Trong phiên giao dịch ngày 7/3, chứng khoán Mỹ đi xuống sau khi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) khép lại cuộc họp chính sách mới nhất với nhiều nhận định kém lạc quan, làm dấy lên lo ngại về xu hướng tăng trưởng chậm lại của kinh tế thế giới.
Kết thúc phiên này, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 0,8%, xuống 25.473,23 điểm, ghi dấu phiên giảm thứ tư liên tiếp.
Chỉ số S&P 500 cũng mất 0,8%, xuống 2.748,93 điểm. Trong khi đó, chỉ số công nghệ Nasdaq Composite lùi 1,1%, đóng cửa ở mức 7.421,46 điểm.
Đà giảm của Phố Wall diễn ra sau khi ECB hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) trong năm 2019 và năm 2020 do "những bất ổn" từ địa chính trị cho đến xung đột thương mại đang đè nặng lên nền kinh tế khu vực, đồng thời công bố gói kích thích kinh tế mới.
Cụ thể, ECB dự báo nền kinh tế Eurozone sẽ tăng trưởng 1,1% trong năm nay, giảm 0,6% so với mức dự báo trước đó.
[Chứng khoán thế giới mất đà sau báo cáo của tổ chức OECD]
Đối với năm 2020, thể chế tài chính này dự đoán nền kinh tế khu vực tăng trưởng 1,6% thay vì mức 1,7% được đưa ra trước đó. Tuy nhiên, ECB vẫn giữ nguyên mức dự báo tăng trưởng kinh tế trong năm 2021 là 1,5%.
Ngoài ra, ECB cũng hạ dự báo về tỷ lệ lạm phát giai đoạn 2019-2021 trong bối cảnh nền kinh tế Eurozone tăng trưởng chậm chạp. Theo đó, ngân hàng này dự báo tỷ lệ lạm phát ở mức 1,2% trong năm nay, giảm 0,4% so với mức dự báo trước đó.
Tỷ lệ này được dự đoán sẽ ở mức 1,5% trong năm 2020 và 1,6% trong năm 2021, giảm lần lượt từ mức 1,7% và 1,8% trong các dự báo trước đó.
Bên cạnh đó, ECB còn khiến giới quan sát ngạc nhiên với quyết định triển khai đợt cho vay mới với lãi suất siêu thấp thứ ba cho các ngân hàng với hy vọng đảo ngược tình trạng khan hiếm thanh khoản hiện nay.
Gói nghiệp vụ tái cấp vốn dài hạn cho hệ thống ngân hàng trong khu vực lần thứ III (TLTRO-III) nhằm mục tiêu khuyến khích các ngân hàng tiếp tục hoạt động cấp vốn vay cho các doanh nghiệp và cá nhân với các mức lãi suất hấp dẫn. Kế hoạch dự kiến được triển khai vào tháng 9/2019 và kết thúc vào tháng 3/2021.
Động thái mới nhất của ECB diễn ra chỉ một ngày sau khi Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) trong báo cáo triển vọng kinh tế toàn cầu 2019 đã hạ dự báo tăng trưởng cả kinh tế Mỹ lẫn kinh tế thế giới trong năm nay, do tác động từ một loạt yếu tố trong đó có các xung đột thương mại giữa các nước và tác động từ Brexit, chỉ việc nước Anh rời Liên minh châu Âu. Điều này càng khiến các thị trường quan ngại hơn về viễn cảnh kinh tế toàn cầu.
Bên kia bờ Dại Tây Dương, quyết sách mới nhất của ECB đã khiến đồng euro rơi xuống mức thấp nhất kể từ tháng 6/2017 và các thị trường chứng khoán chủ chốt đồng loạt hạ điểm.
Cụ thể, đồng tiền chung châu Âu đã mất 0,8% giá trị so với đồng USD, xuống 1,12 USD/euro. Chỉ số EURO STOXX của châu Âu mất 0,5%, xuống 3.308,85 điểm.
Tại thị trường London, chỉ số FTSE 100 của Anh cũng lùi 0,5%, xuống 7.157,55 điểm. Tại thị trường Frankfurt của Đức và Paris của Pháp, chỉ số DAX 30 và CAC 40 lần lượt mất 0,6% và 0,4%, đóng cửa ở mức 11.517,80 điểm và 5.267,92 điểm./.