Chứng khoán khởi sắc, VN-Index chạm đỉnh cao nhất 10 năm trở lại

Tính đến ngày 6/3, chỉ số VN-Index đã chạm mức 716,29 điểm, đây là mức cao nhất kể từ 10 năm trở lại đây. Như vậy, VN-Index đã tăng 7,7% và HNX-Index cũng tăng 8% so với cuối năm 2016.
Họp báo chuyên đề “Một số giải pháp phát triển thị trường chứng khoán năm 2017,” ngày 9/3. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Tính đến ngày 6/3, chỉ số VN-Index đã chạm mức 716,29 điểm và đây là mức cao nhất kể từ 10 năm trở lại. Như vậy, VN-Index đã tăng 7,7% đồng thời với mức đóng cửa 86,55 điểm, HNX-Index cũng tăng 8% so với cuối năm 2016.

Vốn hóa đạt 50,3% GDP

Tại buổi Họp báo chuyên đề “Một số giải pháp phát triển thị trường chứng khoán năm 2017,” ngày 9/3, Chủ tịch ủy ban Chứng khoán Nhà nước Vũ Bằng cho biết, hiện tại mức vốn hóa thị trường chứng khoán đã đạt hơn 2,26 triệu tỷ đồng (tương đương 50,3% GDP), tăng 16% so với cuối năm 2016, là mức cao nhất từ khi thành lập thị trường.

Chủ tịch Ủy ban nhìn nhận, mức thanh khoản trên thị trường đang được cải thiện rõ rệt. Khối lượng giao dịch bình quân đạt 7.365 tỷ đồng/phiên, tăng 49% so với cùng kỳ và tăng 6,6% so với bình quân năm trước.

Tuy nhiên, theo thống kê từ Ủy ban Chứng khoán, trong hai tháng đầu năm, mức huy động trên thị trường chứng khoán đạt 40.700 tỷ đồng và giảm 27% so với cùng kỳ năm ngoái. Ở một góc nhìn lạc quan hơn,  giá trị huy động vốn trong tháng Hai đã có sự chuyển biến và tăng 79% so với tháng Một.


Vốn ngoại quay trở lại

Về hoạt động cổ phần hóa trong hai tháng, các Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh và Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội đã tổ chức cổ phần hóa cho 5 doanh nghiệp Nhà nước với tổng giá trị đạt hơn 91 tỷ đồng, tỷ lệ thành công đạt 40% và tổ chức đợt đấu giá thoái vốn Nhà nước với tổng giá trị 168 tỷ đồng, tỷ lệ thành công đạt 99%.

Đáng chú ý trong những tháng đầu, dòng vốn đầu tư nước ngoài liên tục mua ròng trên thị trường,  tổng giá trị danh mục của khối ngoại lên tới 18,4 tỷ USD. Chủ tịch Vũ Bằng cho biết “đây là mức cao nhất từ trước đến nay.”

Đánh giá về bối cảnh kinh tế trong, ngoài nước và những tác động lên thị trường, Theo ông Vũ Bằng “kinh tế vĩ mô trong nước ổn định, hoạt động tái cơ cấu nền kinh tế được đẩy mạnh. Bên cạnh đó, Chính phủ tiếp tục triển khai các giải pháp cải thiện môi tường kinh doanh cùng nhiều chính sách phát đã có tác động tích cực lên thị trường chứng khoán Việt Nam.”

Thị trường phái sinh ra đời

Tại buổi Họp báo, Chủ tịch Vũ Bằng đã chia sẻ, thị trường chứng khoán phái sinh về khuôn khổ pháp lý cơ bản đã được ban hành đầy đủ và chậm nhất sẽ đi vào hoạt động trong tháng Sáu tới.

Theo ông Bằng, các quy chế hướng dẫn về niêm yết, giao dịch, thành viên và thanh toán bù trừ cũng đã được Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội và Trung tâm lưu ký Chứng khoán hoàn tất và chuẩn bị ban hành. Hiện, hệ thống giao dịch và bù trừ thanh toán đã qua quá trình kết nối thử nghiệm, đảm bảo hoạt động ổn định và sẵn sàng cho việc vận hành thị trường.

Bên cạnh đó, để bảo đảm duy trì sự phát triển ổn định và bền vững của thị trường chứng khoán, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán cho biết, Cơ quan này sẽ tiếp tục triển khai các công tác tái cấu trúc thị trường chứng khoán, tăng cường tính công khai, minh bạch đồng thời gắn kết công tác cổ phần hóa với niêm yết và giao dịch trên thị trường chứng khoán.

Cụ thể, trong năm 2017, ngành Chứng khoán sẽ tập trung vào các giải pháp phát triển thị trường, bao gồm hoàn thiện khung pháp lý và nâng cao năng lực quản lý, giám sát; tăng cung hàng hóa cho thị trường và cải thiện chất lượng nguồn cung; đa dạng hóa cơ sở nhà đầu tư và cải thiện sức cầu; phát triển, nâng cao năng lực cho hệ thống các tổ chức trung gian thị trường; tái cấu trúc tổ chức thị trường, cơ sở hạ tầng, công nghệ: nâng cao hiệu quả quản lý, giám sát và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm./.

Chủ tịch Ủy Ban Chứng khoán Nhà nước Vũ Bằng phát biểu tại buổi Họp báo.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục