Nhóm cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán sau thời gian tăng mạnh mẽ thì sáng nay cả 2 nhóm này không có một mã cổ phiếu nào tăng giá.
Điều này gây tác động tiêu cực khiến cả 3 chỉ số chính của thị trường chứng khoán Việt Nam đều giảm rất mạnh.
Cuối phiên sáng 7/6, VN-Index giảm 25,72 điểm xuống 1.348,34 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 606,6 triệu đơn vị, tương ứng hơn 19.734,1 tỷ đồng. Toàn sàn có 125 mã tăng giá, 266 mã giảm giá và 37 mã đứng giá.
HNX-Index giảm 12,27 điểm xuống 317,49 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 154,7 triệu đơn vị, tương ứng trên 3.767,6 tỷ đồng. Toàn sàn có 74 mã tăng giá, 130 mã giảm giá và 53 mã đứng giá.
UPCOM - Index giảm 2,5 điểm xuống 88,09 điểm. Khối lượng giao dịch đạt trên 84,5 triệu đơn vị, tương ứng hơn 1.660,3 tỷ đồng. Toàn sàn có 105 mã tăng giá, 145 mã giảm giá và 64 mã đứng giá.
Sau nhịp tăng liên tục và mạnh mẽ, nhóm cổ phiếu ngân hàng phiên sáng nay không còn mã nào giữ được sắc xanh.
Hàng loạt mã lớn như ACB, CTG, VCB, MBB, STB, BID, EIB... giảm giá rất sâu; trong đó LPB giảm 6,9% xuống giá sàn. Trên sàn UPCOM, các mã ngân hàng cũng giảm mạnh như: PGB giảm 11,2%, SGB giảm 10%, VBB giảm 9,7%, ABB giảm 8,4%, NAB giảm 7,4%...
[Thanh khoản đạt gần 1 tỷ USD, cổ phiếu chứng khoán đồng loạt tăng trần]
Nhóm cổ phiếu chứng khoán cũng không có mã nào tăng giá, thậm chí còn giảm sàn như: BMS, BSI, IVS, AGR, CTS, ORS, SBS. Các mã lớn như: HCM, VDS, SSI, SHS, BVS, VDS, VCI, FTS có mức giảm mạnh từ 5% đến 9,4%.
Tại nhóm cổ phiếu dầu khí, sắc xanh xuất hiện khá nhiều. Theo đó, các mã PVD, PVC, OIL, BSR có mức tăng từ 3,1% đến 5,7%. Dù vậy, 2 mã vốn hóa lớn là PLX giảm 2,1% và GAS giảm 1,5%.
Các mã vốn hóa lớn như VRE, BVH, VIC, VJC, VHM tăng khá tích cực và ổn định từ đầu phiên giao dịch. Bên cạnh đó, 2 mã thuộc ngành thực phẩm và bán lẻ là VNM và PNJ tăng giá trở lại sau khi có những phiên liên tiếp giảm giá.
Về giao dịch khối ngoại, sáng nay khối này tiếp tục bán ròng 122,46 tỷ đồng trên HOSE, 12,19 tỷ đồng trên HNX. Khối này mua ròng hơn 29 tỷ đồng trên thị trường UPCOM.
Thực tế, khối ngoại đã bán ròng mạnh trên sàn chứng khoán trong thời gian dài. Tổng lượng bán ròng trong tháng 5 là 11,5 nghìn tỷ đồng, cao hơn cả mức bán ròng kỷ lục trước đó của tháng 3 là 11,45 nghìn tỷ đồng. Tổng lượng bán ròng của khối ngoại trên toàn thị trường lên tới 25,8 nghìn tỷ đồng trong 5 tháng đầu năm 2020.
Công ty cổ phần Chứng khoán SSI cho biết dù hiện tại quy mô, chất lượng thị trường đã thay đổi, tác động của dòng vốn ngoại lên thị trường cũng có thể mờ nhạt hơn, nhưng nếu xu hướng rút ròng tiếp diễn cũng sẽ là một chỉ báo đáng lưu tâm để gia tăng sự thận trọng với thị trường.
Trước phiên giao dịch sáng nay, SSI cũng thể hiện quan điểm thận trọng khi cho rằng, chỉ số VN-Index và chỉ số VN30 đã tăng 23,59% và 40,5% nếu tính từ đầu năm có thể sẽ kích hoạt mạnh cung chốt lời trong ngắn hạn khi các chỉ số tiếp tục tiến lên vùng điểm số cao hơn.
“Nhà đầu tư nên ưu tiên bảo toàn lợi nhuận trong quá trình chỉ số VN - Index hướng về vùng 1.400 điểm và quay lại tìm cơ hội ở vùng hỗ trợ gần là 1.350 điểm và xa hơn là 1.300 điểm khi có điều chỉnh diễn ra,” SSI khuyến nghị.
Về diễn biến các thị trường chứng khoán trên thế giới, trong phiên giao dịch sáng 7/6, thị trường chứng khoán châu Á biến động trái chiều.
Tại Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 tăng 257,98 điểm lên 29.199,50 điểm, khi các nhà đầu tư tỏ ra "hoan hỉ" trước đà tăng trong tuần trước trên Phố Wall.
Trong khi đó, tại Trung Quốc, chỉ số Hang Seng của thị trường Hong Kong giảm 233,93 điểm xuống 28.684,17 điểm, sau khi Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen phát biểu rằng, Tổng thống Mỹ Joe Biden nên thúc đẩy kế hoạch chi tiêu trị giá 4.000 tỷ USD ngay cả khi kế hoạch này gây ra lạm phát và có thể thúc đẩy Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất.
Cùng đà giảm, chỉ số Shanghai Composite của thị trường Thượng Hải mất 1,34 điểm xuống 3.590,50 điểm./.