Sau đà tăng của chứng khoán Mỹ đêm trước, sáng 23/4, thị trường chứng khoán châu Á tiếp tục biến động trái chiều.
Tại Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 mở cửa tăng 91,64 điểm (0,64%) lên 14.480,41 điểm. Chuyên gia Hiroichi Nishi thuộc SMBC Nikko Securities nhận định chỉ số chứng khoán đã phục hồi sau đợt bán tháo phiên 22/4 và sự mạnh lên của đồng USD.
Trong phiên trước, các nhà giao dịch tại thị trường Nhật Bản đã thúc đẩy hoạt động bán ra, trước đồn đoán Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) sẽ không thực hiện thêm bất kỳ biện pháp nới lỏng tiền tệ nào vào cuộc họp hôm 30/4 tới.
Trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ có chuyến thăm tới Nhật Bản vào cuối ngày 23/4, thị trường đang chờ đợi những đề cập của các nhà lãnh đạo hai bên về tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc và Nhật Bản.
Đầu phiên này, tại Trung Quốc, chỉ số Shanghai Composite giảm 6,05 điểm (0,29%) xuống 2.066,78 điểm, bất chấp thông tin lạc quan về hoạt động chế tạo trong tháng Tư.
Ngân hàng HSBC cho biết chỉ số quản lý sức mua (PMI) của Trung Quốc tăng từ 48 điểm trong tháng Ba lên 48,3 điểm trong tháng Tư. Trong khi đó, tại Hong Kong, chỉ số Hang Seng tăng 124,58 điểm (0,55%) lên 22.855,26 điểm.
Đêm trước, tại Mỹ, báo cáo kinh doanh lạc quan và những thỏa thuận lớn trong lĩnh vực dược phẩm đã đẩy các chỉ số chứng khoán đi lên, với chỉ số S&P 500 và Nasdaq Composite tăng phiên thứ sáu liên tiếp.
Chốt phiên này, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 65,12 điểm (0,40%) lên 16.514,37 điểm, ghi dấu phiên tăng thứ ba liên tiếp; chỉ số S&P 500 tăng 7,66 điểm (0,41%) lên 1.879,55 điểm; còn chỉ số Nasdaq tăng 39,91 điểm (0,97%) lên 4.161,46 điểm.
Theo các nhà giao dịch, một loạt thỏa thuận giữa các tập đoàn dược phẩm lớn gồm Novartis, GlaxoSmithKline và Eli Lilly, cộng thêm những báo cáo lợi nhuận tăng mạnh của Comcast, Lockheed Martin, Netflix, Travelers, Xerox và một số hãng khác đã tạo đà đi lên cho chứng khoán Mỹ.
Chuyên gia David Levy, thuộc Kenjol Capital Management, nhận định các nhà giao dịch tỏ ra lạc quan về triển vọng của thị trường chứng khoán./.