Chứng khoán châu Âu và châu Á cùng ngập trong sắc đỏ

Ngày 15/6, chứng khoán châu Âu đã đồng loạt mất hơn 2% điểm trong bối cảnh các nhà đầu tư lo ngại làn sóng lây nhiễm thứ hai có thể làm chệch hướng phục hồi của nền kinh tế.
(Ảnh minh họa: Kyodo/ TTXVN)

Ngày 15/6, chứng khoán châu Âu đã đồng loạt mất hơn 2% điểm trong bối cảnh các nhà đầu tư lo ngại làn sóng lây nhiễm thứ hai có thể làm chệch hướng phục hồi của nền kinh tế.

Mở cửa phiên giao dịch, chỉ số FTSE 100 của thị trường London (Anh) đã giảm 2,2% xuống còn 5.970,86 điểm. Tỷ giá đồng bảng Anh đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ ngày 1/6 là 1.2455 USD đổi được 1 bảng Anh.

Tại Khu vực Đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), chỉ số DAX 30 của thị trường Frankfurt (Đức), chỉ số CAC 40 tại Paris (Pháp), và chỉ số FTSE Mib của Milan (Italy) đều giảm 2,7% xuống lần lượt ở mức 11.630,85 điểm, 4.707,04 điểm và 18.386,29 điểm.

Chỉ số IBEX 35 tại thị trường Madrid (Tây Ban Nha) giảm sâu nhất ở mức 3% xuống còn 7.077,10 điểm. Chỉ số tổng hợp Euro STOXX 600 giảm ở mức 2,5%.

[Chứng khoán Phố Wall có tuần giao dịch tệ nhất trong ba tháng]

Mặc dù các nước châu Âu đang thúc đẩy việc mở cửa lại nền kinh tế sau nhiều tháng áp lệnh phong tỏa, song hiện có những dấu hiệu cho thấy dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đang quay lại Trung Quốc và số ca nhiễm tăng lên tại Mỹ.

Tại thị trường châu Á, các chỉ số chứng khoán cũng giảm điểm do quan ngại ngày càng lớn về nguy cơ dịch bệnh bùng phát trở lại.

 Tại Trung Quốc, chốt phiên giao dịch, chỉ số Tổng hợp Thượng Hải đã giảm 1,02%, trong khi chỉ số CSI300 giảm 1,2%. Chỉ số MSCI của chứng khoán châu Á-Thái Bình Dương (trừ Nhật Bản) giảm 2,39%, trong khi chứng khoán Hàn Quốc giảm 4,8%.

Tại Nhật Bản, đóng cửa phiên giao dịch, chỉ số Nikkei và Topix đã lần lượt giảm ở mức 3,47% và 2,54% xuống còn 21.530,95 điểm và 1.530,78 điểm.

Trong hai ngày 14 và 15/6, thủ đô Tokyo của Nhật Bản đã ghi nhận số ca nhiễm mới đều trên 40 ca.

Trong khi đó, ngày 14/6, Trung Quốc cũng ghi nhận số ca nhiễm mới trong ngày cao nhất trong nhiều tháng, làm dấy lên lo ngại nguy cơ làn sóng dịch bệnh thứ hai.

Chính quyền thủ đô Bắc Kinh đã phong tỏa một số khu vực nội thành và triển khai chiến dịch xét nghiệm, truy vết tiếp xúc quy mô lớn sau hàng loạt ca nhiễm mới được ghi nhận vào tuần trước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục