Giằng co, rung lắc mạnh, thanh khoản sụt giảm là những diễn biến chính trên thị trường chứng khoán Việt Nam tuần qua (từ 14-18/5).
Kết thúc tuần giao dịch, VN-Index giảm 4,31 điểm, xuống 1.040,54 điểm; HNX-Index giảm 1,5 điểm, xuống 121,27 điểm.
Điểm nhấn trong tuần qua là giao dịch thỏa thuận kỷ lục của VHM trong phiên 18/5 với gần 248,9 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị lên đến 28.548 tỷ đồng. Điều này đã khiến thanh khoản trên hai sàn trong tuần tăng mạnh với mức trung bình hơn 11.000 tỷ đồng giao dịch/phiên. Như vậy, thực chất của tuần giao dịch vừa qua là thanh khoản tiếp tục ở mức rất thấp, nếu loại trừ giao dịch thỏa thuận của VHM.
[Vinhomes niêm yết 2,68 tỷ cổ phiếu trên HoSE từ ngày 17/5]
Rõ ràng, thanh khoản vẫn là vấn đề lớn nhất của thị trường. Trong tuần tới, thanh khoản vẫn không được cải thiện thì việc VN-Index tăng điểm hay giảm điểm cũng không có nhiều ý nghĩa.
Thực tế cho thấy thời gian qua dòng tiền nhỏ cũng có thể làm thị trường tăng điểm ở một số phiên, nhưng để tăng trưởng trở thành xu thế vững chắc cần phải có một lượng tiền đổ vào thị trường lớn hơn thời điểm hiện tại rất nhiều và dòng tiền cũng cần trở thành xu hướng tăng trưởng bền vững trên thị trường chứng khoán.
Diễn biến thị trường cho thấy cứ mỗi khi chỉ số VN-Index tụt giảm xuống sát ngưỡng tâm lý 1.000 điểm thì lực mua gia tăng khiến chỉ số này bật tăng trở lại.
Mặc dù thị trường có những diễn biến giằng co và rung lắc mạnh, nhưng rõ ràng mức 1.000 điểm là mức hỗ trợ rất mạnh của thị trường. Đây được xem là nhân tố tích cực giúp thị trường không giảm quá sâu.
Hơn nữa, tromg tuần tới, cổ phiếu VHM nhiều khả năng sẽ tạo ra những ảnh hưởng lớn, nâng đỡ thị trường khi vẫn còn sức “nóng.” VHM là cổ phiếu vốn hóa lớn thứ 2 thị trường, chỉ đứng sau VIC nên có mức ảnh hưởng rất lớn trên HOSE.
Như vậy, thị trường nhiều khả năng sẽ hồi phục nếu VHM giữ được sức nóng. Việc hồi phục mạnh hay yếu, mong manh hay bền vững còn phụ thuộc vào dòng tiền và sức tăng của VHM.
Trong tuần qua, các cố phiếu vốn hóa lớn biến động mạnh, tăng giảm đan xen qua các phiên giao dịch; đồng thời chưa có tín hiệu nào cho thấy xu hướng tăng chắc chắn của những mã này.
Nhờ hưởng lợi từ đà tăng của giá dầu thế giới, nhóm cổ phiếu dầu khí tăng trưởng mạnh nhất so với các nhóm cổ phiếu khác với các mã tiêu biểu như PLX tăng 7,8%, PVD tăng 11,9%, PVS tăng 11,4%, PVB tăng 14,5%, GAS tăng 3,5%.
Cùng với sự đi lên khá vững của giá dầu thế giới, nhóm cổ phiếu dầu khí có lẽ tiếp tục có nhiều cơ hội tăng trưởng mạnh.
Trên thực tế, thị trường dầu mỏ thế giới tiếp tục có xu hướng đi lên nhờ sự sụt giảm sản lượng tại Venezuela, nhu cầu trên toàn cầu gia tăng và các biện pháp trừng phạt của Mỹ nhắm vào Iran.
Tính chung cả tuần, giá dầu Brent tăng 1,9%, ghi nhận tuần tăng thứ sáu liên tiếp; còn giá dầu ngọt nhẹ Mỹ tăng 0,9%, đánh dấu tuần tăng thứ ba liên tiếp.
Nhà phân tích Michael Wittner của Societe Generale (một trong ba ngân hàng lớn nhất nước Pháp) dự đoán các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran sẽ “tước đi” 400.000-500.000 thùng dầu thô/ngày mà quốc gia này đưa ra thị trường dầu thế giới.
Bên cạnh đó, OPEC (Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ) đã nâng dự báo nhu cầu dầu mỏ toàn cầu trong năm 2018 và dự kiến thế giới sẽ tiêu thụ 98,85 triệu thùng/ngày, tăng 1,65 triệu thùng/ngày so với năm ngoái.
Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết dự trữ dầu thô thương mại của nước này không tính lượng xăng dầu dự trữ chiến lược đã giảm 1,4 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 11/5/2018. Theo các nhà phân tích, báo cáo trên của EIA cộng thêm những lo ngại về bất ổn địa chính trị và nhu cầu sử dụng tăng cao sẽ tiếp tục hỗ trợ giá dầu.
Khi giá dầu thế giới tăng mạnh và có xu hướng đi lên khá vững thì nhóm cổ phiếu hàng không nhiều khả năng bị ảnh hưởng theo chiều hướng tiêu cực vì giá nguyên liệu đầu vào tăng cao. Bởi lẽ những doanh nghiệp kinh doanh vận tải hàng không là những đơn vị có đặc thù tỷ trọng chi phí nhiên liệu trên chi phí hoạt động rất lớn.
Điển hình là hững cổ phiếu ngành hàng không giảm khá mạnh trong tuần qua như: VJC giảm tới 11,4%, HVN giảm 2,9%. Nhóm cổ phiếu ngân hàng giảm mạnh nhất trong tuần qua với hầu hết các mã trụ cột đều giảm như: VCB giảm 2,4%, BID giảm 3,1%, VPB giảm 10%, ACB giảm 2,7%, MBB giảm 0,8%, SHB giảm 5,7%... Vì vậy, một kịch bản nhóm ngân hàng hồi phục trở lại và tiếp tục dẫn dắt thị trường như giai đoạn trước đây có lẽ khó xảy ra.
Nhóm cổ phiếu chứng khoán cũng điều chỉnh cùng chiều với thị trường với các mã giảm mạnh như: SSI giảm 4,6%, VCI giảm 2%, VND giảm 12,1%, MBB giảm 0,8%, SHS giảm 7,4%. Với một thị trường thanh khoản yếu thì nhóm chứng khoán có thể không có nhiều cơ hội tăng trưởng mạnh trong tuần tới.
Thực chất, tuần giao dịch vừa qua diễn ra khá ảm đạm nếu không tính đến nhân tố VHM. Phiên cuối tuần, hàng trăm triệu cổ phiếu VHM được đưa ra thỏa thuận và toàn bộ số cổ phiếu này được khối ngoại mua vào.
Cụ thể, khối ngoại đã mua vào tổng cộng gần 248,9 triệu cổ phiếu VHM, tương ứng giá trị giao dịch lên đến 28.548 tỷ đồng.
Nhờ giao dịch thỏa thuận của VHM, thị trường chứng khoán Việt Nam đã có một phiên giao dịch kỷ lục và cũng là phiên mua ròng kỷ lục của khối ngoại.
Tính chung cả tuần, khối ngoại trên HOSE đã mua ròng gần 28.000 tỷ đồng, tương ứng khối lượng là 254,5 triệu cổ phiếu. Tuy vậy, nếu loại trừ đi giao dịch thỏa thuận của VHM thì rõ ràng khối ngoại vẫn đang tiếp tục bán ròng rất mạnh.
Đặc biệt là khối ngoại vẫn tập trung bán rất mạnh các cổ phiếu bluechips (những cổ phiếu có tình dẫn dắt thị trường và là những cổ phiếu nhận được nhiều quan tâm nhất của giới đầu tư chứng khoán) như: VNM, HPG, SSI, VIC, VJC...; trong đó VNM bị bán ròng hơn 307 tỷ đồng, HPG 227 tỷ đồng và SSI cũng bị bán ròng 115 tỷ đồng. Việc khối ngoại bán ròng mạnh các mã Bluechips có thể gây ảnh hưởng lớn đến tâm lý nhà đầu tư trong nước khiến dòng tiền vào thị trường ngày càng ít ỏi.
Trên sàn HNX, khối ngoại mua ròng trở lại hơn 44 tỷ đồng, tương ứng khối lượng 3,3 triệu cổ phiếu, nhưng cũng giống như trên sàn HOSE, việc mua ròng của khối ngoại đến từ các giao dịch thỏa thuận.
Cụ thể, khối ngoại đã mua ròng IVS với 50 tỷ đồng, còn NRC là 30,2 tỷ đồng. Như vậy, nếu loại trừ giao dịch của hai cổ phiếu này thì khối ngoại tại HNX thực chất là bán ròng mạnh.
Rõ ràng, các giao dịch thỏa thuận của khối ngoại đã làm méo mó bản chất mua bán ròng của khối này khi lực mua tập trung quá nhiều vào một số cổ phiếu. Thực chất tuần giao dịch vừa qua là tuần thị trường giảm điểm, thanh khoản thấp và khối ngoại bán ròng mạnh.
Dưới góc nhìn của nhiều công ty chứng khoán, ngay cả những phiên tăng điểm của thị trường cũng chưa thật sự chắc chắn, còn nhiều ẩn số chưa lời giải, đặc biệt là phiên cuối tuần (18/5). Các công ty chứng khoán nhận định rằng, thị trường trong tuần tới vẫn còn gặp nhiều rủi ro khi dấu hiệu phục hồi không có sự đồng thuận của thanh khoản.
Công ty cổ phần chứng khoán FPT-FPTS nêu quan điểm: "Diễn biến của phiên 18/5 sẽ được coi là tín hiệu quan trọng để đánh giá khả năng duy trì giai đoạn cân bằng của thị trường: trong đó những ẩn số từ biến động của nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn trong phiên giao dịch buổi chiều sẽ tiếp tục là nguyên nhân làm tăng rủi ro đối với các kỳ vọng ngắn hạn."
Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn-Hà Nội cho rằng thị trường hiện vẫn có rủi ro cao và chưa xác nhận đã tạo đáy thành công.
SHS dự báo trong tuần giao dịch tiếp theo (21-25/5), VN-Index có thể tiếp tục hồi phục vào đầu tuần với mục tiêu gần nhất là 1.060 điểm (MA5) nhằm cải thiện tín hiệu kỹ thuật.
Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt-VDSC nhận định: "VN-Index bật tăng mạnh trở lại sau khi giảm sâu về vùng đáy cũ, trong khi HNX-Index giằng co giảm điểm nhẹ. Thanh khoản nhìn chung vẫn ở mức khá yếu và các chỉ số tạm thời trụ vững ở phía trên vùng hỗ trợ mạnh, nhưng chưa xuất hiện các tín hiệu đảo chiều đáng tin cậy"./.