Chứng khoán ”hút" tiền có thể khiến sản xuất bị lơ là

Theo giới chuyên gia, mặc dù thị trường chứng khoán tăng trưởng phản ánh sự phục hồi của nền kinh tế, song các nhà hoạch định chính sách cần thận trọng với xu hướng dòng tiền có thể chuyển hướng ra khỏi sản xuất.

Việc giá trị giao dịch trên toàn Sàn giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HoSE) trong tháng Hai tăng đột biến lên trên 40 nghìn tỷ đồng được giới chuyên gia nhận định là tín hiệu phục hồi của nền kinh tế trong ngắn hạn.

Theo các chuyên gia kinh tế, từ mức gần 30 nghìn tỷ đồng/tháng trên sàn HoSE, dòng tiền ồ ạt đổ vào thị trường chứng khoán đã cho thấy sự nhạy bén của giới đầu tư hiện nay.

Cần thận trọng?

Tuy nhiên, sự đi lên mạnh mẽ của các chỉ số chính trên hai sàn niêm cùng với mức thanh khoản “khủng” như hiện nay đã khiến một số chuyên gia kinh tế bắt đầu quan ngại. Họ lên tiếng cảnh báo các chính sách tiền tệ cần thận trọng hơn với khả năng nguồn vốn xã hội đổ dồn vào chứng khoán thay vì chảy tới nền sản xuất như mục tiêu đặt ra.

Quan sát thị trường trong 6 tháng qua, chỉ số VN-Index tiến sát gần mốc 600 điểm, tăng khoảng 28% và HNX-Index lên khoảng 45%. Bên cạnh đó, nhiều cổ phiếu đã tăng giá từ 40% đến 130%.

Ông Nguyễn Tuấn, Phó phòng Tư vấn Đầu tư Công ty chứng khoán An Bình cho rằng, diễn biến giá tăng nhanh và mạnh này đã làm cho chỉ số P/E (hệ số giá/thu nhập) của VN-Index đứng ở mức trung bình của khu vực và chỉ số P/E của HNX-Index đứng ở mức cao trong khu vực, từ đó độ hấp dẫn của cổ phiếu Việt Nam đã suy giảm trong con mắt của khối ngoại và khối tự doanh với các động tác bán ròng trong vài tuần gần đây.

Từ tháng 10/2013 đến tháng 2/2013, thị trường luôn chứng kiến hoạt động mua ròng của các nhà đầu tư nước ngoài. Song sang đến tháng Ba, khối ngoại đã có dấu hiệu bán ra.

Giữ chân khối ngoại

Kể từ ngày 3/3 đến 14/3, trên sàn HoSE, các nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng gần 35 triệu đơn vị, giá trị tương ứng trên 630 tỷ đồng, (số liệu từ HoSE).

Nhưng nhìn rộng ra xu hướng bên ngoài, ông Nguyễn Thế Minh, Chuyên viên phân tích, Công ty Chứng khoán Bản Việt cho biết, so với thị trường chứng khoán Thái Lan và Indonesia, nhà đầu tư nước ngoài vẫn bơm ròng 177 triệu USD vào thị trường Việt Nam từ đầu năm đến nay, trong khi rút 256 triệu USD khỏi Indonesia và 2,57 tỷ USD khỏi Thái Lan trong cùng thời gian này (theo Bloomberg).

Bên cạnh đó, động thái mới đây từ Ngân hàng Nhà nước với Thông tư số 05/2014/TT-NHNN hướng dẫn vốn đầu tư gián tiếp của nhà đầu tư nước ngoài không được chuyển số dư trên tài khoản sang tiền gửi có kỳ hạn và tiền gửi tiết kiệm, cũng được các nhà đầu tư đánh giá là có tác dụng giữ chân khối ngoại trên thị trường.

“Chỉ số VN-Index tiếp tục hướng tới các mức cao hơn, điểm nổi bật nhất là dòng tiền có sự luân chuyển qua lại giữa các nhóm cổ phiếu và cho thấy nó chưa có ý định rút ra, vì hiện hầu hết tất cả các kênh đầu tư không hấp dẫn bằng kênh chứng khoán,” ông Minh nói.

Mới đây các chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước cũng khẳng định, tín hiệu vĩ mô đã sáng hơn, cơ hội kinh doanh trong nước sẽ “đậm” hơn nhờ việc giảm lãi suất, nới lỏng linh hoạt chính sách tài chính, tín dụng cộng với sự mở rộng và tăng tốc giải ngân đầu tư công cho các dự án trong kế hoạch.

Ông Tuấn nhấn mạnh, “với chuyển động hồi phục của kinh tế vĩ mô và kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp đang trong xu thế tốt dần lên, chỉ số P/E của thị trường Việt Nam sẽ giảm đi trong thời gian tới.”

Tuy nhiên, dù rất đồng tình với những nhận định trên, song tiến sĩ Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) vẫn rất lo lắng và cho rằng, chính sức “nóng” của thị trường chứng khoán sẽ hút các dòng vốn xã hội vào đó với những kỳ vọng lợi nhuận trong “chốc lát”.

Theo ông, điều này sẽ khiến doanh nghiệp lơ là với hoạt động tái cấu trúc sản xuất, kinh doanh vốn đang được toàn xã hội ưu tiên hướng tới đồng thời nền kinh tế cũng có thế bị ảnh hưởng tiêu cực trong tương lai./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục