Chứng khoán thế giới khởi sắc nhờ lo ngại về Evergrande giảm bớt

Cả ba chỉ số chứng khoán chủ lực của phố Wall đều tăng hơn 1% và các thị trường chứng khoán châu Âu ở bên kia bờ Đại Tây Dương cũng lên điểm.
Các chứng khoán viên làm việc tại sàn giao dịch New York (Mỹ). (Ảnh: AFP/TTXVN)

Chứng khoán thế giới đồng loạt tăng hơn 1% trong phiên giao dịch ngày 22/9, khi lo ngại về “gã khổng lồ” bất động sản Trung Quốc Evergrande giảm bớt, trong khi Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) vẫn giữ lãi suất thấp như dự kiến.

Tại thị trường Phố Wall, cả ba chỉ số chứng khoán chủ lực đều tăng hơn 1%. Chốt phiên, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng lên 34.258,32 điểm. Chỉ số tổng hợp S&P 500 tiến lên 4.395,64 điểm, trong khi chỉ số công nghệ Nasdaq Composite ở mức 14.836,99 điểm.

Các thị trường chứng khoán châu Âu ở bên kia bờ Đại Tây Dương cũng lên điểm. Cụ thể, chỉ số FTSE 100 tại London (Vương quốc Anh) tăng 1,5% lên 7.083,37 điểm, chỉ số DAX 30 trên sàn Frankfurt (Đức) tiến 1% điểm lên 15.506,74 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Paris (Pháp) cũng ghi thêm 1,3% điểm và đạt mức 6.637,00 điểm. Chỉ số tổng hợp EURO STOXX 50 tăng 1,3% và khép phiên ở mức 4.150,19 điểm.

Tâm lý lo lắng của giới đầu tư dường như đã thả lỏng hơn sau khi có tin tức rằng Evergrande đã đồng ý kế hoạch trả lãi cho một trong những trái phiếu chủ chốt của mình, tránh một vụ vỡ nợ mà nhiều người lo ngại có thể ảnh hưởng đến nền kinh tế Trung Quốc và toàn cầu.

Trong một tuyên bố với sàn giao dịch chứng khoán Thâm Quyến, Hengda - đơn vị bất động sản của Evergrande cho biết họ đã đàm phán kế hoạch trả lãi cho trái phiếu năm 2025, trị giá 232 triệu nhân dân tệ (gần 36 triệu USD).

[Chứng khoán châu Á biến động trái chiều do ảnh hưởng của Evergrande]

Ông Art Hogan, chiến lược gia trưởng tại công ty môi giới đầu tư National Securities (Mỹ), đánh giá có vẻ như thị trường đã chấp nhận rằng Evergrande sẽ không phải nơi khởi đầu của một cuộc khủng hoảng tài chính. Nhờ đó, giới đầu tư đã phần nào bớt quan ngại.

Bên cạnh đó, khi kết thúc cuộc họp chính sách, Fed thông báo quyết định giữ nguyên lãi suất cơ bản ở biên độ 0-0,25%. Đây là lần thứ 12 liên tiếp Fed không điều chỉnh lãi suất và Fed hy vọng sẽ "sớm" sẵn sàng để bắt đầu loại bỏ các biện pháp kích thích được triển khai trong thời gian đại dịch COVID-19 bùng phát.

Trong thông báo sau cuộc họp kéo dài hai ngày, Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) cho biết nền kinh tế Mỹ đã hồi phục đến mức Fed có thể làm chậm tốc độ chương trình mua tài sản nếu đà tăng trưởng tiếp tục duy trì trên diện rộng như dự kiến.

Đề cập đến vấn đề trần nợ công đang được quan tâm tại Mỹ, Chủ tịch Fed Jerome Powell thể hiện quan điểm ủng hộ Mỹ tăng trần nợ công. Ông khẳng định ngân hàng này không thể bảo vệ các thị trường tài chính và nền kinh tế Mỹ khỏi những tổn thất nghiêm trọng nếu Mỹ vẫn giữ mức trần nợ công hiện nay.

Người đứng đầu Fed cho rằng Mỹ cần tăng mức trần nợ công tại thời điểm thích hợp để đảm bảo nước này cho thể chi trả cho mọi hoạt động cần thanh toán khi đến hạn - điều cần làm để bảo vệ nền kinh tế và thị trường tài chính Mỹ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục