Chứng khoán châu Á trái chiều trước thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung

Nhiều chuyên gia cho rằng thỏa thuận thương mại sẽ cho phép giới đầu tư chuyển hướng chú ý sang mùa báo cáo lợi nhuận doanh nghiệp và triển vọng kinh tế toàn cầu.

Các thị trường chứng khoán châu Á biến động trái chiều trong phiên giao dịch ngày 16/1 khi những nội dung trong thỏa thuận thương mại ''giai đoạn một'' giữa Mỹ và Trung Quốc được công bố.

Nhiều chuyên gia cho rằng thỏa thuận này sẽ cho phép giới đầu tư chuyển hướng chú ý sang mùa báo cáo lợi nhuận doanh nghiệp và triển vọng kinh tế toàn cầu.

Sau nhiều năm đàm phán khó khăn giữa hai cường quốc kinh tế nói trên, Tổng thống Donald Trump cuối cùng đã đặt bút ký kết thỏa thuận, động thái được cho là nhằm hạ nhiệt căng thẳng giữa hai nước và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Theo thỏa thuận giai đoạn một, Trung Quốc cam kết mua 200 tỷ USD hàng hóa của Mỹ trong vòng hai năm và đổi lại Washington sẽ không áp thuế đối với 160 tỷ USD hàng hóa của Trung Quốc, ban đầu dự kiến bắt đầu có hiệu lực vào ngày 15/12/2019, đồng thời hạn chế một số mức thuế đã áp với hàng hóa Trung Quốc.

Tuy nhiên, mức thuế của Mỹ đối với 375 tỷ USD hàng hóa của Trung Quốc vẫn được áp đặt cho tới giai đoạn hai.

[Giá vàng châu Á giảm nhẹ sau khi Mỹ-Trung ký thỏa thuận thương mại]

Khép lại phiên này, tại thị trường Hong Kong, chỉ số Hang Seng tăng 0,4% lên 28.883,04 điểm, còn chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản tăng 0,1% lên 23.933,13 điểm. Thị trường Sydney cũng tăng 0,7%, Singapore tiến thêm 0,5% và Seoul ghi thêm 0,8%. Sắc xanh cũng bao trùm thị trường Wellington và Bangkok.

Trong khi đó, tại Thượng Hải, chỉ số Shanghai Composite giảm 0,5% xuống còn 3.074,08 điểm, thị trường Đài Bắc giảm 0,2% và Mumbai để mất 0,1%. Các thị trường Manila và Jakarta cũng giảm điểm.

Bà Hannah Anderson, chiến lược gia của công ty JPMorgan Asset Management, cho rằng vì những đồn đoán của thị trường và bình luận của các quan chức trước khi thỏa thuận nói trên được ký kết, nên thị trường đã khởi sắc không quá mạnh mẽ sau sự kiện này.

Bên cạnh đó, vẫn còn lo ngại rằng vì tác động của thỏa thuận nói trên đã được thể hiện trong xu hướng khởi sắc gần đây của thị trường, nên nó sẽ có ít tác động như là lực đẩy đối với chứng khoán.

Còn tại thị trường Việt Nam, kết thúc phiên giao dịch ngày 16/1, VN-Index tăng 6,75 điểm lên mốc 974,31 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 201,25 triệu đơn vị, tương ứng giá trị trên 4.744,1 tỷ đồng. Toàn sàn có 154 mã tăng giá, 63 mã đứng giá và 174 mã giảm giá.

HNX-Index tăng 1,13 điểm lên mốc 104,32 điểm. Khối lượng giao dịch đạt trên 24,7 triệu đơn vị, tương ứng giá trị trên 307,5 tỷ đồng. Toàn sàn có 54 mã tăng giá, 58 mã đứng giá và 57 mã giảm giá./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục