Trong phiên giao dịch ngày 7/10, chứng khoán châu Á tiếp tục khởi sắc, trong bối cảnh các kế hoạch mà Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) mới đưa ra nhằm bảo vệ hệ thống ngân hàng châu Âu khỏi “bóng đen” của khủng hoảng nợ, đã được giới đầu tư vui vẻ đón nhận.
Kết thúc phiên này, chỉ số Nikkei-225 của Nhật Bản tăng 83,6 điểm, tương đương 0,98%, lên 8.605,62 điểm. Chỉ số S&P/ASX200 của Australia cũng tăng 93 điểm (2,29%), đóng cửa ở mức 4.162,9 điểm và chỉ số Kospi của Hàn Quốc tăng 49,45 điểm (2,89%), lên 4.009,26 điểm.
Không nằm ngoài xu hướng này, tại Trung Quốc, trong khi thị trường chứng khoán Thượng Hải tiếp tục đóng cửa nghỉ lễ, thì chỉ số Hang Sheng của Hong Kong tăng mạnh 534,73 điểm (3,11%), lên 17.707,01 điểm.
Tại cuộc họp Hội đồng hoạch định chính sách của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tại Berlin ngày 6/10, ECB đã thông qua quyết định giữ nguyên lãi suất chủ chốt đối với tái huy động vốn là 1,5%.
Bên cạnh đó, ngân hàng này cũng công bố những biện pháp mới nhằm giúp các thể chế tài chính đang gặp khó khăn tại khu vực, trong đó bao gồm kế hoạch cung cấp các khoản tín dụng mới có thời hạn cho các ngân hàng để hỗ trợ nguồn vốn của lĩnh vực ngân hàng, cũng như tái khởi động chương trình mua trái phiếu chính phủ của các nước đang ngập trong nợ nần tại Eurozone có trị giá lên tới 40 tỷ euro.
[Đức có đủ sức lèo lái Eurozone vượt khủng hoảng?]
Động thái này đã giúp tâm lý của giới đầu tư được cải thiện rõ rệt và “xoa dịu” những lo ngại rằng cuộc khủng hoảng nợ tại Hy Lạp có thể lan sang các nền kinh tế khác và dẫn tới nguy cơ bùng nổ một cuộc suy thoái kinh tế mới trên toàn cầu.
Ngoài ra, thông tin mới đây cho hay ngân hàng trung ương Anh sẽ bơm 75 tỷ bảng Anh vào nền kinh tế đang trên đà suy yếu nhằm kích thích tăng trưởng, cũng là nhân tố tích cực khiến các thị trường chứng khoán đều đua nhau tăng điểm.
Nối gót đà đi lên của phiên giao dịch trước, trong phiên giao dịch đêm hôm trước (6/10), chứng khoán Mỹ tiếp tục tăng điểm, nhờ lòng tin của giới đầu tư vào lĩnh vực tài chính và bán lẻ của Mỹ đã được cải thiện đáng kể, trong khi các nhà lãnh đạo châu Âu vẫn đang nỗ lực nhằm đảm bảo rằng hệ thống ngân hàng của khu vực này sẽ đứng vững trước cơn bão khủng hoảng, ngay cả trong trường hợp Hy Lạp rơi vào cảnh vỡ nợ.
Chốt phiên này, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 183,38 điểm, tương đương 1,68%, đóng cửa ở mức 11.123,33 điểm; chỉ số S&P 500 cũng tăng 20,94 điểm (1,83%) lên 1.164,97 điểm; trong khi chỉ số công nghệ Nasdaq Composite tăng 46,31 điểm (1,88%), lên 2.506,82 điểm.
Ngày 6/10, Bộ trưởng Tài chính Mỹ, Timothy Geithner đã trấn an các nhà lập pháp nước này khi cho rằng hệ thống tài chính Mỹ đã mạnh hơn đáng kể sau khi phục hồi từ cuộc khủng hoảng tài chính 2008-2009.
Thêm vào đó, chuyên gia phân tích chứng khoán, Rochdale cũng khẳng định rằng nguy cơ các ngân hàng Mỹ chịu ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng nợ tại khu vực đồng euro (Eurozone) là rất thấp.
Thông tin này đã khiến các cổ phiếu tài chính đồng loạt lên giá và dẫn đầu xu hướng tăng điểm của Phố Wall, khi mà giá cổ phiếu của ngân hàng Bank of America tăng 8,8%, Citigroup tăng 5,3%; và JPMorgan Chase tăng 5,0%.
Trong khi đó, cổ phiếu của các tập đoàn bán lẻ danh tiếng nước Mỹ cũng không chịu thua kém, với Target tăng 4,3% và 99 Cents Only Stores tăng 8,4%, nhờ báo cáo mới đây từ Bộ Tài chính Mỹ cho biết chi tiêu tiêu dùng trong tháng 9/2011 của nền kinh tế số một thế giới vẫn ở mức ổn định.
Cũng trong phiên giao dịch 6/10, “sắc xanh” cũng thống lĩnh các thị trường chứng khoán chủ chốt của châu Âu, trong bối cảnh những hy vọng rằng giới lãnh đạo EU sẽ tìm ra các giải pháp để đối phó với cuộc khủng hoảng nợ đang kéo dài dai dẳng và nỗ lực giải cứu các ngân hàng dễ bị tổn thương, ngày càng gia tăng.
Kết thúc phiên này, chỉ số FTSE 100 tăng mạnh 3,71%. Trong khi chỉ số CAC 40 của Pháp và DAX của Đức lần lượt tăng 3,41% và 3,15%./.