Chứng khoán Mỹ thăng hoa bất chấp căng thẳng ở Ukraine

Thị trường chứng khoán Mỹ đã khép lại tháng Hai trong xu thế tích cực, bất chấp số liệu kinh tế yếu kém và căng thẳng tại Ukraine.
 Chứng khoán Mỹ thăng hoa bất chấp căng thẳng ở Ukraine ảnh 1Tại sàn giao dịch cổ phiếu New York. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Thị trường chứng khoán Mỹ đã khép lại tháng Hai trong xu thế tích cực, với chỉ số S&P 500 thiết lập kỷ lục mới trong khi tâm lý nhà đầu tư khá hưng phấn, bất chấp những số liệu kinh tế yếu kém gần đây và căng thẳng đang tiếp tục gia tăng tại Ukraine.

"Ngôi sao sáng" trong tuần qua là chỉ số S&P 500 khi liên tiếp trong hai phiên cuối tuần (27-28/2) leo lên các kỷ lục đỉnh cao mới. Đóng cửa phiên cuối tuần, chỉ số này tăng mạnh 1,26% lên 1.859,45 điểm.

Tương tự, Dow Jones Industrial Average cũng tăng 218,41 điểm (1,36%) lên 16.321,71 điểm, trong khi chỉ số Nasdaq Composite tăng 1,05% lên 4.308,12 điểm.

Tính chung cả tháng, chỉ số Dow tăng được 3,97%, mức tăng lớn nhất theo tháng kể từ tháng 1/2013 tới nay, trong khi S&P 500 tăng 4,31% và Nasdaq tăng 4,98%.

Các nhà đầu tư đã hào hứng trở lại thị trường trong tháng Hai vừa qua, sau khi Dow Jones sụt giảm mạnh trong cả tháng Một, để mất tới 5,3% trong cả tháng.

Scott Wren, chiến lược gia cấp cao về chứng khoán tại Wells Fargo Advisors, nhận xét tâm lý nhà đầu tư hiện khá tích cực. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là một khi thị trường trở nên quá hứng phấn, các cổ phiếu sẽ được định giá quá cao và hai yếu tố này kết hợp với nhau thường là tín hiệu cho thấy đà tăng chuẩn bị chấm dứt.

Trong khi đó, nhận định về thị trường tuần qua, chủ tịch Meeschaert Capital Markets tại New York, Gregori Volokhine, cho rằng đà đi lên phản ánh cơn khát cổ phiếu mạnh mẽ của nhà đầu tư, bất chấp căng thẳng gia tăng tại Ukraine.

Ông Volokhine mô tả tình thế tại Ukraine như một "thùng thuốc súng địa chính trị" bởi khả năng Mỹ có thể sẽ có "hành động kinh tế" đối với nước Nga. "Những căng thẳng lớn như vậy không bao giờ là tốt cho thị trường chứng khoán," ông nói.

Ngoài vấn đề Ukraine, nhà đầu tư còn phớt lờ cả những số liệu kinh tế phần lớn gây thất vọng thời gian gần đây, trong đó có sự điều chỉnh giảm khá lớn của Bộ Thương mại Mỹ về tăng trưởng GDP quý IV/2013, từ mức 3,2% xuống còn 2,4%.

Lý do, theo các nhà phân tích, là do nhà đầu tư cho rằng thời tiết khắc nghiệt bất thường vừa qua tại Mỹ đã ảnh hưởng tiêu cực đến các hoạt động kinh tế. Điều này cũng được chính Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed, Ngân hàng trung ương) Janet Yellen tái khẳng định trong phiên điều trần trước Ủy ban Thượng viện Mỹ mới đây (ngày 27/2), khi bà nhấn mạnh rằng "thời tiết giá lạnh bất thường đã ảnh hưởng phần nào" tới nhiều số liệu kinh tế yếu kém trong vòng 4-6 tuần gần đây.

Nhận định thời tiết khắc nghiệt đã ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động kinh tế, bà Yellen cũng đồng thời nhấn mạnh rằng Fed vẫn luôn theo dõi sát sao những tín hiệu phản ánh những biến động trong bức tranh tăng trưởng để có kế hoạch điều chỉnh chương trình cắt giảm gói kích thích kinh tế khi cần.

Những ám chỉ về khả năng điều chỉnh linh hoạt đối với gói kích thích kinh tế QE3 của bà Yellen, cùng thông điệp mạnh mẽ của bà rằng thất nghiệp luôn là một vấn đề lớn, cho thấy có vẻ như Fed đang "lung lay" trước kế hoạch cắt giảm gói QE3 mà họ đã rất quyết tâm thực hiện trong một vài tháng trước đây.

Nhận định của bà Yellen đã làm "bệ phóng" cho hai chỉ số chủ chốt của chứng khoán Mỹ là S&P 500 và Nasdaq leo lên các mức cao kỷ lục mới trong hai phiên 27 và 28/2, trong khi trên thị trường tiền tệ, nhà đầu tư bắt đầu bán ra đồng bạc xanh trước khả năng chương trình mua trái phiếu của Fed có thể sẽ được tiếp tục kéo dài hơn.

Với mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý IV/2013 đã đến "hồi kết," trong tuần tới, nhà đầu tư sẽ chủ yếu đón nhận các chỉ số về kinh tế, trong đó có thông tin về cán cân thương mại, chi tiêu cho xây dựng và báo cáo về thị trường việc làm tháng Hai./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục