Thị trường chứng khoán Âu-Mỹ đi ngược chiều nhau trong phiên 5/1, trong đó chứng khoán Mỹ giảm mạnh sau khi biên bản cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cho thấy ngân hàng trung ương này sẵn sàng tăng lãi suất sớm hơn dự kiến để đối phó với lạm phát gia tăng.
Trên phố Wall, ba chỉ số chính giảm mạnh, dẫn đầu là chỉ số công nghệ Nasdaq Composite giảm 3,3% xuống 15.100,17 điểm, chỉ số S&P 500 hạ 1,9% xuống 4.700,58 điểm, còn chỉ số công nghiệp Dow Jones mất 1,1% xuống 36.407,11 điểm.
Bất chấp dữ liệu cho thấy hoạt động tuyển dụng trong lĩnh vực tư nhân của Mỹ trong tháng 12/2021 tăng mạnh, tâm lý của các nhà đầu tư đã bị lung lay sau khi Fed công bố biên bản cuộc họp chính sách tháng 12 cho thấy thể chế tài chính này có thể tăng lãi suất sớm hơn dự kiến.
Các thị trường chứng khoán đã đi lên trong suốt giai đoạn dịch COVID-19 hoành hành khi Fed cắt giảm lãi suất xuống gần mức 0 và lĩnh vực công nghệ đặt biệt khởi sắc nhờ các chính sách tiền tệ nới lỏng.
[Dow Jones và S&P 500 tăng cao kỷ lục phiên đầu tiên năm 2022]
Mặc dù các dự báo từ quan chức Fed trong tháng trước cho thấy cơ quan này dự kiến sẽ có tới ba lần tăng lãi suất vào năm 2022, song biên bản cuộc họp mới nhất cho thấy Fed sẵn sàng hành động mạnh mẽ hơn để đối phó với lạm phát, điều có thể ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp.
Tại châu Âu, chỉ số FTSE 100 của London tăng 0,2% lên 7.516,87 điểm, chỉ số DAX 30 trên sàn Frankfurt tăng 0,7% lên 16.271,75 điểm, còn chỉ số CAC 40 của Paris tăng 0,8% lên 7.376,37 điểm. Chỉ số tổng hợp EURO STOXX 50 tăng 0,6% lên 4.392,15 điểm.
Chốt phiên này, VN-Index giảm 3,08 điểm xuống 1.522,5 điểm. Khối lượng giao dịch đạt 1,058 tỷ cổ phiếu, tương ứng giá trị gần 33.000 tỷ đồng. Đây là mức thanh khoản cao nhất kể từ phiên 23/12. Toàn sàn có 221 mã tăng giá, 240 mã giảm giá và 43 mã đứng giá.
HNX-Index tăng 6,26 điểm lên 480,36 điểm. Khối lượng giao dịch đạt gần 137 triệu cổ phiếu, tương ứng hơn 4.042,5 tỷ đồng. Toàn sàn có 112 mã tăng giá, 130 mã giảm giá và 57 mã đứng giá./.