Các chuyên gia chứng khoán nhận định tuần tới có thể là một tuần khó khăn đối với thị trường chứng khoán Việt Nam khi mà nội tại các nhóm cổ phiếu đang diễn biến xấu, tình hình thế giới cũng còn nhiều bất ổn và khối ngoại tiếp tục bán ròng hàng nghìn tỷ đồng.
Trong khi đó, nhóm phân tích của Công ty cổ phần chứng khoán Sài Gòn-Hà Nội (SHS) nhận định thị trường sẽ cần thêm thời gian để tích lũy lại dưới ngưỡng 1.000 điểm và chờ thời cơ thích hợp để thử thách ngưỡng này một lần nữa.
Sau rất nhiều kỳ vọng, ngay trong phiên giao dịch sáng đầu tuần này (30/9), VN-Index có thời điểm vượt ngưỡng 1.000 điểm, nhưng lại không giữ nổi mốc điểm này ngay trong phiên giao dịch. Có lẽ vì vậy mà tâm lý nhà đầu tư đã chuyển từ tích cực sang tiêu cực, khiến thị trường giảm điểm trở lại.
Cụ thể, kết thúc tuần giao dịch (từ 30/9-4/10), VN-Index giảm 10,25 điểm xuống 987,59 điểm; HNX-Index tăng 0,389 điểm lên 105,16 điểm. Thanh khoản gia tăng so với tuần trước đó và tiếp tục cao mức trung bình 20 tuần với gần 4.700 tỷ đồng giao dịch mỗi phiên trên hai sàn.
Xét đến nội tại các nhóm cổ phiếu, các mã cổ phiếu chính trên thị trường có xu hướng giảm giá, hoặc đi ngang. Cụ thể, tại nhóm cổ phiếu họ Vingroup, VIC giảm 1,5%, VHM gần như đi ngang khi giảm nhẹ 0,1%, trong khi VRE giảm mạnh tới 4,1%.
Bên cạnh đó, các mã vốn hóa lớn thuộc nhóm cổ phiếu thực phẩm-đồ uống là VNM giảm 1,2%, MSN giảm 2,7%, SAB giảm 3,2%.
Ngoài ra, cổ phiếu vốn hóa lớn nhất ngành thép là HPG cũng giảm 3,6%, cổ phiếu vốn hóa lớn nhất ngành công nghệ là FPT giảm 2,9%, cổ phiếu đầu ngành bảo hiểm là BVH giảm 0,7% và cổ phiếu đầu ngành bán lẻ là MWG giảm 4%.
Tình hình thị trường chung không mấy sáng sủa, cùng với việc giá dầu đi xuống có thể khiến nhóm cổ phiếu dầu khí ít có khả năng hồi phục trong tuần tới.
Thực tế, tuần qua là tuần giảm thứ hai liên tiếp của giá dầu thế giới, giữa bối cảnh các nhà đầu tư quan ngại nhu cầu tiêu thụ “vàng đen” sụt giảm, trước tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung và những số liệu không mấy sáng sủa từ kinh tế Mỹ.
Jeffrey Halley, nhà phân tích thị trường cấp cao tại OANDA cho biết yếu tố nguồn cung sẽ tiếp tục chi phối giá dầu trong thời gian tới, khi mà Saudi Arabia khôi phục hoạt động sản xuất dầu nhanh hơn dự đoán.
Ở chiều tích cực, tuần qua, nhóm cổ phiếu ngân hàng giữ được mức tăng nhẹ với VCB tăng 0,1%, BID tăng 0,6%, VPB tăng 0,7%, TCB tăng 1,7%...
Thực tế, các mã cổ phiếu trong nhóm cổ phiếu ngân hàng diễn biến tăng giảm trái chiều. Phiên giao dịch cuối tuần cho thấy, một số mã vốn hóa lớn thuộc nhóm cổ phiếu ngân hàng đã có dấu hiệu bị chốt lời. Vì vậy, động lực tăng trưởng cho nhóm cổ phiếu ngân hàng trong tuần tới có lẽ không còn nhiều.
[Thị trường chứng khoán Mỹ tăng nhờ kỳ vọng Fed cắt giảm lãi suất ]
Ngoài ra, việc khối ngoại liên tục bán ròng cũng là yếu tố ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý nhà đầu tư. Cụ thể, tuần qua, khối ngoại bán ròng tới hơn 1.000 tỷ đồng trên toàn thị trường.
Tại sàn HoSE, khối ngoại có tuần bán ròng gấp 4,4 lần tuần trước đó, đạt trên 1.028 tỷ đồng. Tại sàn HNX khối ngoại cũng bán ròng trở lại hơn 16 tỷ đồng. Còn trên thị trường UPCoM, khối ngoại mua ròng hơn 34 tỷ đồng.
Theo Công ty cổ phần Chứng khoán Bảo Việt- BVSC, điểm tiêu cực hiện tại vẫn là động thái bán ròng của khối ngoại chưa có dấu hiệu dừng lại. Nếu hoạt động này còn tiếp diễn với mức độ mạnh kèm theo ảnh hưởng từ biến động tiêu cực của thị trường thế giới sẽ tạo ra áp lực đáng kể cho xu thế hồi phục của thị trường trong ngắn hạn.
Các chuyên gia dự báo tuần tới, xu hướng giằng co, đi ngang có thể diễn ra rõ nét tại nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn khi VN-Index đang ở quanh vùng 985 điểm.
SHS cũng dự báo trong tuần giao dịch tiếp theo (7-11/10), VN-Index có thể sẽ quay trở lại trạng thái rung lắc và giằng co với biên độ trong khoảng từ 980-1.000 điểm./.