Nam bị ảnh hưởng khá tiêu cực sau kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5 từ việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất điều hành thêm 25 điểm cơ bản, cùng đó, dù mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý 1/2023 kém tích cực đã được dự báo từ trước, tuy nhiên, vẫn gây áp lực nhất định tới thị trường.

Tuần giao dịch thận trọng

Chỉ số VN-Index đã giảm mạnh trong phiên giao dịch đầu tiên sau nghỉ lễ với mức giảm 0,81%, đến phiên cuối tuần, áp lực bán đã dịu bớt.

Kết thúc tuần giao dịch từ 4-5/5, chỉ số VN-Index giảm 0,84% so với tuần trước về mức 1.040,3 điểm. Ngược lại, chỉ số HNX-Index tăng nhẹ 0,16% lên mức 207,8 điểm còn chỉ số UPCOM-Index giảm 0,27% về mức 77,6 điểm.

Thanh khoản đi ngang với giá trị giao dịch bình quân trên 3 sàn giảm nhẹ 0,2% so với tuần trước về mức 11.502 tỷ đồng/phiên. Khối ngoại bán ròng mạnh trên sàn HOSE với giá trị bán ròng đạt 501 tỷ đồng. Tuần trước, khối ngoại mua ròng 18 tỷ đồng trên HOSE.

Ngược lại, khối ngoại có diễn biến tích cực hơn trên 2 sàn còn lại khi mua ròng 14 tỷ đồng trên sàn HNX-Index, trong khi tuần trước khối ngoại bán ròng 1 tỷ đồng trên sàn này. Trên UPCOM, khối ngoại bán ròng 2 tỷ đồng, tuần trước nhà đầu tư nước ngoài bán ròng 37 tỷ đồng trên thị trường này.

Thị trường tuần qua tiếp tục chứng kiến sự phân hóa mạnh đối với các cổ phiếu trong cùng ngành. Trong khi cổ phiếu của các ngân hàng như ACB tăng 1,9% và HDB tăng 1,3% thì một số ngân hàng khác lại điều chỉnh như VCB giảm 0,8%, VPB giảm 2,3% và TCB giảm 2,7%.

Ngành bất động sản cũng phân hóa khi các cổ phiếu vốn hóa lớn giảm như VHM giảm 1%, VIC giảm 2,7%, NVL giảm 5,3%. Các cổ phiếu vốn hóa vừa lại có nhịp tăng ấn tượng như BCG tăng 4,7% và DIG tăng 1,9%.

[Chứng khoán ngày 5/5: Cổ phiếu ngành thực phẩm-đồ uống là điểm sáng]

Theo VNDIRECT, thị trường chứng khoán Việt Nam khởi đầu tuần giao dịch đầu tiên sau kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5 tương đối thận trọng, trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất điều hành thêm 25 điểm cơ bản trong cuộc họp đầu tháng 5. Mỹ đang đối mặt với nguy cơ khủng hoảng trần nợ công và hệ thống ngân hàng Mỹ vẫn chưa thực sự ổn định khi có thêm một số ngân hàng nữa lâm vào tình cảnh khó khăn.

Trong nước, mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý 1/2023 kém tích cực đã được dự báo từ trước, tuy nhiên vẫn gây áp lực nhất định tới thị trường. Cụ thể, theo thống kê tính đến ngày 4/5, lợi nhuận toàn thị trường giảm khoảng 17,5% so với cùng kỳ (trước đó quý 4/2022, lợi nhuận toàn thị trường giảm 31%).

Lợi nhuận sụt giảm kéo mặt bằng định giá của thị trường tăng nhẹ, hệ số giá trên lợi nhuận mỗi cổ phiếu (P/E) của chỉ số VN-Index hiện ở mức 12,3 lần, là mức hợp lý nếu so với mặt bằng lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng hiện nay là khoảng 7,5%.

Trong bối cảnh thị trường quốc tế còn nhiều bất ổn và định giá thị trường chưa thực sự quá hấp dẫn thì nhiều khả năng chỉ số VN-Index sẽ tiếp tục xu thế đi ngang hoặc điều chỉnh nhẹ trong nửa đầu tháng 5, VNDIRECT nhận định.

Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn-Hà Nội (SHS) cũng cho rằng, trong ngắn hạn VN-Index đang trong trạng thái đi ngang trong một biên độ ổn định, không hình thành xu hướng cụ thể (sideway).

Thị trường đã mất kênh tăng giá và đang trong trạng thái tích lũy. Với những diến biến hiện tại, mặc dù rủi ro trong giai đoạn này không cao nhưng cũng không có nhiều cơ hội lướt sóng ngắn.

Về mặt trung-dài hạn, VN-Index đang thể hiện trạng thái tích lũy chặt chẽ. Trạng thái tích lũy này là đáng tin cậy nhưng cần nhiều thời gian trước khi có những động lực mới (vĩ mô, dòng tiền) để “bùng nổ” tạo thành xu hướng tăng giá mới thực sự mạnh mẽ.

Chứng khoán thế giới “kém sắc”

Thị trường chứng khoán Việt Nam đi ngang trong tuần qua giữa bối cảnh các thị trường chứng khoán trên thế giới diễn biến không mấy tích cực.

Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần này, cả ba chỉ số chính của Phố Wall đồng loạt đảo chiều tăng điểm. Cụ thể, chỉ số Dow Jones tăng 1,65% lên 33.674,38 điểm.

Chứng khoán Việt Nam bị ảnh hưởng khá tiêu cực sau kỳ nghỉ lễ ảnh 2Hoạt động tại sàn giao dịch chứng khoán New York, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Chỉ số S&P 500 tăng 1,85% lên 4.136,25 điểm. Còn chỉ số công nghiệp Nasdaq Composite cộng 2,25% lên 12.235,41 điểm.

Tuy nhiên, bất chấp đà tăng trong ngày cuối tuần, chỉ số Dow Jones và S&P 500 vẫn ghi nhận tuần giao dịch tồi tệ nhất kể từ tháng 3/2023.

Dow Jones giảm 1,24%, còn S&P 500 mất 0,8% trong tuần qua. Nasdaq Composite khép lại tuần qua dường như đi ngang, "nhích" nhẹ 0,07%.

Tại châu Á, trong phiên giao dịch chiều 5/5,các thị trường chứng khoán biến động trái chiều sau khi Phố Wall lao dốc phiên trước do lo ngại mới về những rắc rối của ngành ngân hàng.

Chốt phiên này, tại Trung Quốc, chỉ số Hang Seng của thị trường Hong Kong tăng 0,5% lên 20.049,31 điểm, sau số liệu cho thấy lĩnh vực dịch vụ của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới tăng trưởng tháng thứ tư liên tiếp trong tháng Tư.

Tuy nhiên, chỉ số Shanghai Composite của thị trường Thượng Hải lại giảm 0,48% xuống 3.334,50 điểm, do đà giảm của giá cổ phiếu các công ty liên quan đến trí tuệ nhân tạo (AI).

Phiên này, chứng khoán Nhật Bản và Hàn Quốc đều đóng cửa nghỉ lễ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục