Chứng khoán Mỹ khép lại một tuần giao dịch u ám

Chứng khoán Mỹ đã khép lại tuần giao dịch u ám, bị che phủ bởi bóng đen khủng hoảng nợ công châu Âu, và những lo ngại về kinh tế Mỹ.
Sau hai tuần đi lên liên tiếp, chứng khoán Mỹ tuần qua đã khép lại một tuần giao dịch đầy u ám, bị che phủ bởi bóng đen của cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu cùng những lo ngại về việc liệu nền kinh tế Mỹ có duy trì được mức tăng trưởng đủ mạnh trong quý cuối cùng của năm để lấy đà bước sang năm mới 2012 hay không.

Phố Wall đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần ngày 16/12 với những biến động trái chiều, thị trường không đủ sức để kéo dài đà đi lên mạnh mẽ của phiên hôm trước (15/12) - cũng là phiên đã kết thúc 3 ngày liền "đỏ lửa" trước đó.

Tính chung trong cả tuần, chỉ số công nghiệp Dow Jones mất 317,87 điểm (2,61%) xuống 11.866,39 điểm. Chỉ số công nghệ Nasdaq Composite giảm 91,52 điểm (3,46%) về 2.555,33 điểm và chỉ số S&P 500 mất 35,53 điểm (2,83%) lùi về 1.219,66 điểm.

Cả ba chỉ số chính của chứng khoán Mỹ đều bị mất điểm trong 3 phiên đầu tuần trong bối cảnh các nhà đầu tư không còn hồ hởi với kết quả của hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) kết thúc vào cuối tuần trước trước nữa, mà ngược lại, càng thêm lo lắng rằng không biết các thỏa thuận mà các nhà lãnh đạo EU đạt được tại hội nghị này có đủ để giải quyết được cuộc khủng hoảng nợ kéo dài và hết sức trầm trọng của khu vực hay không.

Tại hội nghị thượng đỉnh EU, 26 trong số 27 thành viên của EU, trừ Anh, đã đồng thuận về một liên minh tài khóa chặt chẽ hơn trong tương lai. Tuy nhiên, để thực thi điều đó là cả một chặng đường dài và gian khó. Các nhà phân tích cho rằng, châu Âu sẽ còn phải tiếp tục trấn an các nhà đầu tư và các thị trường chứng khoán của khu vực này cần phải tăng mạnh hơn nữa để khiến giới đầu tư có thể hy vọng là ít nhất thì một giải pháp bình ổn nào đó cũng đang được thưc thi, còn nếu các thị trường chứng khoán vẫn chỉ xuống đều thì chắc chắn là những hy vọng đó cũng sẽ tiêu tan.

Theo một số nhà phân tích, một con "sóng tăng đón ông già Noel" có thể sẽ đến sớm hơn một chút trên Phố Wall và giới giao dịch hy vọng rằng xu hướng tăng sẽ được tái thiết lập khi năm cũ 2011 kết thúc và năm mới 2012 bắt đầu.

Tuy nhiên, vẫn còn những lo ngại rằng, hãng xếp hạng tín dụng Standard & Poor's, sau khi cảnh báo vào tuần trước về khả năng hạ bậc xếp hạng của một loạt nước trong khu vực Eurozone, thì trong những ngày tới có thể sẽ "ra tay" nếu cho rằng những cam kết về những quy định ngân sách mới mà cuộc họp thượng đỉnh trên đã đạt được là quá yếu.

Trong một nghiên cứu mới nhất, các chuyên gia phân tích của trang mạng Briefing.com cho rằng "những lo ngại vẫn tiếp tục xoay quanh châu Âu khi các hãng xếp hạng tín dụng đã cảnh báo về khả năng hạ thêm bậc tín dụng của các nươc trong khu vực sau khi hội nghị thượng đỉnh EU vào cuối tuần trước nữa đã không đáp ứng được kỳ vọng của thị trường và giới đầu tư."

Trong phiên cuối tuần 16/12, thị trường đón nhận thông tin hãng Fitch Ratings đã chuyển mức xếp hạng cao nhất 3 chữ A của Pháp xuống vùng tiêu cực với cảnh báo rằng hãng này sẽ sớm hạ bậc xếp hạng của 6 nước Eurozone khác, trong đó có Tây Ban Nha và Italy.

Trong khi đó, hãng đối thủ của Fitch Ratings là Moody's cũng đã hạ xếp hạng tín dụng của Bỉ xuống thêm hai bậc, với lý do khó vay mượn trong các quốc gia châu Âu ngập trong nợ nần.

Tuy nhiên, những mảng màu tối trên tại châu Âu phần nào được gỡ lại bởi những gam màu sáng hơn tại nền kinh tế đầu tàu Mỹ.

Số lượng người đăng ký thất nghiệp lần đầu trong tuần trước tại Mỹ đã giảm xuống mức thấp nhất trong 3 năm qua, hoạt động công nghiệp tăng cao hơn dự kiến và chỉ số giá tiêu dùng cho thấy lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát.

Cuộc họp chính sách của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) vẫn quyết định giữ nguyên mức lãi suất thấp kỷ lục trong năm thứ ba, mặc dù một số nhà đầu tư thất vọng vì FED chưa nói gì đến gói kích thích kinh tế mới.

Chuyên gia phân tích Fred Dickson thuộc DA Davidson & Co nhận định: "nếu không có một cuộc khủng hoảng châu Âu khác trong ngắn hạn, chúng ta có quyền hy vọng giá cổ phiếu sẽ tăng từ nay cho đến hết năm."

Trong tuần tới, các nhà đầu tư sẽ được cung cấp một loạt chỉ số kinh tế để mà nghiền ngẫm, phân tích, từ thị trường nhà đất, doanh doanh số bán nhà, cho đến các đơn đặt hàng lâu bền, những tín hiệu để định hướng nền kinh tế Mỹ trong những tháng tiếp theo./.

Thùy Chi (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục