Chứng khoán từ 7-11/12: Thận trọng trước ngưỡng kháng cự 1.030 điểm

Nhóm phân tích từ Công ty cổ phần Chứng khoán SSI (SSI) nhận định, đà tăng của thị trường đang suy yếu dần khi chỉ số VN-Index đang tiến gần về ngưỡng kháng cự 1.030 điểm.
Một phiên đấu giá tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội. (Ảnh: Phạm Hậu/TTXVN)
Một phiên đấu giá tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội. (Ảnh: Phạm Hậu/TTXVN)

Thị trường chứng khoán Việt Nam vừa trải qua tuần thứ 5 tăng điểm liên tiếp với thanh khoản cao kỷ lục. Dù vậy, giới phân tích từ các công ty chứng khoán nhận định, các tín hiệu kỹ thuật cho thấy nhà đầu tư đang thận trọng và đà tăng của thị trường suy yếu dần khi chỉ số VN-Index tiến về ngưỡng kháng cự 1.030 điểm.

Dấu hiệu cảnh báo rủi ro tăng lên

Nhóm phân tích từ Công ty cổ phần Chứng khoán SSI (SSI) nhận định, đà tăng của thị trường đang suy yếu dần khi chỉ số VN-Index đang tiến gần về ngưỡng kháng cự 1.030 điểm.

Thêm vào đó, việc dòng vốn chuyển từ nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn sang nhóm cổ phiếu vốn hóa trung bình có thể là dấu hiệu cảnh báo rủi ro đang tăng lên. Dù vậy trong ngắn hạn, nhiều khả năng chỉ số VN-Index vẫn sẽ tiếp tục đi lên với mục tiêu nằm tại vùng 1.030-1.040 điểm.

Trong khi đó, Công ty cổ phần Chứng khoán rồng việt-VDSC cho rằng, dù VN- Index đóng cửa phiên cuối tuần vẫn ở vùng xanh với thanh khoản tăng, nhưng những tín hiệu kỹ thuật cho thấy đây có thể được xem là một phiên phân phối nhẹ. VDSC nhận định, VN-Index đã có 2 phiên phân phối trong  thời gian gần đây, chứng tỏ rằng giới đầu tư đang có sự thận trọng trước vùng cản 1.030 điểm.

[Vì sao thị trường chứng khoán Việt Nam “miễn nhiễm” với dịch COVID-19?]

Các nhà phân tích từ Công ty cổ phần Chứng khoán MB-MBS bình luận, về kỹ thuật, xu hướng tăng vẫn tiếp tục được củng cố khi chỉ số VN-Index đã vượt đỉnh và trendline (đường xu hướng) giảm giá kể từ đầu năm.

Áp lực bán chủ yếu đến từ nhóm bluecchips (những cổ phiếu nhận được sự chú ý đặc biệt của mọi nhà đầu và mang tính dẫn dắt thị trường), tuy vậy dòng tiền nội vẫn hấp thụ tốt lượng bán này. MBS cho rằng thị trường khả năng vẫn còn các nhịp rung lắc trong quá trình hướng đến ngưỡng 1.030 điểm.

Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn-Hà Nội (SHS) cho biết, thị trường có tuần tăng điểm thứ năm liên tiếp với mức tăng và thanh khoản khớp lệnh giảm nhẹ so với tuần tăng trước đó, điều này cho thấy lực cầu mua lên đang có những sự thận trọng nhất định.

Trên biểu đồ kỹ thuật, VN-Index hiện kết phiên trong vùng kháng cự mạnh khoảng từ 1.020-1.030 điểm (đỉnh tháng 10/2018 và đỉnh tháng 11/2019) nên áp lực chốt lời sẽ trở nên mạnh hơn trong tuần tiếp theo; đồng thời khả năng điều chỉnh trở lại có thể xảy ra với ngưỡng hỗ trợ gần nhất quanh 1.000 điểm và xa hơn quanh 990 điểm (MA20).

Về diễn biến thị trường, kết thúc tuần giao dịch (từ 30/11-4/12) VN-Index tăng 11,27 điểm, lên 1.021,49 điểm; HNX-Index tăng 4,31 điểm, lên 152,48 điểm.

Thanh khoản trên hai sàn gia tăng so với tuần trước đó và cao hơn mức trung bình 20 tuần với khoảng 12.600 tỷ đồng giao dịch mỗi phiên trên hai sàn.

Khối ngoại bán ròng 19,3 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị bán ròng là 36,8 tỷ đồng trên toàn thị trường. Đáng chú ý, trên sàn HoSE, khối ngoại tiếp bán ròng hơn 75 tỷ đồng, giảm 71% so với tuần trước đó. Đặc biệt hơn, nếu chỉ tính giao dịch khớp lệnh, khối ngoại đã mua ròng 706 tỷ đồng trên sàn HOSE trong tuần qua.

Theo SHS, với việc thị trường tiếp tục tăng điểm trong tuần qua thì phần lớn các nhóm ngành cổ phiếu đều có sự tăng trưởng.

Nhóm cổ phiếu nguyên vật liệu tăng mạnh nhất với 3,2% giá trị vốn hóa, chủ yếu nhờ sức kéo của các đại diện như HPG tăng 1,9%, NKG tăng 7%.

Tiếp theo là nhóm tiện ích cộng đồng với mức tăng 3,1%, các mã tiêu biểu như GAS tăng 2,4%, POW tăng 12,7%. Nhóm hàng tiêu dùng tăng 1,8%, các mã tăng mạnh là MSN tăng 2,7%, SAB tăng 5,5%, BHN tăng 4,4%.

Bộ 3 cổ phiếu họ Vingroup cũng đều tăng giá với VIC tăng 0,6%, VRE tăng 0,9%, VHM tăng 2,3%. Trong nhóm cổ phiếu chứng khoán các mã trụ cột đều có mức tăng mạnh. Cụ thể, SSI tăng 3,6%, VND tăng 2,7%, VCI tăng 2,2%, SHS tăng 2,1%.

Các nhóm ngành khác tăng nhẹ như ngân hàng tăng 0,6% vốn hóa, dược phẩm và y tế tăng 0,9% vốn hóa, công nghiệp tăng 1,2% vốn hóa.

SHS dự báo trong  tuần giao dịch tiếp theo (7-11/12), VN-Index có thể sẽ điều chỉnh trở lại trước áp lực chốt lời trong vùng kháng cự 1.020-1030 (đỉnh tháng 10/2018 và đỉnh tháng 11/2019).

SHS khuyến nghị nhà đầu tư có tỷ trọng cổ phiếu cao có thể bán ra chốt lời trong vùng kháng cự 1.020-1.030 điểm. Nhà đầu tư có tỷ trọng tiền mặt cao có thể canh những nhịp điều chỉnh về vùng 990-1.000 điểm (nếu có) để bắt đáy thăm dò.

Cũng có quan điểm thận trọng, Công ty cổ phần Chứng khoán Bảo Việt-BVSC nhận định tuần tới, VN-Index sẽ tiếp tục hướng đến vùng kháng cự mạnh 1028-1035 điểm. Tuy nhiên, đây là vùng cản được đánh giá có thể sẽ khiến chỉ số gặp áp lực rung lắc, điều chỉnh mạnh khi lần đầu tiếp cận.

Ngược lại, vùng 985-990 điểm hiện tại sẽ trở thành vùng hỗ trợ có tính quyết định đến việc duy trì xu thế tăng điểm của chỉ số trong ngắn hạn.

Diễn biến thị trường sẽ tiếp tục có sự phân hóa mạnh giữa các dòng cổ phiếu và dòng tiền có thể sẽ bắt đầu có sự luân phiên dịch chuyển qua các nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ chưa tăng nhiều để tìm kiếm lợi nhuận.

Thị trường chứng khoán Việt Nam tăng trưởng trong bối cảnh các chỉ số chứng khoán Mỹ lên mức cao kỷ lục mới sau khi thông tin về tốc độ tăng trưởng việc làm tại Mỹ ở mức chậm nhất trong sáu tháng, làm tăng kỳ vọng về một gói cứu trợ cho nền kinh tế này.

Kỷ lục mới

Các chỉ số chính của Phố Wall đều tăng lên mức cao kỷ lục mới trong phiên 4/12 và kết thúc tuần giao dịch này trong sắc xanh.

Có được mức tăng này là phiên 4/12, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 246,27 điểm (tương đương 0,82%) lên 30.215,79 điểm, trong khi chỉ số S&P 500 ghi thêm 32,4 điểm (0,88%) lên 3.699,12 điểm. Chỉ số công nghệ Nasdaq Composite cũng tiến 87,05 điểm (0,7%) lên 12.464,23 điểm.

Chứng khoán từ 7-11/12: Thận trọng trước ngưỡng kháng cự 1.030 điểm ảnh 1Quang cảnh bên ngoài Sàn giao dịch chứng khoán New York, Mỹ. (Ảnh: THX/TTXVN)

Với mức tăng khá ổn trong phiên 4/12, tính chung trên cả tuần, chỉ số Dow Jones đã tăng 1%, chỉ số S&P 500 tăng 1,7% và chỉ số Nasdaq tăng 2,1%.

Trong một báo cáo ngắn mới nhất gửi tới khách hàng, ông Boris Schlossberg, Giám đốc điều hành của công ty môi giới đầu tư BK Asset Management nhận định, hiện hoạt động giao dịch của thị trường chứng khoán Mỹ đang phụ thuộc nhiều vào sự can thiệp của Chính phủ trên cả phương diện tiền tệ và tài khóa.

Do đó bất kỳ triển vọng nào về gói kích thích bổ sung sẽ được nhà đầu tư coi là chỉ dấu để thị trường tăng giá. Ông nhận định các chỉ số chính của Phố Wall có thể sẽ “chạy nước rút” hướng tới những mức kỷ lục mới nếu các cuộc đàm phán về gói cứu trợ đạt được tiến triển.

Trong khi đó, tại châu Á, các thị trường chứng khoán dịch chuyển trái chiều trong phiên 4/12, khi các thị trường bị chi phối bởi cả những thông tin lạc quan về vắc-xin ngừa COVID-19 và một gói cứu trợ mới cho kinh tế Mỹ cùng những diễn biến đáng lo ngại của đại dịch.

Phiên này, chứng khoán Hàn Quốc lần đầu tiên vượt ngưỡng 2.700 điểm nhờ nhóm cổ phiếu công nghệ và sinh học tăng mạnh. Chỉ số Kospi tại Seoul tiến 35,23 điểm (1,31%) lên khép phiên ở mức 2.731,45 điểm.

Chứng khoán Trung Quốc cũng kết thúc phiên này trong sắc xanh, với chỉ số Hang Seng tại Hong Kong tiến 107,42 điểm (0,4%) lên 26.835,92 điểm. Chỉ số Shanghai Composite cũng nhích 2,45 điểm (0,07%) lên 3.444,58 điểm.

Các thị trường Sydney, Taipei, Singapore và Bangkok đều tăng. Chứng khoán Mumbai cũng đi lên sau khi Ngân hàng Trung ương Ấn Độ cho biết nền kinh tế đang phục hồi nhanh hơn dự kiến, đồng thời điều chỉnh dự báo tăng trưởng cho năm nay từ mức giảm 9,5%, xuống mức giảm 7,5%.

Ở chiều ngược lại, chứng khoán Nhật Bản đi xuống trong chiều 4/12 do những lo ngại về khả năng phân phối vắc-xin ngừa COVID-19. Chỉ số Nikkei 225 của thị trường Tokyo giảm 58,13 điểm (0,22%) xuống 26.751,24 điểm.

Các thị trường chứng khoán Manila, Jakarta và Wellington cũng giảm nhẹ trong phiên này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục