Chứng khoán lại rơi tự do sau quyết định của Fed

Chứng khoán thế giới nối tiếp đà trượt dốc sau quyết định có thể sẽ thu nhỏ quy mô gói cứu trợ tài chính của Fed vào cuối năm nay.
Chứng khoán thế giới dường như vẫn trượt dốc sau quyết định của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) về việc thể chế tài chính này có thể sẽ giảm dần quy mô của gói nới lỏng tiền tệ đang thực hiện vào cuối năm nay để tiến tới ngừng hẳn vào giữa năm tới.

Bước sang phiên thứ hai sau quyết định trên, các thị trường cổ phiếu trên khắp toàn cầu vẫn chưa ngừng đà rơi. Màu đỏ vẫn bao trùm trên tất cả các sàn chứng khoán châu Á vào lúc mở cửa phiên giao dịch cuối tuần 21/6, với ba sàn chủ chốt của khu vực là Hong Kong, Trung Quốc và Nhật Bản đều đồng loạt giảm điểm, lần lượt ở các mức 2,03%; 0,87% và 1,62%.

Đêm trước (20/6), chứng khoán Mỹ cũng tiếp tục nối dài đà giảm điểm do quyết định của Fed cộng thêm nỗi lo về kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại.

Không chỉ các thị trường chứng khoán, các thị trường hàng hóa như dầu, vàng... từ Tokyo cho tới Paris, London và Phố Wall cũng đều trượt dốc không phanh, chỉ có đồng USD là tăng giá.

Lo lắng trước khả năng Fed có thể thu nhỏ quy mô gói cứu trợ tài chính vào cuối năm nay, trong hai ngày qua các nhà đầu tư đã đua nhau bán cổ phiếu, làm các chỉ số chứng khoán chủ lực tại thị trường Mỹ mất giá thảm hại nhất kể từ đầu năm tới nay.

Đóng cửa phiên giao dịch "hoảng loạn" thứ hai liên tiếp, với hơn 90% cổ phiếu rớt giá, cả ba chỉ số chính của Phố Wall đều để mất trên 2%, trong đó Dow Jones Industrial Average bốc hơi 353,87 điểm (2,3%) về 14.758,32 điểm.

Standard & Poor's 500 mất điểm thảm hại hơn, tới 2,5%, xuống còn 1.588,19 điểm trong khi chỉ số Nasdaq Composite cũng để tuột 2,3%. Đây là ngày giao dịch đen đủi nhất của cả ba chỉ số chủ lực này của Mỹ kể từ đầu năm 2013.

Riêng trong tuần này tính đến phiên 20/6, ba chỉ số này đã lần lượt bị bốc hơi 2,1%, 2,4% và 1,7%. Còn trong hai ngày qua, chỉ số danh giá Dow Jones đã bị mất tổng cộng 560 điểm, "dọn sạch" những kết quả đã thu được trong tháng Năm.

Trong khi đó, hai ngày qua cũng là những ngày giao dịch tệ hại nhất của Standard & Poor's 500 trong vòng 7 tháng qua. Giá vàng trong ngày cũng giảm tới 7%, xuống 1.278 USD/ounce. Đây là lần đầu tiên giá vàng giảm xuống dưới mức 1.300 USD/ounce kể từ tháng 9/2010.

Giám đốc bộ phận phân tích kinh tế của công ty Morningstar, ông Robert Johnson, cho biết có nhiều lý do khiến các nhà đầu tư bán tháo tài sản, trong đó có việc Fed, ngày 19/6, sau cuộc họp định kỳ hai ngày, thông báo đến cuối năm nay có thể thu nhỏ quy mô gói cứu trợ thứ ba (QE-3), theo đó mỗi tháng chỉ tung vào thị trường 65 tỷ USD, thay vì 85 tỷ USD, để mua lại các trái phiếu dài hạn liên quan tới thế chấp.

Chỉ số hoạt động của các nhà máy và tình hình tín dụng có chiều hướng xấu hơn ở Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, cũng là những nguyên nhân làm đầu tư lo lắng.

Giới đầu tư lo ngại, nếu đến giữa năm 2014 Fed ngừng hẳn gói cứu trợ QE3 thì tỷ lệ lãi suất sẽ tăng, dẫn tới làm giảm giá cổ phiếu.

Cùng ngày tại châu Âu, các sàn chứng khoán trong khu vực cũng rực trong sắc đỏ, với các mức giảm thậm chí còn mạnh hơn, trên dưới 3%.

Trong đó FTSE 100 của Anh trượt 2,98% xuống 6.159,51 điểm; DAX 30 của Đức lao 3,28% xuống 7.928,48 điểm và CAC 40 của Pháp mất 3,66% xuống 3.698,93 điểm./.

Thùy Chi (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục