Thị trường chứng khoán thế giới hầu hết đều giảm trong bối cảnh các nhà đầu tư tiếp tục rút lại dự báo về lãi suất thấp hơn, ngay cả khi họ đưa ra những bình luận trái ngược nhau về các ngân hàng trung ương và căng thẳng gia tăng ở Trung Đông.
Tại New York, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 0,6% xuống 37.361,12 điểm, chỉ số S&P 500 giảm 0,4% xuống 4.765,98 điểm, còn chỉ số công nghệ Nasdaq Composite giảm 0,2% xuống 14.944,35 điểm.
Giám đốc nghiên cứu tại XTB Kathleen Brooks nhận xét chứng khoán đi xuống trong ngày 16/1 chủ yếu do các nhà đầu tư đánh giá lại kỳ vọng cắt giảm lãi suất.
Thị trường Mỹ đóng cửa nghỉ lễ Martin Luther King phiên 15/1, và ghi nhận đà giảm trong phiên ngày 16/1 trong bối cảnh các thị trường xem xét kết quả trái chiều từ các ngân hàng lớn, cùng với nhận xét của Thống đốc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Christopher Waller.
Ông Waller cho biết Fed sẽ có thể cắt giảm lãi suất trong năm 2024, đồng thời nói thêm rằng lãi suất nên được cắt giảm một cách cẩn trọng.
Trong khi đó, thành viên hội đồng quản trị Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Robert Holzman ngày 15/1 cho biết tại Davos rằng có khả năng lãi suất sẽ không được cắt giảm trong năm nay, đẩy lùi đồn đoán về đợt cắt giảm vào tháng 4/2024.
Chỉ số FTSE 100 của London đã giảm 0,48% xuống 7.558,34 điểm, chỉ số CAC 40 của Paris giảm 0,2% xuống 7.398 điểm, còn chỉ số DAX 30 trên sàn Frankfurt giảm 0,3% xuống 16.571,68 điểm. Chỉ số tổng hợp EURO STOXX 50 giảm 0,2% xuống 4.446,51 điểm.
Chứng khoán Mỹ và châu Âu đã tăng vọt vào cuối năm 2023 khi lạm phát giảm nhẹ khiến các nhà đầu tư kỳ vọng Fed đang chuẩn bị đảo ngược chính sách tăng lãi suất trong hơn một năm qua và ECB cùng với Ngân hàng trung ương Anh có thể hành động tương tự.
Thị trường kỳ vọng các ngân hàng trung ương có thể cắt giảm lãi suất ngay sau tháng 3/2024, song hy vọng đã giảm dần trong tháng 1/2023 khi các quan chức Fed cho biết họ muốn giữ lãi suất ổn định cho đến khi lạm phát chắc chắn trở lại dưới mục tiêu.
Mặc dù lạm phát nhìn chung đang có xu hướng giảm, nhưng có lo ngại rằng lạm phát có thể tăng trở lại, đặc biệt là khi căng thẳng ở khu vực Trung Đông giàu dầu mỏ khiến các tuyến thương mại quan trọng gặp rủi ro.
Tại thị trường Việt Nam, đóng cửa phiên giao dịch chiều 16/1, chỉ số VN-Index tăng nhẹ 0,78%, lên mức 1.163,12 điểm. Ngược lại, chỉ số HNX-Index tăng 0,78% lên 1.163,12 điểm./.
Thị trường chứng khoán bước vào “vùng trũng” thông tin
Chuyên gia nhận định số liệu lạm phát Mỹ, giá vàng trong nước "neo" cao, áp lực tỷ giá bất ngờ quay trở lại là một số yếu tố rủi ro đang nổi lên có thể ảnh hưởng tới xu thế chung của thị trường.