Hầu hết các thị trường chứng khoán châu Á đều phục hồi trong chiều 28/2 sau đợt bán tháo buổi sáng, khi giới đầu tư hy vọng cuộc họp dự kiến sắp tới giữa Ukraine và Nga ở biên giới với Belarus sẽ giúp giảm bớt căng thẳng.
Phiên này, chứng khoán Nhật Bản đảo ngược mức giảm đầu phiên để đóng cửa cao hơn trong chiều 28/2, với chỉ số Nikkei-225 tiến 0,19% (tương đương 50,32 điểm) và khép phiên ở mức 26.526,82 điểm.
Chứng khoán Hàn Quốc cũng đi lên sau một phiên giao dịch khá “giằng xé." Chỉ số Kospi tại Seoul tăng 0,84% (22,42 điểm) và đóng cửa ở mức 2.699,18 điểm.
Trên thị trường Trung Quốc, chứng khoán Hong Kong kết thúc phiên trong sắc đỏ khi các nhà đầu tư lo ngại về tác động của các lệnh trừng phạt nghiêm ngặt đối với Nga, bên cạnh nỗi lo về một đợt bùng phát COVID-19 tồi tệ hơn tại thành phố này.
Chỉ số Hang Seng giảm 0,24% (54,16 điểm) xuống 22.713,02 điểm. Ngược lại, chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 0,32% (10,90 điểm) lên 3.462,31 điểm.
Trong phiên thứ Sáu tuần trước (25/2), các thị trường chứng khoán đi lên trong khi giá dầu giảm.
Diễn biến này là do giới giao dịch đánh giá rằng các hình phạt do phương Tây áp lên Nga đủ nhẹ để không ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu dầu của nhà sản xuất lớn thứ ba thế giới, vào thời điểm nguồn cung khan hiếm và nhu cầu tăng cao.
[Phái đoàn của Ukraine đã đến Belarus để đàm phán với Nga]
Nhưng bức tranh đã thay đổi vào cuối tuần, khi Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) cho biết họ sẽ loại trừ một số ngân hàng Nga khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT và nhắm mục tiêu vào một số quan chức cấp cao của nước này.
Mỹ và EU cũng cấm tất cả các giao dịch với Ngân hàng Trung ương Nga, khiến đồng ruble sụp đổ. Hãng tin Bloomberg (Mỹ) cho biết đồng nội tệ của Nga đã giảm gần 30% trong phiên giao dịch sáng thứ Hai trên thị trường quốc tế.
Tin tức rằng Ngân hàng Trung ương Nga đã tăng lãi suất lên 20%-mức cao nhất kể từ năm 2003-đã giúp “phanh” đà lao dốc của đồng ruble, nhưng chỉ trong thời gian ngắn.
Giữa bối cảnh căng thẳng Nga-Ukraine lên cao, chuyên gia kinh tế Silvia Dall'Angelo thuộc công ty quản lý đầu tư Federated Hermes (Mỹ) cho hay tình hình có khả năng đẩy giá năng lượng tăng đáng kể, dẫn đến tác động lạm phát tức thời và trở thành lực cản lớn đối với tăng trưởng toàn cầu.
Như tại Mỹ, lạm phát đang quanh mức “đỉnh” của 40 năm, khiến Cục Dự trữ Liên bang (Fed) gặp rất nhiều khó khăn để kiểm soát tình hình.
Tại thị trường trong nước, kết thúc phiên giao dịch ngày 28/2, chỉ số VN-Index giảm 8,76 điểm (0,58%) xuống 1.490,13 điểm. Ngược lại, chỉ số HNX-Index tăng 0,26 điểm (0,06%) lên 440,42 điểm./.