Chứng khoán Mỹ 'mắc kẹt' giữa những tín hiệu kinh tế và lãi suất trái chiều

Chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 22,07 điểm, chỉ số tổng hợp S&P 500 ngược lại mất 11,09 điểm, còn chỉ số công nghệ Nasdaq Composite giảm 81,87 điểm.

Giao dịch viên tại Sàn chứng khoán New York, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Giao dịch viên tại Sàn chứng khoán New York, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Chứng khoán Mỹ đã có một phiên dao động mạnh vào ngày 18/4, khi các nhà đầu tư mắc kẹt giữa những dấu hiệu về một nền kinh tế mạnh mẽ và chính sách hạn chế của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).

Tại Phố Wall, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 22,07 điểm (tương đương 0,06%) lên 37.775,38 điểm. Chỉ số tổng hợp S&P 500 ngược lại mất 11,09 điểm (0,22%) xuống 5.011,12 điểm và chỉ số công nghệ Nasdaq Composite giảm 81,87 điểm (0,52%) xuống 15.601,50 điểm.

Ngược lại với chứng khoán Mỹ, chứng khoán châu Âu kết thúc ổn định hơn khi kết quả kinh doanh của doanh nghiệp lạc quan đã nâng đỡ thị trường, lấn át những bất ổn xung quanh căng thẳng địa chính trị và thời điểm cắt giảm lãi suất của ngân hàng trung ương.

Cụ thể, chỉ số FTSE 100 tại London (Vương quốc Anh) tăng 0,4% lên 7.877,05 điểm, chỉ số DAX 30 trên sàn Frankfurt (Đức) tiến 0,4% lên 17.837,40 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Paris (Pháp) cũng ghi thêm 0,5% và đạt mức 8.023,26 điểm. Chỉ số tổng hợp EURO STOXX 50 phiên này cũng tăng 0,5% và khép phiên ở mức 4.936,57 điểm.

Ông Oliver Pursche, Phó chủ tịch cấp cao của công ty môi giới tài chính Wealthspire Advisors, cho biết các thị trường vẫn đang điều chỉnh sau các tín hiệu chính sách của Fed, cũng như xem xét liệu ngân hàng trung ương này có cắt giảm lãi suất trong năm nay hay không.

Vào cùng ngày 18/4, Chủ tịch Fed chi nhánh New York, ông John Williams, đã đề cập đến sức mạnh của nền kinh tế và cho hay hiện không có lý do thuyết phục nào để Fed cắt giảm lãi suất. Phát biểu này theo sau một động thái của Chủ tịch Fed Jerome Powell, người vào ngày 16/4 đã từ chối đưa ra hướng dẫn về thời điểm có thể hạ lãi suất.

Các số liệu mới nhất đã vẽ nên một bức tranh hỗn hợp cho kinh tế Mỹ, với tỷ lệ thất nghiệp thấp và sản lượng nhà máy vững chắc nhưng doanh số bán nhà lại yếu hơn dự kiến.

Theo chuyên gia Pursche, nếu bốn tháng trước có tin đồn Fed sẽ không hạ lãi suất vào năm 2024, phản ứng thị trường có thể sẽ tạo ra một đợt bán tháo cổ phiếu ồ ạt. Nhưng hiện tại, điều này không gây quá nhiều sóng gió. Lý do là vì thu nhập doanh nghiệp có vẻ tốt, nền kinh tế đang tiếp tục hoạt động tốt và lạm phát tiếp tục hạ nhiệt mặc dù diễn biến không đồng đều.

Hiện thị trường dự kiến Fed sẽ thực hiện đợt cắt giảm lãi suất đầu tiên vào tháng 9/2024 và rồi có thể cắt giảm thêm một lần nữa trong năm nay.Thị trường Việt Nam đóng cửa nghỉ lễ trong phiên này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục