Chứng khoán châu Á phiên giao dịch 25/7 phần lớn giảm điểm

Các thị trường chứng khoán chủ chốt của khu vực châu Á-Thái Bình Dương như Sydney của Australia, Đài Bắc của vùng lãnh thổ Đài Loan, Mumbai, Jakarta đồng loạt chìm trong sắc đỏ.
Chứng khoán châu Á phiên giao dịch 25/7 phần lớn giảm điểm ảnh 1Bảng chỉ số chứng khoán tại Tokyo, Nhật Bản. (Ảnh: Kyodo/TTXVN)

Thị trường chứng khoán châu Á phần lớn giảm điểm trong phiên giao dịch đầu tuần ngày 25/7, trước thềm cuộc họp chính sách đang được chờ đợi của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và một số doanh nghiệp lớn công bố báo cáo kinh doanh quý 2/2022.

Kết thúc phiên này, tại thị trường Tokyo, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản hạ 215,41 điểm (0,77%), xuống 27.699,25 điểm.

Lo ngại ngày càng gia tăng về đà suy thoái kinh tế tạo sức ép giảm lên Phố Wall trong những phiên gần đây và thúc đẩy xu hướng bán tháo cổ phiếu trong lĩnh vực công nghệ.

Công ty môi giới chứng khoán Okasan Online Securities (Nhật Bản) cho biết áp lực chốt lời diễn ra mạnh hơn khi đồng yen tăng giá so với đồng USD đã tạo ra “làn gió ngược” cho hoạt động kinh tế, đặc biệt là lĩnh vực xuất khẩu.

Các thị trường chứng khoán chủ chốt của khu vực châu Á-Thái Bình Dương như Sydney của Australia, Đài Bắc của vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc), Mumbai (Ấn Độ), Manila (Philippines), Jakarta (Indonesia) và Wellington (New Zealand) cũng đồng loạt “chìm” trong sắc đỏ.

Không nằm ngoài xu hướng trên, tại Trung Quốc, hai sàn giao dịch chứng khoán chính là Thượng Hải và Hong Kong tiếp tục mất điểm khi giới đầu tư quan ngại về triển vọng kinh tế, giữa bối cảnh các ngân hàng trung ương lớn đua nhau nâng lãi suất nhằm kiềm chế lạm phát.

Khép lại phiên này, chỉ số Hang Seng mất 46,2 điểm (0,22%), xuống 20.562,94 điểm. Chỉ số Shanghai Composite hạ 19,59 điểm (0,6%), xuống 3.250,39 điểm.

Tuy nhiên, thị trường chứng khoán Hàn Quốc đóng cửa với mức tăng trong phiên này, khi các tổ chức và cá nhân nước ngoài đẩy mạnh mua vào, trong đó các nhà sản xuất ô tô và nhà cung cấp phụ tùng ôtô dẫn đầu đà tăng. Cụ thể, chỉ số KOSPI tăng 10,55 điểm, tương đương 0,44%, đóng cửa ở mức 2.403,69 điểm.

Thị trường cổ phiếu Singapore và Bangkok của Thái Lan cũng ghi nhận mức tăng nhẹ.

Kwak Byung-yeol, nhà phân tích của công ty chứng khoán và đầu tư Leading Investment & Securities Co. (Hàn Quốc), cho biết: “Mối lo ngại về triển vọng của ngành công nghiệp chip gần đây đã giảm bớt với sự gia tăng khiêm tốn của Chỉ số bán dẫn Philadelphia.”

Các nhà đầu tư đang chờ đợi báo cáo lợi nhuận hàng quý từ các tập đoàn “khổng lồ” như Apple, Amazon và Alphabet - công ty mẹ của Google.

Các số liệu này sẽ cung cấp manh mối rõ ràng hơn về tác động của lạm phát gia tăng và việc nâng lãi suất đối với hoạt động chi tiêu của người tiêu dùng và lợi nhuận của các doanh nghiệp.

Các nhà lãnh đạo Fed cho biết ưu tiên chính của họ là đưa lạm phát đi xuống từ mức cao nhất trong 4 thập kỷ, ngay cả khi điều đó phải trả giá bằng đà tăng trưởng bị suy yếu.

Chiến lược gia Eric Robertsen của ngân hàng Standard Chartered (Vương quốc Anh) cho biết: “Chúng tôi vẫn thấy những mặt trái tiếp tục đối với các tài sản rủi ro khi lo ngại suy thoái tích lũy và các ngân hàng trung ương vẫn cam kết chống lạm phát bằng chi phí tăng trưởng.”

[Thị trường chứng khoán châu Á tăng điểm trong phiên chiều 22/7]

Mở cửa phiên giao dịch ngày 25/7, các thị trường chứng khoán châu Âu như London, Paris và Frankfurt đồng loạt hạ điểm. Fed được dự kiến sẽ tăng lãi suất 0,75 điểm phần trăm tại cuộc họp sắp tới và giới đầu tư đang xem xét quan điểm của các nhà hoạch định chính sách Fed về triển vọng của nền kinh tế lớn nhất thế giới khi họ vừa cố gắng kiềm chế lạm phát và vừa “nuôi dưỡng” đà tăng trưởng.

Quyết sách của Fed sẽ được đưa ra một ngày trước khi số liệu về tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) quý 2 của Mỹ được công bố.

Một số nhà quan sát cảnh báo rằng nhiều khả năng kinh tế Mỹ sẽ chứng kiến sự sụt giảm quý thứ hai liên tiếp, vốn được coi là một cuộc suy thoái kỹ thuật.

Tại Việt Nam, thị trường chứng khoán phiên 25/7 diễn biến ảm đạm trong hầu hết thời gian giao dịch. Không có nhóm cổ phiếu nào diễn biến thực sự tích cực.

Chốt phiên này, VN-Index giảm 6,26 điểm xuống 1.188,5 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 437,8 triệu đơn vị, tương ứng hơn 9.928 tỷ đồng.

HNX-Index giảm 3,45 điểm xuống 285,38 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 63,3 triệu đơn vị, tương ứng hơn 1.319,4 tỷ đồng.

UPCOM-Index giảm 0,49 điểm xuống 88,35 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 33,9 triệu đơn vị, tương ứng hơn 616,9 tỷ đồng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục