Các thị trường chứng khoán châu Á được cho là sẽ phục hồi sau hai năm ảm đạm khi Trung Quốc mở cửa nền kinh tế và đồng USD xuống giá, tạo động lực để thị trường đi lên trong năm 2023.
Theo 11 con số dự báo mà các nhà chiến lược tham gia khảo sát của hãng tin Bloomberg (Mỹ), đến cuối năm tới, chứng khoán khu vực có thể tăng trung bình 9%.
Hầu hết các yếu tố tiêu cực, từ việc đồng USD lên giá, các biện pháp phong tỏa nhằm kiểm soát dịch của Trung Quốc và tình trạng thiếu chip, đang được khắc phục, mang đến triển vọng lạc quan hơn về lợi nhuận.
Người phụ trách chiến lược chứng khoán châu Á tại Societe Generale SA, Frank Benzimra, nhận định lợi nhuận doanh nghiệp sẽ phục hồi từ quý 2/2023.
Chỉ số MSCI của chứng khoán châu Á-Thái Bình Dương (trừ Nhật Bản) giảm 19% kể từ đầu năm nay, sau khi giảm 4,9% trong năm ngoái, nới rộng khoảng cách với các thị trường khác trên toàn cầu.
Các nhà đầu tư nước ngoài đã rút hơn 50 tỷ USD ra khỏi các thị trường mới nổi ngoài Trung Quốc trong năm nay.
Mặc dù những người tham gia khảo sát không nhận định các thị trường chứng khoán châu Á sẽ giảm trong năm tới, giữa các dự báo có sự cách biệt lớn, từ dự báo các thị trường ổn định đến dự báo các thị trường tăng 15%, cho thấy sự thận trọng trước nguy cơ suy thoái của kinh tế toàn cầu và quá trình mở cửa của kinh tế Trung Quốc.
[Triển vọng lãi suất cao hơn phủ bóng lên chứng khoán châu Á]
Theo các nhà chiến lược tham giam khảo sát, các chỉ số chứng khoán châu Á có thể vượt chỉ số tổng hợp S&P 500 của Mỹ, nhưng sẽ không đạt mức đỉnh của năm 2021, cho dù dự báo lạc quan nhất là đúng.
Một khảo sát đối với các nhà quản lý quỹ tại châu Á do ngân hàng Bank of America (Mỹ) thực hiện trong tháng này cũng cho thấy khoảng 90% những người được hỏi dự báo về sự khởi sắc của các thị trường trong khu vực, trừ Nhật Bản.
Việc Trung Quốc nhanh chóng dỡ bỏ các hạn chế nhằm kiểm soát dịch được cho là sẽ thúc đẩy nền kinh tế đang giảm tốc của nước này, và của các đối tác thương mại trong khu vực, với mức tăng trưởng đạt gần 5% trong năm 2023.
Một động lực khác đến từ việc đồng bạc xanh xuống giá, với chỉ số USD của Bloomberg từng bước giảm từ mức kỷ lục hồi tháng Chín.
Tuy nhiên, thách thức lớn nhất là về quá trình và mức độ mở cửa của kinh tế Trung Quốc.
Trong khi đó, các nhà đầu tư đang theo dõi các động thái chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và những gián đoạn chuỗi cung ứng lương thực do xung đột tại Ukraine./.