Chứng khoán trên thị trường Mỹ giảm sâu sau một tuần nhiều biến động

Chỉ số tổng hợp S&P 500 giảm 0,7% và đóng cửa ở mức 3.934,38 điểm; chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 0,9% xuống 33.476,46 điểm, còn chỉ số công nghệ Nasdaq cũng giảm 0,7% xuống 11.004,62 điểm.
Giao dịch viên tại Sàn chứng khoán New York, Mỹ. (Ảnh: THX/TTXVN)

Chứng khoán Mỹ sụt giảm vào phiên 9/12 và kết thúc tuần với mức giảm khá lớn, khi số liệu về giá sản xuất tại Mỹ cao hơn dự kiến khơi lại những lo lắng rằng Cục Dự trữ Liên bang (Fed) sẽ duy trì việc tăng mạnh lãi suất để kiểm soát lạm phát.

Phiên này, chỉ số tổng hợp S&P 500 giảm 0,7% và đóng cửa ở mức 3.934,38 điểm. Chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 0,9% xuống 33.476,46 điểm, còn chỉ số công nghệ Nasdaq cũng giảm 0,7% xuống 11.004,62 điểm.

Trong khi lạm phát giá tiêu dùng có dấu hiệu giảm bớt, báo cáo mới công bố hôm thứ Sáu cho thấy giá sản xuất tại Mỹ vẫn tăng. Chuyên gia Edward Moya của nền tảng giao dịch OANDA cho biết Phố Wall đã có một ngày khá sóng gió với các số liệu kinh tế trái chiều.

Một mặt, báo cáo về chỉ số giá sản xuất vẫn tăng nóng đã khiến nhà đầu tư bất an. Mặt khác, báo cáo của Đại học Michigan cho thấy kỳ vọng lạm phát đang giảm nhanh chóng đã giúp nâng đỡ tâm lý thị trường phần nào.

[Chứng khoán Mỹ đi lên, S&P 500 dứt chuỗi giảm điểm 5 phiên liên tiếp]

Nhìn chung, yếu tố chính chi phối thị trường chứng khoán Mỹ tuần này là những lo ngại về suy thoái kinh tế kéo dài cùng khả năng Fed sẽ tiếp tục tăng lãi suất mạnh, khiến đà tăng trưởng của nền kinh tế lớn nhất thế giới “hạ nhiệt.”

Trong phiên đầu tuần 5/12, chứng khoán Mỹ đi xuống khi các nhà đầu tư quan ngại trước dữ liệu kinh tế tốt hơn mong đợi từ lĩnh vực dịch vụ dẫn tới hoài nghi rằng liệu Fed có thể tăng lãi suất lâu hơn dự kiến hay không.

Kết thúc phiên này, Dow Jones giảm 482,78 điểm (1,4%), xuống 33.947,1 điểm. S&P 500 mất 72,86 điểm (1,79%) xuống 3.998,84 điểm, còn Nasdaq Composite hạ 221,56 điểm (1,93%) xuống 11.239,94 điểm.

Đà giảm của chứng khoán Phố Wall tiếp tục trong phiên 6/12, sau khi các ngân hàng lớn là JPMorgan và Goldman Sachs cảnh báo về nguy cơ suy thoái kinh tế gia tăng. Phiên này, Dow Jones giảm 1%, S&P 500 giảm 1,4% và Nasdaq Composite mất 2%.

Sang phiên 7/12, hai trong số ba chỉ số chính của Phố Wall đã đóng cửa thấp hơn khi những lo lắng về khả năng suy thoái kinh tế toàn cầu đã xóa nhòa sự lạc quan trước việc Trung Quốc nới lỏng các chính sách hạn chế trong phòng dịch COVID-19. Kết thúc phiên, Dow Jones đi ngang trong khi S&P 500 và Nasdaq Composite lần lượt mất 0,2% và 0,5%.

Trong phiên 8/12, S&P 500 dứt chuỗi giảm điểm 5 phiên liên tiếp khi số đơn xin trợ cấp thất nghiệp hàng tuần tại Mỹ gia tăng, làm dấy lên hy vọng về tốc độ tăng lãi suất có thể sớm chậm lại. S&P 500 tăng 0,76% trong phiên này, trong khi Dow Jones tiến 0,54% và Nasdaq Composite tăng 1,15%.

Với mức giảm trong phiên cuối 9/12, S&P 500 khép lại tuần giao dịch với mức giảm 3,4%, Dow Jones giảm 2,8% và Nasdaq Composite mất 4%.

Tuần tới, thị trường chứng khoán Mỹ sẽ khá “sôi động” với số liệu lạm phát rất được chú ý và quyết định chính sách của Fed được công bố liền kề nhau.

Hai sự kiện này sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc xác định hướng đi của thị trường trong những tuần tới - suy giảm sâu hơn hay sẽ khởi sắc như truyền thống mùa Giáng Sinh.

Mọi con mắt sẽ đổ dồn vào chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11 được công bố vào thứ Ba (13/12). Thị trường dự kiến mức độ lạm phát sẽ vừa phải so với cùng kỳ một năm trước ở cả cấp tổng thể và cốt lõi - nhưng cả hai đều vẫn duy trì trên mức 6%.

Thị trường có thể không phản ứng quá mạnh nếu lạm phát tiêu dùng của Mỹ vẫn tăng: tốc độ tăng CPI chậm hơn một chút sẽ không tạo ảnh hưởng tới nhà đầu tư, trong khi mức tăng khá “nóng” chỉ có thể dẫn tới một đợt bán tháo khiêm tốn. Điều này là vì thị trường đã trượt giá trong giai đoạn trước khi số liệu được công bố.

Nhưng nếu CPI của Mỹ bất ngờ giảm, chứng khoán nước này sẽ tăng mạnh khi đây sẽ đánh dấu tháng lạm phát “hạ nhiệt” thứ năm liên tiếp.

Sau đó, thị trường sẽ dõi theo cuộc họp kéo dài hai ngày 13-14/12 của Fed. Chiều thứ Tư, Ủy ban thị trường mở liên bang (FOMC) của ngân hàng trung ương này sẽ đưa ra quyết định về lãi suất cho cuộc họp cuối cùng của năm 2022.

Hiện các thị trường đang đặt cược vào mức tăng 0,5 điểm phần trăm, đưa phạm vi mục tiêu lãi suất lên khoảng 4,25% - 4,5% và chấm dứt chuỗi bốn lần tăng 0,75 điểm phần trăm liên tiếp trước.

Chủ tịch Fed Jerome Powell dường như đã ngầm xác nhận động thái như vậy trong những phát biểu gần đây của mình.

Ông Powell cũng sẽ có thể đề cập tới bất kỳ sự thay đổi nào trong Tóm tắt Dự đoán Kinh tế của FOMC (còn được gọi là biểu đồ dấu chấm).

Giới đầu tư nhận định lãi suất sẽ chạm đỉnh ở mức hơn 5% một chút vào giữa năm sau, phù hợp với dự đoán gần nhất của các quan chức Fed hồi tháng Chín. Nhưng nếu dự báo đưa ra hôm 14/12 cao hơn mức đó, nhóm cổ phiếu tăng trưởng sẽ xuống thấp hơn và lợi suất trái phiếu lên cao hơn.

Tuy nhiên, các thị trường đã cho thấy rằng họ háo hức nhìn xa hơn việc Fed thắt chặt chính sách tiền tệ để xem điều gì sẽ xảy ra tiếp theo, ngay cả khi các quan chức Fed tuyên bố rằng cuộc chiến chống lạm phát còn lâu mới kết thúc. Trong giai đoạn chứng khoán thường tăng mạnh và sau đợt trượt dốc của tuần này, sẽ không có gì đáng ngạc nhiên nếu Phố Wall lại khởi sắc./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục