Trong phiên giao dịch 15/1, chứng khoán Mỹ đồng loạt đi lên nhờ báo cáo lợi nhuận khả quan của các ngân hàng Mỹ và dữ liệu lạm phát tích cực từ Mỹ và Anh.
Chốt phiên này, chỉ số công nghiệp Dow Jones đã tăng 703,27 điểm (1,65%) lên 43.221,55 điểm; chỉ số S&P 500 tăng 107,00 điểm (1,83%) lên 5.949,91 điểm và chỉ số công nghệ Nasdaq Composite tăng 466,84 điểm (2,45%) lên 19.511,23 điểm.
Ba chỉ số chính của Phố Wall đóng cửa tăng mạnh sau khi các tập đoàn tài chính Goldman Sachs, JPMorgan Chase, BlackRock và các ngân hàng khác công bố kết quả kinh doanh quý khả quan.
Dữ liệu mới được công bố trước đó cho thấy lạm phát toàn phần tại Mỹ đã tăng tốc trong 12 tháng tính đến tháng 12/2024. Tuy nhiên, khi loại bỏ các yếu tố giá thực phẩm và năng lượng dễ biến động, lạm phát giảm nhẹ giúp củng cố niềm tin trên thị trường.
Ông Angelo Kourkafas, chuyên gia phân tích tại công ty dịch vụ tài chính Edward Jones, cho rằng dữ liệu lạm phát đã giúp các nhà giao dịch “thở phào” và thị trường đã phản ứng tích cực trước việc chỉ số lạm phát cơ bản giảm xuống.
Bà Kathleen Brooks, Giám đốc nghiên cứu tại nền tảng giao dịch XTB, nhận định Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) thường xem xét chặt chẽ lạm phát cơ bản để đưa ra các quyết định về lãi suất.
Bà cho rằng Fed có thể lựa chọn bỏ qua tình trạng tăng giá của các mặt hàng dễ biến động và tập trung vào lạm phát cơ bản. Các nhà phân tích đã giảm bớt dự đoán về số lần Fed sẽ cắt giảm lãi suất trong năm nay và dự báo các nhà hoạch định chính sách sẽ giữ lãi suất ổn định tại cuộc họp tiếp theo vào cuối tháng này, khi lạm phát vẫn còn trên mục tiêu 2%.
Tại Anh, các số liệu chính thức cho thấy lạm phát đã giảm xuống 2,5% trong tháng 12/2024 giúp giảm bớt một số sức ép lên chính phủ khi họ đang phải vật lộn để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Đồng bảng Anh đã tăng giá so với đồng USD khi các nhà phân tích dự báo rằng Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) có thể sẽ cắt giảm lãi suất cơ bản vào tháng tới.
Trong một báo cáo riêng, dữ liệu chính thức cho thấy Đức - nền kinh tế lớn nhất châu Âu, đã suy giảm trong năm thứ hai liên tiếp vào năm 2024 với rất ít hy vọng về sự phục hồi mạnh mẽ trước cuộc bầu cử quốc gia vào tháng tới.
Tại Việt Nam, đóng cửa phiên 15/1 chỉ số VN-Index tăng 7,11 điểm (0,58%) lên mức 1.236,18 điểm, HNX-Index tăng 1,28 điểm (0,58%) lên 219,55 điểm./.
Chứng khoán Mỹ đối mặt thử thách sau thời gian "trăng mật" hậu bầu cử
Thị trường chứng khoán Phố Wall bắt suy giảm từ đầu năm 2025, với sự suy yếu bắt nguồn từ triển vọng kinh tế xấu đi, định giá cổ phiếu cao và những lo ngại về kế hoạch cắt giảm lãi suất của Fed.