Chứng khoán châu Âu và Mỹ lao dốc, giá dầu thế giới giảm đáng kể

các thị trường chứng khoán châu Âu và Mỹ đồng loạt lao dốc giữa lúc tâm lý các nhà đầu tư bị đè nén cùng các lo ngại xung quanh tình hình dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Giao dịch viên tại Sàn giao dịch chứng khoán Frankfurt, Đức. (Ảnh: THX/ TTXVN)

Khép lại ngày giao dịch 24/6, các thị trường chứng khoán châu Âu và Mỹ đồng loạt lao dốc giữa lúc tâm lý các nhà đầu tư bị đè nén cùng các lo ngại xung quanh tình hình dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 và nguy cơ căng thẳng thương mại Mỹ-Liên minh châu Âu (EU) gia tăng.

Sau khi phục hồi trở lại mạnh mẽ để vượt qua những cột mốc đen tối trong những phiên giao dịch hồi tháng Ba, đến ngày 24/6, chứng khoán thế giới lại chứng kiến một trong những ngày giao dịch tồi tệ nhất trong 3 tháng qua.

Tại Mỹ, chỉ số chứng khoán Dow Jones giảm 2,7% (tương đương hơn 700 điểm) và khép lại ngày giao dịch ở mức 25.445,94 điểm. Trong khi đó, chỉ số S&P 500 giảm 2,6% xuống mức 3.050,33 điểm và chỉ số Nasdaq cũng giảm 2,2% xuống mức 9.909,17.

Tại châu Âu, các chỉ số chứng khoán như FTSE 100 trên sàn giao dịch London (Anh) và DAX 30 trên sàn Frankfurt (Đức) hay EURO STOXX cũng đều giảm ở mức hơn 3%.

Ngoài tình hình dịch bệnh khó lường, các dự báo mới về triển vọng kinh tế thế giới của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cũng khiến tâm lý nhà đầu tư thêm hoang mang khi tổ chức này dự báo kinh tế toàn cầu sẽ suy giảm 4,9% trong năm nay và cảnh báo đây là cuộc khủng hoảng chưa từng có.

Như "đổ thêm dầu vào lửa," Mỹ lại thông báo đang cân nhắc áp thế mới với khối lượng hàng hóa trị giá 3,1 tỷ USD nhập khẩu từ châu Âu đúng thời điểm hai bên vẫn chưa thể tháo gỡ mâu thuẫn liên quan tới vấn đề trợ cấp chính phủ cho hãng chế tạo máy bay Airbus.

Động thái này được đưa ra chỉ vài ngày sau khi EU nhắc tới các kế hoạch triển khai áp thuế kỹ thuật số, chủ yếu nhằm vào các công ty công nghệ hàng đầu của Mỹ, 

Theo chuyên gia phân tích  Craig Erlam từ OANDA, chỉ riêng trong ngày 24/6, thị trường đã chịu cú giáng từ hai yếu tố kết hợp. Một là số ca nhiễm mới tiếp tục gia tăng tại một số quốc gia, trong đó có Mỹ và Đức, phủ bóng lên hy vọng rằng các quốc gia có thể tiếp tục mở cửa trở lại.

Hai là tâm lý của người dân chưa sẵn sàng trở lại cuộc sống bình thường khi dịch bệnh chưa được kiểm soát chặt chẽ.

Theo chuyên gia Erlam, cả hai yếu tố này kết hợp gây ra một mối đe dọa đáng kể với các doanh nghiệp và thị trường việc làm.

Cùng với đó, căng thẳng thương mại Mỹ và EU nóng trở lại vào đúng thời điểm được cho là "không thể tồi tệ hơn" trong khi tâm lý các nhà đầu tư bất ổn trong suốt thời gian qua.

Quang cảnh nhà máy lọc dầu của Công ty dầu mỏ PEMEX ở Tula, bang Hidalgo, Mexico ngày 8/3/2011. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Giá dầu thế giới đã giảm đáng kể trong phiên giao dịch 24/6, sau số liệu cho thấy dự trữ dầu thô hàng tuần của Mỹ gia tăng.

Khép phiên này, giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao tháng 8/2020 đã giảm 2,36 USD xuống còn 38,01 USD/thùng tại Thị trường Giao dịch Hàng hóa New York. Còn giá dầu thô Brent giao cùng kỳ hạn cũng giảm 2,32 USD xuống 40,31 USD/thùng tại London.

Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) vừa cho biết dự trữ dầu của nước này đã tăng 1,4 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 19/6, ghi dấu tuần tăng thứ ba liên tiếp.

Với mức 540,7 triệu thùng, dự trữ dầu thô của Mỹ đã tăng khoảng 16% so với mức trung bình cùng kỳ 5 năm trước.

Các nhà đầu tư cũng lo ngại làn sóng bùng phát dịch COVID-19 thứ hai ở Mỹ có khả năng làm giảm nhu cầu năng lượng.

Nhập khẩu dầu của Ấn Độ trong tháng 5/2020 đã chạm mức thấp nhất kể từ tháng 10/2011.

Trung Quốc, nước nhập khẩu dầu thô hàng đầu thế giới, cũng dự kiến sẽ giảm nhập khẩu dầu trong quý 3 năm 2020./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục