Các thị trường tài chính trên toàn thế giới tiếp tục "đỏ sàn" trong bối cảnh làn sóng đóng cửa đất nước do lo ngại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tiếp tục dâng cao, uy hiếp nỗ lực cứu vãn của các nhà hoạch định chính sách nhằm ngăn chặn nguy cơ kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái.
Trong bối cảnh số ca tử vong do mắc COVID-19 trên toàn thế giới đã vượt 14.000 người, mở cửa phiên giao dịch ngày 23/3, chỉ số Euro STOXX 600 đã giảm 4,5%, trong khi thị trường hàng hóa cũng chứng kiến cảnh "bán tháo" mạnh hơn.
So với chốt phiên ngày 20/3, chỉ số FTSE 100 trên thị trường London (Anh) đã giảm 4,8% xuống còn 4.943,51 điểm, chỉ số DAX của thị trường Frankfurt (Đức) cũng giảm 4,6% xuống còn 8.521,94 diểm, và chỉ số Paris CAC của Pháp giảm 4,4% xuống còn 3.870,06 điểm.
Còn tại châu Á, chỉ số MSCI khu vực châu Á-Thái Bình Dương, ngoại trừ Nhật Bản, cũng ghi nhận mức giảm 5,4%, trong đó thị trường chứng khoán New Zealand chứng kiến mức giảm kỷ lục tới 10% khi chính phủ quyết định đóng cửa toàn bộ hoạt động kinh doanh không thiết yếu.
Chốt phiên giao dịch ngày 23/3, chứng khoán Trung Quốc đã giảm xuống mức thấp nhất trong hơn một năm qua. Chỉ số blue-chip CSI300 giảm 3,4% xuống còn 3.530,31 điểm - mức thấp nhất kể từ ngày 22/2/2019, trong khi chỉ số tổng hợp Shanghai Composite của Thượng Hải giảm 3,1% xuống 2.660,17 điểm - mức thấp nhất kể từ ngày 11/2/2019.
Đáng chú ý, chỉ số Hang Seng của Hong Kong giảm 4,86%, hay 1.108,4 điểm, xuống 21.696,13 điểm. Đây là mức thấp nhất kể từ ngày 6/2/2018.
Chỉ số S&P/ASX200 trên thị trường Australia đã giảm 5,62%, mức thấp nhất trong bảy năm qua. Tương tự, Singapore cũng ghi nhận mức giảm 7,5% và Hàn Quốc giảm 5,34%.
Trong khi đó, chứng khoán Mỹ cũng mất hơn 30% giá trị kể từ sau khi đạt đỉnh hồi giữa tháng Hai vừa qua.
[Phố Wall trải qua tuần giao dịch tồi tệ nhất kể từ năm 2008]
Nhật Bản là điểm sáng duy nhất trên thị trường chứng khoán toàn cầu. Lạc quan về khả năng Olympic mùa Hè Tokyo 2020 sẽ không bị hoãn, chỉ số chứng khoán Nikkei đã tăng 334,95 điểm, tương đương 2,02%, chốt phiên ở mức 16.887,78 điểm.
Các nhà phân tích thị trường của Morgan Stanley cho rằng dịch COVID-19 đang hủy hoại nghiêm trọng kinh tế toàn cầu, đồng thời đưa ra dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2020 có thể rơi gần xuống mức khủng hoảng tài chính năm 2008.
Tập đoàn Goldman Sachs cũng dự báo tổng GDP thực của toàn cầu trong năm 2020 có thể giảm khoảng 1%./.