Thị trường chứng khoán Phố Wall sụt giảm trong phiên giao dịch 26/7 do lo ngại về sức khỏe người tiêu dùng sau khi Walmart giảm triển vọng kinh doanh và dữ liệu kinh tế Mỹ yếu đi.
Khép lại phiên này, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 0,7% xuống 31.761,54 điểm. Chỉ số tổng hợp S&P 500 giảm 1,2% xuống 3.921,05 điểm, còn chỉ số công nghệ Nasdaq giảm 1,9% xuống 11.562,57 điểm.
Thị trường chứng khoán đi xuống khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) bắt đầu cuộc họp chính sách tiền tệ kéo dài hai ngày, dự kiến sẽ kết thúc bằng một đợt tăng lãi suất lớn khác.
Cổ phiếu của tập đoàn bán lẻ Walmart giảm 7,6% sau khi tập đoàn cắt giảm dự báo lợi nhuận để phản ánh việc tăng chi tiêu của người tiêu dùng cho thực phẩm, xăng dầu và các mặt hàng thiết yếu khác đang làm giảm nhu cầu đối với các loại hàng hóa có tỷ suất lợi nhuận cao hơn.
[Tổng thống Joe Biden lạc quan kinh tế Mỹ không rơi vào suy thoái]
Cùng ngày 26/7, cuộc khảo sát hàng tháng của tổ chức nghiên cứu Conference Board (Mỹ) cho thấy niềm tin của người tiêu dùng tháng Bảy tiếp tục giảm sau khi giảm mạnh trong tháng trước đó.
Chỉ số niềm tin người tiêu dùng trong tháng Bảy giảm từ 98,4 (điểm) trong tháng Sáu xuống còn 95,7 (điểm), do lạm phát tiếp tục làm suy yếu tâm lý của người tiêu dùng.
Chuyên gia Lydia Boussour của tổ chức nghiên cứu kinh tế Oxford Economics (Vương quốc Anh) cho biết: "Chủ nghĩa bi quan gia tăng phù hợp với quan điểm của chúng tôi rằng chi tiêu tiêu dùng và nền kinh tế rộng lớn đang dịch chuyển xuống con đường tăng trưởng chậm hơn nhiều trong bối cảnh lạm phát cao, lãi suất tăng nhanh và thị trường tài chính biến động."
Tại thị trường Việt Nam, đóng cửa phiên giao dịch ngày 26/7, VN-Index giảm 3,43 điểm xuống 1.185,07 điểm. Khối lượng giao dịch đạt gần 435 triệu đơn vị, tương ứng gần 9.447 tỷ đồng. Toàn sàn có 139 mã tăng giá, 311 mã giảm giá và 71 mã đứng giá.
HNX-Index giảm 2,5 điểm xuống 2.82,88 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 55,1 triệu đơn vị, tương ứng hơn 1.403,3 tỷ đồng. Toàn sàn có 58 mã tăng giá, 120 mã giảm giá và 63 mã đứng giá./.