Chứng khoán Mỹ đi xuống trong phiên 14/10, kết thúc một tuần đầy biến động khi thị trường phần lớn vẫn chịu tác động từ lo ngại nguy cơ suy thoái kinh tế gia tăng.
Phiên này trên thị trường Phố Wall, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 1,3% xuống 29.634,83 điểm. Chỉ số tổng hợp S&P 500 giảm 2,4% xuống 3.583,07 điểm, trong khi chỉ số công nghệ Nasdaq giảm 3,1% xuống 10.321,39 điểm.
Cổ phiếu của JPMorgan Chase, Citigroup và Wells Fargo đều tăng và nâng đỡ các chỉ số hồi đầu phiên, sau khi báo cáo lợi nhuận vượt quá kỳ vọng của các nhà phân tích ngay cả khi họ nhấn mạnh rủi ro kinh tế ngày một lớn. Tuy nhiên, những lo ngại về lạm phát vẫn đè nặng lên tâm lý nhà đầu tư, kéo chứng khoán Mỹ đi xuống sau đó.
Mức tăng vào đầu ngày thứ Sáu đã bị xóa sổ sau khi cuộc khảo sát tâm lý người tiêu dùng của Đại học Michigan cho thấy kỳ vọng lạm phát trong năm tới tăng từ mức thấp nhất trong một năm ghi nhận hồi tháng Chín là 4,7% lên 5,1% vào tháng này. Kỳ vọng lạm phát trong 5 năm tới cũng tăng từ 2,7% lên 2,9 %.
Báo cáo cũng cảnh báo về "con đường gập ghềnh phía trước đối với người tiêu dùng" do tình hình lạm phát và tình trạng thị trường tài chính đều nhiều bất ổn.
[Chứng khoán Âu-Mỹ tăng điểm phiên 13/10 bất chấp số liệu lạm phát Mỹ]
Càng khiến thị trường lo lắng là số liệu mới công bố của Bộ Thương mại Mỹ cho thấy doanh số bán lẻ ở nước này trong tháng Chín hầu như không thay đổi so với tháng Tám, ở mức 684 tỷ USD. Giới quan sát nhận định số liệu này cho thấy lực cản đối với tiêu dùng do lạm phát phi mã.
Chỉ số lạm phát vẫn “nóng” đã thúc đẩy kỳ vọng về một đợt tăng lãi suất 75 điểm cơ bản nữa của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vào tháng 11, đồng thời cũng gia tăng khả năng Fed sẽ đưa lãi suất chính sách lên tới mức 5% chỉ trong vài tháng tới.
Nhìn chung, nỗi lo lạm phát và suy thoái kinh tế vẫn chi phối thị trường chứng khoán Mỹ trong tuần này.
Trong phiên đầu tuần 10/10, chứng khoán Mỹ đồng loạt giảm điểm, với chỉ số Nasdaq Composite giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 7/2020, khi các nhà đầu tư lo ngại về tác động của việc tăng lãi suất và bán ra cổ phiếu của các công ty sản xuất chip sau khi Mỹ thông báo các hạn chế liên quan đến Trung Quốc.
Dow Jones phiên này giảm 0,32% xuống 29.202,88 điểm. S&P 500 mất 0,75% xuống 3.612,39 điểm, còn Nasdaq Composite giảm 1,04% xuống 10.542,1 điểm.
Sang phiên 11/10, báo cáo ảm đạm từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nêu bật những rủi ro lạm đối với kinh tế toàn cầu tiếp tục tạo sức ép lên chứng khoán Mỹ. S&P 500 tiếp tục sụt mất 0,7% xuống 3.588,84 điểm, trong khi Nasdaq Composite để mất 1,1% xuống 10.426,19 điểm. Dow Jones là điểm sáng hiếm hoi khi tăng 0,1%, lên 29.239,19 điểm.
Chứng khoán Mỹ kéo dài đà giảm trong phiên 12/10, khi các nhà đầu tư chờ đợi báo cáo lạm phát tại Mỹ. Phiên này, Dow Jones giảm 0,1% xuống 29.210,85 điểm. S&P 500 giảm 0,3% xuống 3.577,03 điểm và đánh dấu phiên giảm thứ sáu liên tiếp. Nasdaq Composite cũng giảm 0,1% xuống 10.417,10 điểm.
Chứng khoán Phố Wall đã kết thúc một phiên giao dịch đầy biến động với mức tăng mạnh vào ngày 13/10 bất chấp số liệu lạm phát đáng thất vọng.
Tại New York, Dow Jones tăng 2,8% lên 30.038,72 điểm, S&P 500 tăng 2,6% lên 3.669,91 điểm, còn Nasdaq Composite tiến 2,2% lên 10.649,15 điểm. Giới quan sát cho rằng các yếu tố kỹ thuật đã nâng đỡ thị trường trong phiên này, thay vì những yếu tố thị trường cụ thể.
Với mức giảm khá sâu trong phiên 14/10, tính chung cả tuần, tuy Dow Jones vẫn tăng 1,2%, S&P 500 và Nasdaq lần lượt giảm 1,6% và 3,1%.
Ông Dave Grecsek, người phụ trách bộ phận nghiên cứu và chiến lược đầu tư của công ty quản lý đầu tư Aspiriant cho biết các số liệu mới nhất chắc chắn là điều tiêu cực đối với thị trường, đặc biệt là chỉ số niềm tin người tiêu dùng. Theo chuyên gia này, nếu kỳ vọng lạm phát tiếp tục tăng cao hơn, đó sẽ là một bước phát triển rất đáng lo ngại cho Fed.
Chuyên gia Grecsek chỉ ra rằng một khi người tiêu dùng nhận định lạm phát sẽ còn tăng thêm, tình trạng giá cao sẽ ngày một “bắt rễ” trong nền kinh tế và ảnh hưởng đến hành vi tiêu dùng. Người dân bắt đầu mua sắm nhiều hơn trong hiện tại vì họ cảm thấy giá sẽ tăng cao hơn vào ngày mai, khiến công việc của Fed trở nên khó khăn hơn rất nhiều.”
Trong khi đó, ông Alex Kuptsikevich, nhà phân tích thị trường cấp cao tại công ty môi giới ngoại hối trực tuyến FxPro cho hay các nhà đầu tư nên duy trì một mức độ thận trọng nhất định bất chấp những diễn biến gần đây. Một sự thay đổi thực sự trong xu hướng thị trường đòi hỏi sự thay đổi trong các điều kiện cơ bản - trong khi điều này hiện vẫn chưa rõ ràng.
Ông Rick Rieder, người đứng đầu bộ phận thu nhập cố định tại công ty quản lý đầu tư BlackRock, đã khuyên giới đầu tư nên cân nhắc gửi tiền của họ vào trái phiếu ngắn hạn - một quan điểm đã được huyền thoại đầu tư Ray Dalio nhắc lại gần đây.
Cùng với đó, ông Brent Schutte, chuyên gia cấp cao tại công ty quản lý tài sản Northwestern Mutual Wealth Management Co., bày tỏ lo ngại về những thiệt hại mà nguy cơ tăng lãi suất quyết liệt của Fed gây ra cho nền kinh tế Mỹ.
Ông Schutte vẫn giữ nhận định rằng kinh tế Mỹ sẽ có một cuộc suy thoái ở mức nhẹ, trừ khi Fed giảm tốc độ tăng lãi suất. Nếu ngân hàng trung ương này tiếp tục điều chỉnh lãi suất như hiện thời, họ có khả năng sẽ gây ra một cuộc suy thoái sâu hơn./.