Chứng khoán Mỹ ghi nhận xu hướng tăng điểm mạnh trong tuần qua

Chốt phiên cuối tuần, chỉ số Dow Jones tăng 0,69%, lên 35.455,8 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 0,88%, lên 4.509,37 điểm và chỉ số Nasdaq Composite tăng 1,23%, lên 15.129,5 điểm.
Giao dịch viên tại Sàn giao dịch Chứng khoán New York, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Các chỉ số chứng khoán Mỹ phục hồi trong phiên 27/8, với các chỉ số S&P 500 và Nasdaq Composite chốt phiên ở các mức cao kỷ lục lần thứ tư trong tuần qua, khi phát biểu của Chủ tịch Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell tại hội nghị ở Jackson Hole đã xoa dịu những lo ngại liên quan đến thời điểm giảm tốc độ mua tài sản và khích lệ nhà đầu tư mua vào.

Chốt phiên cuối tuần, chỉ số Dow Jones tăng 242,68 điểm, hay 0,69%, lên 35.455,8 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 39,37 điểm, hay 0,88%, lên 4.509,37 điểm và chỉ số Nasdaq Composite tăng 183,69 điểm, hay 1,23%, lên 15.129,5 điểm.

Người phụ trách nghiên cứu và giao dịch của công ty quản lý tài sản phái sinh Harvest Volatility Management (New York), Mike Zigmont, cho rằng các nhà đầu tư mua vào mạnh và thị trường đang tập trung vào khả năng Fed chưa tăng lãi suất.

Về chuỗi lập kỷ lục gần đây của các chỉ số, trong đó chỉ số S&P 500 chốt phiên ở mức cao kỷ lục lần thứ 52 kể từ đầu năm nay, ông Zigmont đánh giá sự phục hồi diễn ra liên tục và với tốc độ rất nhanh.

Trong phát biểu tại hội nghị, ông Powell đã không đưa ra một quan điểm rõ ràng hơn về thời điểm giảm tốc độ mua tài sản hay tăng lãi suất, những yếu tố căn bản trong chính sách tiền tệ nới lỏng nhằm hỗ trợ đà phục hồi của nền kinh tế sau suy thoái do đại dịch.

[Phố Wall rời khỏi mức cao kỷ lục sau vụ nổ ở sân bay Kabul]

Trong các phát biểu trước đó, Chủ tịch chi nhánh Fed tại St. Louis, James Bullard và Chủ tịch chi nhánh Fed tại Cleveland, Loretta Mester cho rằng quy trình rút các biện pháp kích thích sẽ bắt đầu sớm và chương trình hỗ trợ sẽ dừng trong năm tới.

Theo ông Zigmont, thị trường rất hoanh nghênh việc Fed bơm thêm thanh khoản vào nền kinh tế mỗi tháng và Fed có thể đẩy giá tài sản lên, điều sẽ khích lệ nhà đầu tư.

Số liệu kinh tế được công bố ngày 27/8 cho thấy những gì các nhà kinh tế đã nhận định là chi tiêu và lòng tin tiêu dùng giảm sút do sự lây lan của biến thể Delta và đây là những dấu hiệu cho thấy đợt tăng giá gần đây sẽ không đưa đến lạm phát trong dài hạn như đánh giá của Fed.

Thị trường chứng khoán Mỹ đi xuống trong phiên giao dịch ngày 26/8, rời khỏi các mức cao kỷ lục do lo ngại về diễn biến mới tại Afghanistan và sự thay đổi tiềm tàng trong chính sách của Fed đã thúc đẩy một đợt bán tháo rộng rãi một ngày trước hội nghị chuyên đề tại Jackson Hole.

Kết thúc phiên này, chỉ số Dow Jones giảm 192,38 điểm (0,54%), xuống 35.213,12 điểm. Chỉ số S&P 500 mất 26,27 điểm (0,58%), xuống 4.469,92 điểm. Còn chỉ số Nasdaq Composite lùi 96,05 điểm (0,64%), xuống 14.945,81 điểm. Đây là phiên giảm điểm đầu tiên của chỉ số S&P 500 và Nasadaq trong vòng 6 phiên.

Trước đó, các chỉ số tăng nhẹ trong phiên 25/8, nhờ cổ phiếu của lĩnh vực tài chính phục hồi.

Chỉ số Dow Jones tăng 39,24 điểm, hay 0,11%, lên 35.405,5 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 9,96 điểm, hay 0,22%, lên 4.496,19 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 22,06 điểm, hay 0,15%, lên 15.041,86 điểm.

Thị trường chứng khoán Mỹ tiếp tục đà tăng trong phiên 24/8 với chỉ số Nasdaq Composite lần đầu tiên vượt mức 15.000 điểm do ảnh hưởng của những diễn biến mới tại Afghanistan.

Khép phiên này, chỉ số Nasdaq Composite tăng 0,5% lên 15.019,8 điểm. Trong khi đó, chỉ số Dow Jones tăng 0,1% lên 35.366,26 điểm. Còn chỉ số S&P 500 tăng 0,2% lên 4.486,23 điểm.

Thị trường phục hồi và tăng mạnh trong phiên 23/8, khi một số tin tức tích cực giúp xua tan tâm lý lo ngại biến thể Delta có thể làm chệch hướng đà phục hồi kinh tế.

Kết thúc phiên này, chỉ số Nasdaq Composite tăng lên mức kỷ lục mới khi tăng 1,6%, lên 14.942,65 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 0,8% lên 4.479,53 điểm và chỉ số Dow Jones tăng 0,6% lên 35.335,71 điểm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục