Chứng khoán Mỹ và châu Âu đều giảm trong phiên ngày 13/2, trong khi đồng USD tăng lên giữa lúc số liệu cho thấy lạm phát của Mỹ tăng chậm lại ít hơn kỳ vọng trong tháng 1/2024, làm giảm khả năng về một đợt cắt giảm lãi suất sớm.
Tại New York, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 1,4% xuống 38.272,75 điểm, chỉ số S&P 500 giảm 1,4% xuống 4.953,17 điểm, còn chỉ số công nghệ Nasdaq Composite giảm 1,8% xuống 15.655,60 điểm.
Tại châu Âu, chỉ số FTSE 100 của London giảm 0,8% xuống 7.512,28 điểm, chỉ số CAC 40 của Paris giảm 0,8% xuống 7.625,31 điểm, còn chỉ số DAX 30 trên sàn Frankfurt giảm 0,9% xuống 16.880,83 điểm. Chỉ số tổng hợp EURO STOXX 50 giảm 1,2% xuống 4.689,28 điểm.
Bộ Lao động Mỹ cho biết Chỉ số giá tiêu dùng (CPI), được theo dõi sát sao, đã tăng 3,1% so với một năm trước trong tháng 1/2024, giảm so với mức 3,4% trong tháng 12/2023. Tuy nhiên, các nhà phân tích đã dự đoán con số này có thể giảm xuống dưới mức 3%.
Trong khi đó, CPI lõi, không tính giá năng lượng và thực phẩm dễ biến động ổn định với mức 3,9%. Đây là chỉ số được các nhà hoạch định chính sách quan tâm hơn.
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã đánh tín hiệu rằng ngân hàng này có thể bắt đầu cắt giảm lãi suất vào cuối năm nay, song các quan chức Fed vẫn tiếp tục tập trung vào mục tiêu lạm phát 2%.
Lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ tăng khi các thị trường kỳ hạn chuyển hướng đặt cược Fed sẽ cắt giảm lãi suất vào tháng 3 và 5/2024.
Nhà phân tích Bret Kenwell của eToro cho biết, báo cáo lạm phát tháng 1/2024 rất được chú ý và điều đó có khả năng khiến các nhà đầu tư lo sợ sau đợt tăng lớn trong vài tháng qua.
Thị trường chứng khoán đã được đẩy lên các mức cao mới trong những tháng gần đây khi các nhà đầu tư dự đoán lãi suất sẽ giảm.
Tuy nhiên, các chỉ số của Phố Wall đã chìm trong sắc đỏ cả ngày, khi các nhà đầu tư dường như đang sử dụng dữ liệu lạm phát như một cơ hội để chốt lời. Cả ba chỉ số chính đều giảm hơn 1%.
Chuyên gia Maris Ogg của Tower Bridge Advisors nhận xét báo cáo lạm phát chỉ làm kéo dài toàn bộ quá trình. Bà không thấy có nguyên nhân nào khiến nền kinh tế không tiếp tục hoạt động tốt.
Tại châu Á, hầu hết khu vực đã trở lại làm việc sau kỳ nghỉ cuối tuần dài. Chứng khoán Tokyo dẫn đầu đà tăng nhờ cổ phiếu của tập đoàn đầu tư Nhật Bản SoftBank tăng vọt, theo sau sự bùng nổ của cổ phiếu của nhà thiết kế chip niêm yết tại Mỹ - Arm.
Cổ phiếu của Arm đã tăng gần gấp đôi giá trị trong tuần qua và tăng gấp ba kể từ khi niêm yết vào tháng 9/2023, nhờ nhu cầu lớn về chất bán dẫn được thúc đẩy bởi sự bùng nổ của Trí tuệ Nhân tạo.
Đồng USD cũng tăng cao hơn so với đồng euro và các loại tiền tệ khác sau dữ liệu CPI.
Thị trường Việt Nam đóng cửa nghỉ Tết Nguyên đán./.
Nhiều thị trường chứng khoán châu Á tăng mạnh trong ngày đầu mở cửa sau nghỉ lễ
Một số thị trường chứng khoán châu Á như Hàn Quốc, Nhật Bản tăng mạnh trong phiên 13/2, khi sự chú ý đang được hướng tới số liệu lạm phát của Mỹ sẽ được công bố trong ngày.