Chứng khoán ngày 24/5: VN-Index đảo chiều tăng gần 15 điểm cuối phiên

Chốt phiên giao dịch ngày 24/5, VN-Index tăng 14,57 điểm lên 1.233,38 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 528,4 triệu đơn vị, tương ứng gần 13.416 tỷ đồng. Toàn sàn có 224 mã tăng giá, 210 mã giảm giá.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Vietnam+)

Lực cầu tăng mạnh trong phiên ATC (giao dịch tại giá đóng cửa) bất ngờ giúp VN-Index đang chìm trong sắc đỏ đảo chiều tăng gần 15 điểm. Nhiều mã cổ phiếu cũng đổi màu từ đỏ thành xanh trong sự "ngỡ ngàng" của nhà đầu tư.

Điểm tích cực nữa là khối ngoại đã trở lại mua ròng sau phiên bán ròng mạnh hôm qua. Cụ thể, khối này mua ròng 191,66 tỷ đồng trên HOSE; 3,13 tỷ đồng trên HNX và 28,77 tỷ đồng trên UPCOM.

Quan sát diễn biến giao dịch có thể thấy, các cổ phiếu vốn hóa lớn là động lực tăng của chỉ số VN-Index và HNX-Index.

Tại sàn Thành phố Hồ Chí Minh, rổ VN30 có tới 26 mã tăng, trong khi chỉ có 4 mã giảm. Ở chiều tăng giá, STB tăng tới 6,9% lên giá trần. Các mã khác như SSI tăng 6%, MSN tăng 4,3%, VNM tăng 3,9%, PNJ tăng 3,3%...

Ở chiều giảm giá , đáng chú ý, HPG giảm tới 5%. Cổ phiếu HPG giảm mạnh sau phát biểu tại đại hội cổ đông thường niên của Tập đoàn Hòa Phát diễn ra sáng 24/5.

Chủ tịch Trần Đình Long cho biết hoạt động ngành thép năm 2022 có nhiều khó khăn. “Quý vị cứ đợi kết quả kinh doanh quý 2, quý 3, quý 4 đi rồi sẽ thấy rõ là lúc này ngành thép đang không thuận lợi. Đợi hai tháng nữa sẽ có kết quả kinh doanh quý II, cổ đông sẽ thấy tình hình thê thảm thế nào,” Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát nói.

[VN-Index giảm gần 22 điểm, vốn hóa sàn HOSE bốc hơi 87.090 tỷ đồng]

Theo ông Trần Đình Long, nguyên nhân thứ nhất là giá nguyên vật liệu tăng mạnh do căng thẳng Nga-Ukraine làm giá than luyện cốc tăng 100-200 USD/tấn. Nguyên nhân thứ hai là chính sách “Zero COVID” của Trung Quốc khiến cho nhu cầu thép giảm. Khi căng thẳng Nga-Ukraine, nhiều người cho rằng ngành thép Việt Nam sẽ hưởng lợi từ việc bớt đi hai đối thủ cạnh tranh do Nga và Ukraine đều là những nhà sản xuất thép lớn. Tuy nhiên, thực tế không phải “màu hồng” và dù vậy, ông Trần Đình Long vẫn khẳng định, trong bất cứ hoàn cảnh nào Hòa Phát cũng luôn có kết quả tốt nhất ngành thép, hơn tất cả doanh nghiệp khác.

Trở lại diễn biến thị trường, chỉ số HNX-Index cũng diễn biến khá tương đồng với VN-Index. Đà tăng của HNX- Index là nhờ vào các mã cổ phiếu vốn hóa lớn trên sàn này.

Cụ thể, tại sàn Hà Nội, rổ cổ phiếu HNX30 cũng có tới 17 mã tăng, trong khi có 11 mã giảm. Các mã tăng mạnh như: CEO tăng kịch trần, L14 tăng 5,9%, SHS tăng 5,6%, IDI tăng 5,1%, MBS tăng 4,7%.

Về diễn biến các nhóm cổ phiếu, cổ phiếu trụ cột ngân hàng phiên hôm nay bứt phá mạnh, có tới 20/27 mã cổ phiếu ngành ngân hàng tăng giá, trong khi chỉ có 6 mã giảm giá và 1 mã đứng ở tham chiếu.

Cùng với nhóm ngân hàng, nhóm cổ phiếu chứng khoán cũng diễn biến tích cực. Hầu hết các mã trụ cột ngành chứng khoán đều tăng mạnh như: SSI, SHS, MBS, VND, BVS, HCM, CTS…

Ở chiều tiêu cực, nhóm cổ phiếu dầu khí chìm trong sắc đỏ khi không còn mã nào ở chiều tăng giá. Cùng đó, các nhóm xây dựng và vật liệu, du lịch và giải trí, tài nguyên cơ bản… cũng ở chiều hướng giảm.

Chốt phiên giao dịch ngày 24/5, VN-Index tăng 14,57 điểm lên 1.233,38 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 528,4 triệu đơn vị, tương ứng gần 13.416 tỷ đồng. Toàn sàn có 224 mã tăng giá, 210 mã giảm giá và 67 mã đứng giá.

HNX-Index tăng 5,3 điểm lên 305,96 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 79,1 triệu đơn vị, tương ứng hơn 1.712,3 tỷ đồng. Toàn sàn có 95 mã tăng giá, 97 mã giảm giá và 60 mã đứng giá.

UPCOM-Index giảm 0,51 điểm xuống 93,12 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 55,57 triệu đơn vị, tương ứng hơn 1.001,6 tỷ đồng. Toàn sàn có 101 mã tăng giá, 158 mã giảm giá và 69 mã đứng giá./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục