Chứng khoán châu Á đi xuống trong sáng 20/2, khi giới đầu tư thận trọng chờ đợi quyết định chính sách của ba ngân hàng trung ương lớn ở khu vực trong tuần này.
Ngoài ra, giới đầu tư tiếp tục vật lộn với những tác động từ việc thị trường định giá lại triển vọng chính sách lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Tại Trung Quốc, các chỉ số chính mở cửa giảm nhẹ khi nỗi lo ngại về khả năng tăng lãi suất của Mỹ tiếp tục “phủ bóng” tâm lý nhà giao dịch.
Chỉ số Hang Seng ở Hong Kong giảm 0,19% (tương đương 38,34 điểm) xuống 20.681,47 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 0,2% (6,45 điểm) lên 3.230,47 điểm.
[Gần 710 triệu cổ phiếu FLC được chấp nhận chuyển sang UPCoM]
Tương tự, chứng khoán Nhật Bản đi xuống khi bắt đầu phiên: chỉ số Nikkei 225 tại Tokyo giảm 0,19% (51,01 điểm) xuống ở mức 27.462,12 điểm.
Chứng khoán Hàn Quốc cũng không nằm ngoài xu hướng của khu vực, với nhóm cổ phiếu công nghệ có giá trị vốn hóa lớn mất điểm do lo ngại dai dẳng về việc Fed thắt chặt chính sách tiền tệ để kiềm chế lạm phát. Chỉ số Kospi tại Seoul giảm 0,52% (12,70 điểm) xuống 2.438,51 điểm trong 15 phút giao dịch đầu tiên.
Thị trường chứng khoán Mỹ đóng cửa nghỉ lễ ngày 20/2. Do vậy hoạt động và khối lượng giao dịch ở châu Á sẽ ít hơn bình thường. Điều này sẽ cho giới giao dịch một số không gian “nghỉ ngơi” hiếm hoi để xem xét sự gia tăng chóng mặt của lãi suất và lợi suất trên thị trường Mỹ.
Trong khi chứng khoán Âu-Mỹ tỏ ra khá “dẻo dai,” chứng khoán châu Á đã cảm thấy sức nóng từ diễn biến này.
Chỉ số chứng khoán MSCI của khu vực châu Á-Thái Bình Dương (trừ Nhật Bản) giảm ba tuần liên tiếp, chuỗi giảm tồi tệ nhất kể từ tháng 10/2022.
Chứng khoán Trung Quốc cũng có chuỗi ba tuần đi xuống, đặc biệt với mức giảm mạnh nhất tính từ đầu năm tới nay trong phiên 17/2 là 1,5% sau khi tập đoàn máy tính Lenovo báo cáo doanh thu sụt giảm lớn nhất trong 14 năm.
Tuần này, thị trường sẽ chú ý tới động thái chính sách của ba ngân hàng trung ương lớn của khu vực.
Trong ngày đầu tuần 20/2, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC, ngân hàng trung ương) dự kiến sẽ công bố thiết lập lãi suất chuẩn.
Nhiều nhà phân tích kỳ vọng PBoC sẽ giữ nguyên lãi suất cho vay chuẩn tháng thứ sáu liên tiếp, duy trì lãi suất kỳ hạn một năm ở mức 3,65% và lãi suất 5 năm ở mức 4,30%.
Sang thứ Tư (22/2), Ngân hàng Dự trữ New Zealand dự kiến sẽ giảm quy mô thắt chặt chính sách tiền tệ và tăng lãi suất thêm nửa điểm phần trăm lên 4,75%.
Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BoK) vào thứ Năm (23/2) dự kiến sẽ giữ nguyên lãi suất chính sách ở mức 3,5%. Nếu kịch bản này thành hiện thực, đây sẽ là quyết định giữ nguyên lãi suất đầu tiên sau các đợt tăng liên tiếp kể từ tháng 4/2022.
Nhưng thị trường sẽ không ngạc nhiên nếu BoK có phần "diều hâu" hơn so với tháng trước - lạm phát hiện đã tăng cao, trong khi triển vọng chính sách của Mỹ thay đổi đáng kể và đồng won của nước này đã giảm 7% trong hai tuần qua so với đồng USD.
Các số liệu kinh tế châu Á khác có tác động đến thị trường trong tuần này bao gồm báo cáo lạm phát giá tiêu dùng của Nhật Bản trong tháng 1/2023 được công bố vào thứ Sáu (24/2), cùng số liệu điều chỉnh sau cùng về GDP quý 4/2022 của Hong Kong (Trung Quốc) và Đài Loan (Trung Quốc) vào thứ Tư (22/2).
Về phía doanh nghiệp, những tranh cãi xung quanh Tập đoàn Adani của Ấn Độ đang ngày càng mang tính chính trị.
Cuối tuần trước, Chính phủ Ấn Độ đã yêu cầu tòa án hàng đầu của đất nước kiểm tra "tính trung thực" của các cáo buộc chống lại Adani do công ty chuyên về bán khống Hindenburg Research của Mỹ đưa ra.
Tại thị trường trong nước, vào lúc 10 giờ sáng ngày 20/2, chỉ số VN-Index tăng 10,02 điểm (0,95%) lên 1.069,33 điểm. Chỉ số HNX-Index tăng 3,64 điểm (1,73%) lên 213,59 điểm./.