Chứng khoán Mỹ: Chỉ số Dow Jones tăng sau 3 tuần liên tiếp giảm điểm

Tính chung cả tuần qua, chỉ số Dow Jones tăng 0,8% sau ba tuần giảm điểm liên tiếp; chỉ số S&P 500 nối dài đà tăng theo tuần với mức tăng 0,4% trong cả tuần qua; còn chỉ số Nasdaq giảm 0,2%.
Chứng khoán Mỹ: Chỉ số Dow Jones tăng sau 3 tuần liên tiếp giảm điểm ảnh 1Giao dịch viên làm việc tại sàn chứng khoán New York, Mỹ. (Ảnh: THX/TTXVN)

Chứng khoán Mỹ chuyển động trái chiều trong phiên giao dịch ngày 13/10, khi những lo ngại địa chính trị gia tăng, đi cùng những đồn đoán về tình hình lạm phát tại nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Khép lại phiên này, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 39,15 điểm, hay 0,1%, lên 33.670,29 điểm. Trong khi đó, chỉ số tổng hợp S&P 500 giảm 21,83 điểm, hay 0,5%, xuống 4.327,78 điểm, còn chỉ số công nghệ Nasdaq để mất 166,98 điểm, hay 1,2%, xuống 13.407,23 điểm.

Tính chung cả tuần qua, chỉ số Dow Jones tăng 0,8%, sau ba tuần giảm điểm liên tiếp. Chỉ số S&P 500 nối dài đà tăng theo tuần với mức tăng 0,4% trong cả tuần qua. Còn chỉ số Nasdaq giảm 0,2%.

Chứng khoán Mỹ phần lớn giảm điểm trong phiên 13/10 sau khi những căng thẳng địa chính trị gia tăng đã khiến giới đầu tư lo ngại.

Thị trường chịu áp lực bất chấp việc chỉ số Dow Jones được hỗ trợ phần nào bởi kết quả lợi nhuận mạnh hơn dự đoán của các ngân hàng lớn trên Phố Wall.

[Nỗi lo về lãi suất đẩy lùi đà tăng của chứng khoán thế giới]

Ông Quincy Krosby, trưởng bộ phận chiến lược toàn cầu của công ty tài chính LPL Financial, nhận định giới đầu tư đang tìm kiếm "nơi trú ẩn an toàn" ở trái phiếu chính phủ và vàng, trước nguy cơ xung đột tại Trung Đông lan rộng.

Bên cạnh tình hình căng thẳng địa chính trị, kết quả khảo sát gần đây của đại học University of Michigan về tâm lý tiêu dùng được công bố ngày 13/10 cũng khiến thị trường lo ngại.

Khảo sát cho thấy mức lạm phát dự đoán theo năm của người tiêu dùng trong tháng Chín đã tăng từ 3,2% lên 3,8%.

Theo ông Jason Pride, trưởng bộ phận nghiên cứu và chiến lược đầu tư của công ty Glenmede, nhận định chỉ số S&P 500 đang ở mức cao và có nguy cơ giảm xuống trong tương lai gần, khi chính sách thắt chặt tiền tệ của Fed vẫn đang phát huy tác dụng với nền kinh tế.

Chuyên gia này cho rằng vẫn còn hơn 50% khả năng sẽ xảy ra suy thoái kinh tế trong nửa cuối năm nay và đầu năm sau.

Trước đó, sự sụt giảm trong lợi suất trái phiếu chính phủ của Mỹ đã nâng đỡ thị trường chứng khoán trong ba phiên liên tiếp đầu tuần này.

Lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ đã giảm xuống, rời khỏi các mức cao nhất kể từ năm 2007 ghi nhận trong tuần trước, sau những bình luận theo chiều hướng không tăng lãi suất thêm nữa của nhiều quan chức Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed).

Chủ tịch Fed chi nhánh Minneapolis Neel Kashkari ngày 10/10 cho rằng “có khả năng” sự gia tăng gần đây trong lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn dài của Mỹ đồng nghĩa với việc Fed không cần phải nâng lãi suất hơn nữa, trong khi Chủ tịch Fed chi nhánh Atlanta Raphael Bostic dự đoán Fed sẽ dừng tăng lãi suất.

Lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ giảm do các bình luận của giới chức Fed, nhưng cũng một phần do phản ứng tìm nơi “trú ẩn an toàn” trước tình trạng bạo lực tiếp diễn ở Trung Đông.

Tuy nhiên, nỗi lo về lãi suất đã đẩy lùi đà tăng của chứng khoán Mỹ trong phiên 12/10. Báo cáo mới nhất cho thấy Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ trong tháng Chín đã tăng 3,7% so với cùng kỳ năm trước, phù hợp với kỳ vọng của các nhà phân tích nhưng vẫn cao hơn mục tiêu lạm phát dài hạn của Fed.

Số liệu này làm dấy lên lo ngại lãi suất sẽ phải duy trì ở mức cao hơn trong thời gian dài hơn để làm chậm tốc độ tăng giá./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục