Chứng khoán sáng 13/5 vẫn giảm điểm do hạ lãi suất điều hành

VN-Index có thời điểm giảm mạnh nhất tới hơn 20 điểm, tuy nhiên lực cầu bắt đáy xuất hiện giúp thị trường hồi phục trở lại và đến gần cuối phiên giao dịch chỉ số này lấy lại sắc xanh.
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Dù đón nhận thông tin tích cực từ việc Ngân hàng Nhà nước hạ lãi suất điều hành, nhưng sau 6 phiên tăng điểm liên tiếp, thị trường chứng khoán Việt Nam đối diện với áp lực chốt lời tăng mạnh của giới đầu tư.

Thị trường giảm mạnh ngay khi mở cửa phiên giao dịch sáng 13/5.

Theo đó, VN-Index có thời điểm giảm mạnh nhất tới hơn 20 điểm, tuy nhiên lực cầu bắt đáy xuất hiện giúp thị trường hồi phục trở lại và đến gần cuối phiên giao dịch chỉ số này lấy lại sắc xanh. Dù vậy, sau đó lực bán lại gia tăng mạnh khiến VN-Index giảm nhẹ.

Kết thúc phiên giao dịch sáng 13/5, VN-Index giảm 1,89 điểm (0,23%) xuống 833,43 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 223,7 triệu đơn vị, tương ứng giá trị gần 3.837 tỷ đồng. Toàn sàn có 192 mã tăng giá, 65 mã đứng giá và 138 mã giảm giá.

HNX-Index tăng nhẹ 0,12 điểm (0,11%) lên mức 111,9 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 37,2 triệu đơn vị, tương ứng giá trị hơn 341 tỷ đồng. Toàn sàn có 63 mã tăng giá, 59 mã đứng giá và 58 mã giảm giá.

Trong rổ cổ phiếu VN30 có 10 mã tăng giá, trong khi có tới 16 mã giảm giá. Theo đó, nhóm cổ phiếu họ Vingroup là tác nhân lớn khiến VN-Index giảm điểm. Cụ thể, VIC giảm tới 2,6%, VHM giảm 1,9% và VRE giảm 1,8%.

Bên cạnh đó, cổ phiếu vốn hóa lớn ngành hàng không là VJC giảm 2,1%, cổ phiếu vốn hóa lớn nhất ngành chứng khoán là SSI giảm 1,4%. Ngoài ra, các mã SAB, MSN, MWG, NVL... đều ở chiều giảm giá.

Ở chiều tăng giá có cổ phiếu vốn hóa lớn nhất ngành mía đường là SBT tăng tới 3,4%, cổ phiếu đầu ngành bảo hiểm là BVH cũng tăng 3,4%, cổ phiếu vốn hóa lớn nhất ngành vàng là PNJ tăng 1,6%, cổ phiếu đầu ngành thép HPG tăng 1,3%...

[15 triệu cổ phiếu Trung Đô được giao dịch trên UpCOM từ ngày 12/5]

Cổ phiếu ngành dầu khí hồi phục ngoạn mục khi chuyển từ màu đỏ sang xanh. Theo đó, PVC tăng 1,9%, PVB tăng 1,4%, PVS tăng 0,8%, PLX tăng  0,9% và PVD tăng 0,5%.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng diễn biến phân hóa với sắc xanh đỏ đan xen. Ở chiều tăng giá có VIB, SHB, MBB, TPB, LPB, STB... Trong khi ở chiều giảm giá có VPB, VCB, NVB, CTG...

Trước đó, nhận định về diễn biến thị trường ngày 13/5, Công ty cổ phần Chứng khoán BVS-BVSC dự báo VN-Index sẽ tiếp tục có các nhịp rung lắc, điều chỉnh đan xen trên đường hướng đến thử thách vùng kháng cự mạnh 860-880 điểm trong những phiên kế tiếp.

Việc khối ngoại mua ròng trở lại trong phiên 12/5 cùng với việc Ngân hàng Nhà nước thực hiện giảm một loạt các lãi suất điều hành áp dụng từ ngày 13/5 là các yếu tố hỗ trợ tâm lý nhà đầu tư và có thể sẽ giúp thị trường tiếp tục có diễn biến khởi sắc trong ngắn hạn.

Dù vậy, việc các doanh nghiệp có thể phải điều chỉnh kế hoạch kinh doanh năm nay do bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 và kết quả kinh doanh quý 2 không như kỳ vọng sẽ là các yếu tố khiến các nhóm cổ phiếu trên thị trường rơi vào trạng thái phân hóa mạnh.

Ngày 13/5, theo quyết định số 918/QĐ-NHNN của Ngân hàng Nhà nước, lãi suất tái cấp vốn giảm từ 5,0%/năm xuống 4,5%/năm; lãi suất tái chiết khấu giảm từ 3,5%/năm xuống 3%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước với các ngân hàng giảm từ 6%/năm xuống 5,5%/năm.

Lãi suất chào mua giấy tờ có giá qua nghiệp vụ thị trường mở từ 3,5%/năm xuống 3%/năm.

(Ảnh minh họa: PV/Vietnam+)

Với quyết định số 919/QĐ-NHNN về mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng đồng Việt Nam của tổ chức, cá nhân tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo quy định tại Thông tư số 07/2014/TT-NHNN ngày 17/3/2014, lãi suất tối đa đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng giảm từ 0,5%/năm xuống 0,2%/năm; lãi suất tối đa đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 đến dưới 6 tháng giảm từ 4,75%/năm xuống 4,25%/năm; lãi suất tối đa đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 đến dưới 6 tháng tại Quỹ Tín dụng nhân dân), tổ chức tài chính vi mô giảm từ 5,25%/năm xuống 4,75%/năm.

Quyết định số 920/QĐ-NHNN về mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng Việt Nam đồng của tổ chức tín dụng đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế theo quy định tại Thông tư số 39/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 giảm từ 5,5%/năm xuống 5%/năm; lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của Quỹ Tín dụng nhân dân và tổ chức tài chính vi mô đối với các nhu cầu vốn này giảm từ 6,5%/năm xuống 6%/năm.

Trong phiên giao dịch ngày 12/5, thị trường Phố Wall giảm mạnh với chỉ số Nasdaq Composite chấm dứt chuỗi tăng trong sáu phiên liên tiếp, khi một nhà khoa học hàng đầu của Mỹ cảnh báo không nên dỡ bỏ lệnh phong tỏa và mở cửa trở lại nền kinh tế quá nhanh.

Kết thúc phiên này, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 1,9%, xuống 23.764,78 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 2,1%, xuống 2.870,12 điểm. Còn chỉ số công nghệ Nasdaq Composite giảm 2,1%, xuống 9.002,55 điểm.

Giới phân tích cho rằng, cảnh báo về việc mở cửa trở lại nền kinh tế của chuyên gia dịch bệnh truyền nhiễm Anthony Fauci trước Quốc hội Mỹ có thể là một yếu tố đẩy lùi thị trường chứng khoán Mỹ. Bên cạnh đó, lợi nhuận doanh nghiệp yếu kém và căng thẳng gia tăng trong quan hệ Mỹ-Trung cũng là những nhân tố tác động xấu tới các thị trường.

Phát biểu trước Quốc hội Mỹ, ông Fauci đưa ra thông điệp thận trọng về đại dịch COVID-19, trái ngược với những phát biểu của Tổng thống Mỹ Donald Trump, người thúc giục các bước đi nhanh chóng để kích thích nền kinh tế bị tàn phá.

Chuyên gia y tế này cho rằng chính quyền liên bang cần xây dựng các hướng dẫn về cách mở cửa lại hoạt động một cách an toàn.

Chuyên gia phân tích Edward Moya tại công ty giao dịch tiền tệ trực tuyến Oanda nhận định xu hướng mở cửa lại thị trường tiếp tục diễn ra, nhưng nỗi lo về đợt bùng phát dịch COVID-19 thứ hai vẫn còn rất cao./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục